Tập đoàn Than–Khoáng sản giải thích việc "móc túi" bạn hàng

Cập nhật lúc 14:12, 20/01/2010 (GMT+7)

- Sau khi VietNamNet phản ánh việc nhiều khách hàng lớn mua than của Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) tố cáo TKV độc quyền vận chuyển, áp đặt cước vận chuyển, “móc túi” bạn hàng hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm, TKV đã “lên tiếng” giải thích.

ó là tiền phí bốc dỡ, chi phí bảo hiểm, bốc xếp, hao hụt, giao nhận… Điều này cũng được thể hiện trong hợp đồng ký kết hai bên"- Ông Ngô Văn Tám, Phó trưởng Ban Thị trường Than nội địa.

Giao than cuối nguồn để chống gian lận thương mại!

Ông Ngô Văn Tám - Phó trưởng Ban Thị trường Than Nội địa (Tổng Cty Công nghiệp Than- Khoáng sản VN. Ảnh: Kiên Trung

Ông Ngô Văn Tám - Phó trưởng Ban Thị trường Than Nội địa (Tổng Cty Công nghiệp Than- Khoáng sản VN. Ảnh: Kiên Trung

Ông Ngô Văn Tám– Phó trưởng Ban Thị trường Than Nội địa, người được Lãnh đạo tập đoàn TKV chỉ định làm việc với VietNamNet, giải thích về điểm giao than cuối nguồn (kiêm luôn cả vận chuyển than): "Đây là phương thức quản lý của TKV để đảm bảo các hộ mua than sạch, không lợi dụng được mua trợ giá để “tuồn” than ra thị trường bên ngoài".

Ông Tám phủ nhận thông tin cho rằng TKV độc quyền vận chuyển than, áp đặt giá cước gây thiệt hại cho khách hàng.

Ông Tám thừa nhận rằng: "Tính đến thời điểm hiện tại, TKV mới đảm trách vận chuyển được dưới 10% khối lượng than tiêu thụ trong nước do lực lượng vận tải của TKV chưa đủ đáp ứng".

Hơn 90% khối lượng than còn lại, ông Ngô Văn Tám cho rằng: "TKV phải thuê các đơn vị vận chuyển thuộc mọi thành phần kinh tế. Những đơn vị được TKV thuê để chở than từ đầu nguồn đến các cảng cuối nguồn, phải có đủ 4 tiêu chí: có giấy phép kinh doanh; có năng lực và chất lượng phương tiện vận chuyển; thực hiện các quy định của pháp luật và... có kinh nghiệm chở than".

TKV cũng giải thích, không chỉ các hộ tiêu dùng than mua của TKV thuộc hiệp hội Xi Măng Việt Nam (VNCA), hầu hết các đơn vị mua than của TKV đều phải mua theo phương thức giao than tại cảng, ga dỡ hàng hoặc tại kho của khách hàng.

Chỉ duy nhất có 2 đơn vị là TCty Giấy và TCty Xi Măng được mua than tại cảng xếp hàng tại Quảng Ninh, vì 2 đơn vị này có phương tiện vận chuyển hoặc có đối tác vận chuyển đủ năng lực và đủ uy tín.

Theo giải thích của ông Ngô Văn Tám, thì việc TKV giao than cuối nguồn cho tất cả các khách hàng (trừ TCty Giấy và Xi măng) chỉ nhằm chống thất thoát than dọc các cung đường vận chuyển chứ không phải TKV độc quyền vận chuyển than. Năng lực vận chuyển của TKV chỉ đáp ứng dưới 10% nhưng hơn 90% còn lại, TKV tiến hành thuê các đơn vị vận chuyển "hộ" để giao than tận cuối nguồn cho khách hàng, khách hàng mua than của TKV không có quyền tham gia hoặc "có ý kiến" về việc này.

Mô tả ảnh. Mô tả ảnh.

TKV thực hiện giao than cuối nguồn "nhằm chống thất thoát" dọc các cung đường vận chuyển (Ảnh minh hoạ)

Mặc dù không thừa nhận "độc quyền vận chuyển than, áp đặt giá cước gây thiệt hại cho khách hàng" nhưng ông Ngô Văn Tám lại cho rằng: “Các hộ dùng than của TKV còn được hưởng mức giá cước rẻ hơn giá cước vận chuyển của than bán cho ngành điện tới… 10%. Còn lý do giá tiền phụ trội của mỗi tấn than giao tại cuối nguồn cao hơn so với giá than mà các khách hàng tính toán nếu họ thuê đơn vị vận chuyển khác thì đó là tiền cước phí bốc xếp, chi phí bảo hiểm, giao nhận và… hao hụt than (!?).

Lấy ví dụ cụ thể: Tại thông báo số 6907/TKV-KH + TTN về giá bán than Hòn Gai, loại than cám 4A. Theo thông báo này, giá bán đầu nguồn cho các hộ sản xuất xi măng từ ngày 01/12/2009 là 1.170.000đ/tấn, chưa bao gồm thuế VAT và cước vận chuyển. Thế nhưng, bên mua (xi măng Hữu Nghị) phải thanh toán là 1.400.000 đồng ở “cuối nguồn”. Trừ thuế VAT 5%, cước vận chuyển 72.000 đồng, số tiền còn lại chênh lên hơn 100.000đồng/tấn.

Ông Tám giải thích: đó là tiền phí bốc dỡ, chi phí bảo hiểm, bốc xếp, hao hụt, giao nhận… Điều này cũng được thể hiện trong hợp đồng ký kết hai bên.

Về giá cước vận chuyển, các khách hàng mua than tự tính toán và vẫn cho rằng: Nếu được tự vận chuyển, chi phí sẽ chỉ bằng… 1/3 mức tính của TKV.

Về điểm chống thất thoát than dọc các cung đường vận chuyển, các khách hàng của TKV cho rằng: TKV hoàn toàn có khả năng kiểm soát việc sử dụng than của các hộ mua than, ngăn chặn việc khách hàng “tuồn” than ra bên ngoài bằng việc đối chiếu công suất sản xuất của các đơn vị ứng với tỷ lệ tiêu hao nhiên liệu, từ đó tính ra nhu cầu sử dụng than thực tế. Đối chiếu với khối lượng than ký kết trong đơn hàng sẽ quản lý được nhu cầu sử dụng than của họ, chứ không phải quản lý bằng phương pháp “thủ công” mang tính áp đặt như thế.

Tính lãi suất nợ trả chậm gần 100%: “Do kế toán nhầm dấu!”

Trong công văn số 8007/TKV – KT của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam gửi Công ty CP Xi măng Hữu Nghị về việc đề nghị thanh toán công nợ tiền than (ngày 18/12/2009) do P.TGĐ Nguyễn Văn Hải ký. Theo đó, đến ngày 15/12/2009, Xi măng Hữu Nghị còn nợ TKV số tiền hơn 7,4 tỷ đồng; trong đó nợ tiền than là gần 500 triệu đồng; tiền lãi trả chậm 11 tháng đầu năm 2009 hơn 4,1 tỷ đồng; tiền lãi trả chậm năm 2008 gần 2,8 tỷ đồng. Thời hạn Xi măng Hữu Nghị phải trả nợ đúng 1 tuần sau ngày ký công văn (ngày 25/12/2009).

Mô tả ảnh.

Lãi suất trả chậm lên tới 97% là do "kế toán nhầm dấu" - ông Tám giải thích. - Ảnh: Kiên Trung

Kèm theo công văn là bảng kê chi tiết lãi suất trả chậm tính theo ngày. Trong đó, giai đoạn từ ngày 12/01/2009 – 02/02/2009, mức lãi suất được tính là… 95%/ngày. Giai đoạn 30/3/2009 – 22/4/3009: 85%/ngày; giai đoạn 23/4/2009 – 14/6/2009: 97%/ngày.

Giải thích về bảng kê lãi suất này, ông Tám cho biết: đây là lỗi do kế toán… nhầm dấu!

“Chúng tôi sẽ yêu cầu kế toán tính toán lại để tránh thiệt hại cho doanh nghiệp. Đây là do sơ suất… nhầm dấu máy tính!” – ông Tám cho hay.

Về vấn đề độ ẩm than cao hơn mức cho phép ảnh hưởng đến chất lượng than, ông Tám thừa nhận: có tình trạng nói trên. Độ ẩm than về đến bãi cuối nguồn cao hơn so với độ ẩm cho phép. Tuy nhiên, ông Tám giải thích rằng, tất cả những vấn đề trên lại chỉ gây thiệt hại cho… TKV chứ không gây thiệt hại cho các khách hàng của TKV: “Độ ẩm than tăng, TKV phải chịu thiệt vì phải thanh toán chi phí vận chuyển theo độ ẩm thực tế, còn khách hàng chỉ thanh toán tiền than theo độ ẩm thỏa thuận”.

Về việc tính toán lãi suất trả chậm lên tới gần 100%, ông Tám cũng nói: “TKV mới là người bị thiệt vì bị ảnh hưởng đến… uy tín”.

Được biết, ngày 18/1/2010, TKV đã gửi công văn số 239 với nội dung “đính chính lại công văn số 8007 gửi Cty CP xi măng Hữu Nghị” về việc “nhầm lẫn” trong khâu tính toán nên mới để xảy ra sự việc lãi suất trả chậm lên tới mức 97%. Thực tế, lãi suất mà Xi măng Hữu nghị phải trả là xấp xỉ 1,3 tỷ đồng (chứ không phải mức 4,1 tỷ đồng) như TKV tính toán do… nhầm dấu!

Ông Ngô Văn Tám–Phó trưởng Ban Thị trường Than nội địa, TKV:

Năng lực vận chuyển than của TKV mới ở mức dưới 10%, tại sao TKV không để khách hàng tự lo vận chuyển để khỏi mang tiếng TKV "độc quyền"?

- Chúng tôi đi thuê các phương tiện vận chuyển bên ngoài thuộc các thành phần kinh tế đảm báo các yêu cầu: có giấy phép kinh doanh, có năng lực và chất lượng vận chuyển; đã từng vận chuyển than và có uy tín.

Công việc chính của chúng tôi là khai thác than chứ không phải là vận chuyển. Các phương tiện vận chuyển 10% khối lượng than tiêu dùng nội địa này thuộc các công ty thuộc Tổng TKV. Không có chuyện chúng tôi khai thác than rồi phải đóng lên xe chở đến tận nơi tiêu thụ được!

Tại sao không để các hộ mua than được tự vận chuyển than mà TKV lại phải vận chuyển, trong khi TKV chưa đủ năng lực vận chuyển và TKV cũng phải đi thuê phương tiện vận chuyển than?

- TKV đang thực hiện hai phương thức: giao hàng tại cảng xếp (đầu nguồn) và tại cảng dỡ hoặc kho của bên mua (cuối nguồn). Đối với phương thức thứ nhất, chỉ có TCty Giấy và TCty Ximăng được mua tại đầu nguồn, vì họ có phương tiện hoặc có đối tác vận chuyển. Các hộ mua than còn lại đều áp dụng phương thức thứ 2.

TKV vừa là đơn vị kinh doanh, vừa là đơn vị quản lý nhà nước. Cứ có một tấn than lậu nào trong thị trường nội địa, trách nhiệm cũng thuộc về TKV. Chúng tôi giao hàng cuối nguồn để ngăn ngừa các hiện tượng gian lận thương mại, xuất khẩu lậu trong kinh doanh, vận chuyển và sử dụng than.

Được biết, nhiều hộ mua than đã có đề xuất với TKV để họ tự vận chuyển, nhưng TKV không chấp nhận. Tại sao vậy, thưa ông?

- Chúng tôi không thấy họ kiến nghị bằng văn bản. Nếu họ kiến nghị bằng văn bản và đối tác vận chuyển của họ có đủ năng lực, như các tiêu chí mà TKV đưa ra, thì TKV sẽ đồng ý.

Có ý kiến rằng, có hiện tượng phun nước vào than trong quá trình vận chuyển, đến khi về kho bên mua thì độ ẩm tăng nhiều lần so với độ ẩm cho phép?

- Hiện tượng này có xảy ra. Chúng tôi đã xử lý.

Cụ thể, đấy là đơn vị vận chuyển nào?

- Thông tin này chúng tôi không tiết lộ, vì nó ảnh hưởng tới uy tín làm ăn của đối tác vận chuyển của TKV. Nhưng chúng tôi đã xử lý.

Mỗi năm, thị trường than nội địa tiêu thụ hàng triệu tấn than. Như thế cần có một đội vận chuyển khổng lồ. Tại sao TKV không tổ chức đấu thầu để giảm thiểu chi phí vận chuyển?

- Việc tổ chức đấu thầu là không thể, vì chúng tôi không có thời gian và các hồ sơ thầu cũng lên tới cả núi hồ sơ. Năm 2008, TKV đã tổ chức chào giá cạnh tranh đối với hai tuyến Phả Lại và Ninh Bình, TKV phải mất một thời gian dài để xử lý cả một núi hồ sơ.

Về việc tính lãi suất trả chậm của xi măng Hữu Nghị lên đến 97%, TKV căn cứ trên mức lãi suất của Ngân hàng nào, thưa ông?

- Đấy là thiếu sót của kế toán do nhầm dấu. Chúng tôi sẽ yêu cầu kế toán tính toán lại. Mà như thế là thiệt thòi cho TKV chứ không phải cho khách hàng. (!?).

- Xin cảm ơn ông!

  • Kiên Trung

Ý kiến của bạn

Tin liên quan

Các tin khác