Tự chẩn bệnh trong dịch cúm
(VietNamNet) - Bạn bị cúm nếu sốt cao dần lên 38oC, ho, đau họng, chảy nước mũi. Nhưng sốt đột ngột trên 38oC, ho khan, khó thở, cần nghĩ đến khả năng mắc cúm A/H5N1.
Cúm là gì?
Cúm là bệnh của cơ quan hô hấp do virus có tính chất lây nhiễm cao gây ra. Bệnh có nguy cơ đe doạ sức khoẻ cộng đồng vì có tính lây lan nhanh từ các vụ dịch nhỏ nhanh chóng lan tràn ra cộng đồng.
Virus cúm A gồm 2 kháng nguyên Haemagglutinin (H) và Neuraminidase (N). Những kháng nguyên bề mặt này liên quan đến khả năng gây nhiễm trên vật chủ và tạo ra chủng virus mới.
Chăm sóc bệnh nhân nhiễm cúm A/H5N1 mùa dịch 2004 tại Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới. |
Dịch cúm xảy ra khi virus có tỷ lệ đột biến cao và kháng nguyên bề mặt luôn có xu hướng biến đổi. Chỉ cần những đột biến nhỏ đã dẫn tới sự biến đổi kháng nguyên, tạo ra một chủng cúm A mới. Hàng năm, quá trình gây nên dịch cúm trên diện rộng thường xảy ra vào cuối mùa thu và đầu xuân.
Đại dịch cúm liên quan tới sự thay đổi cơ bản gen ở virus cúm A tạo nên một tuýp virus mới. Kháng nguyên bề mặt được thay đổi hoàn toàn khác biệt. Khi đột biến gen xảy ra, toàn bộ cộng đồng chưa có miễn dịch đối với phân tuýp virus cúm mới đó.
Các biểu hiện viêm đường hô hấp cấp do virus cúm gây ra
Các dấu hiệu nhiễm khuẩn thể hiện rõ nhất là sốt cao liên tục, rét run kèm các triệu chứng về hô hấp như ho khan, đôi khi có triệu chứng viêm long đường hô hấp, đau ngực, khó thở, tím tái, trường hợp nặng có suy hô hấp. Những triệu chứng khác sẽ là đau đầu, đau cơ, đi ngoài, rối loạn ý thức.
Phân biệt giữa người bị cúm thông thường và cúm A/H5N1
Khi bị cúm thông thường, người bệnh sẽ sốt cao dần lên 38oC, ho, đau họng, có chảy nước mũi, ngoài ra không có bất cứ biểu hiện gì khác. Còn khi bị mắc cúm A/H5N1, người bệnh sẽ sốt đột ngột trên 38oC, ho khan, khó thở, khi xét nghiệm thấy bạch cầu hạ và chụp X quang thì thấy viêm phổi không điển hình.
4 nguyên tắc phòng chống bệnh cúm
- Vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống là yêu cầu được đặt lên hàng đầu: đảm bảo vệ sinh cá nhân hàng ngày, không sử dụng thịt và các sản phẩm từ súc vật mắc bệnh, sử dụng các thuốc sát khuẩn đường mũi họng hàng ngày.
- Hạn chế sự tiếp xúc với nguồn bệnh, hạn chế tiếp xúc với người bệnh, súc vật mắc bệnh. Phải đeo khẩu trang y tế, đeo kính, mũ, áo khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh, súc vật mắc bệnh. Rửa tay bằng xà phòng hoặc chất sát khuẩn trước và sau khi tiếp xúc. Những người mắc bệnh mạn tính có nguy cơ biến chứng cúm cần tránh tiếp xúc với nguồn bệnh.
- Tăng cường sức khỏe và khả năng phòng bệnh bằng cách ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý và rèn luyện thân thể. Những người thường xuyên tiếp xúc với nguồn bệnh, làm việc ở các nơi có dịch cúm trên súc vật cần thực hiện các biện pháp dự phòng cá nhân như phòng bệnh chống dịch SARS.
- Khi có biểu hiện viêm đường hô hấp cấp như sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, đau họng, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.
-
Nguồn: Bộ Y tế