Khổ sở với những "Chí Phèo online"
"Những tin đồn ác ý cộng thêm sự tung hứng của đám đông sẽ trở thành đòn bạo lực tinh thần kinh khủng cho nạn nhân. Có thể những tin đồn này chưa đủ hot để trở thành scandal của người nổi tiếng – nhưng sự thật là nó làm người bị hại đau đớn, lo sợ và mất lòng tin. Họ bị chỉ trích nặng nề mà không thể thanh minh". Chúng tôi xin trích đăng bài viết trên báo HHT có cùng chủ đề về lối sống gấp, hưởng thụ, bạo lực của một bộ phận giới trẻ mà VietNamNet đang mở diễn đàn để cộng động mạng, các nhà nghiên cứu và chính giới trẻ đưa ra ý kiến của mìmh.
>> Giới trẻ ’sống gấp’ để thể hiện cái ’tôi’?
>> Tại sao xã hội có những đứa trẻ hư?
>> ’Người lớn vậy, trẻ ngại gì tình một đêm?’
>> “Người lớn cũng sống gấp, sao dạy trẻ con?”
Bạo lực tinh thần qua mạng – đáng báo động
Những nhân vật trong bài chỉ là một vài trường hợp điển hình, bởi có hàng tá những tin đồn ác ý được sản xuất hàng ngày hàng giờ trên mạng. Bạn nghĩ gì khi đọc những thông tin như “con bé A mới 17 tuổi nhưng đi giải phẫu ngực”; “tưởng học giỏi lắm, nhưng thực ra B chỉ biết quay bài và cặp kè với thầy giáo để có điểm”; “C là kẻ lừa tình lừa tiền số một – cần tránh xa” với những comment kèm theo như “Ghê quá”, “Hèn gì nhìn mặt đã thấy ghét”, “Up lên cho bà con biết”?
Hình ảnh cá nhân bị bôi nhọ, bạn bè người thân hiểu lầm xa lánh. Trên hết, họ sẽ hồ nghi về giá trị bản thân và trở nên tự ti, mặc cảm, stress kéo dài hay trầm cảm. |
Bạn sẽ im lặng, bênh vực, vào hùa, hay đem thông tin này đi khắp nơi để được tiếng là người tích cực, hiểu biết rộng?
Những tin đồn ác ý cộng thêm sự tung hứng của đám đông sẽ trở thành đòn bạo lực tinh thần kinh khủng cho nạn nhân. Có thể những tin đồn này chưa đủ hot để trở thành scandal của người nổi tiếng – nhưng sự thật là nó làm người bị hại đau đớn, lo sợ và mất lòng tin. Họ bị chỉ trích nặng nề mà không thể thanh minh.
Hình ảnh cá nhân bị bôi nhọ, bạn bè người thân hiểu lầm xa lánh. Trên hết, họ sẽ hồ nghi về giá trị bản thân và trở nên tự ti, mặc cảm, stress kéo dài hay trầm cảm. Và khi đó, không ai nói trước được rằng họ sẽ làm điều gì dại dột...
Đừng nghĩ rằng một comment nhỏ nhoi chỉ để góp vui, nói lên chính kiến hay bày tỏ quan điểm. Bởi chúng có thể trở thành vũ khí dìm chết một nạn nhân tội nghiệp, người bạn chưa từng hiểu rõ và chưa từng gây tổn hại gì cho bạn
Ném đá hội đồng
Bạn Hà Anh, sinh viên năm 1, trường ĐH KHXH&NV tâm sự: “Mình từng tham gia một diễn đàn của trường, và hoạt động khá tích cực ở đó. Nhưng có lần mình có xích mích với một thành viên lâu năm ở đó. Vậy là bất cứ topic nào có mình thảo luận là chị ấy và những thành viên khác lại vào phản đối, xách mé mình.
Họ đem chuyện ngoại hình, học hành, rồi cả những quan điểm sống của mình ra để phê phán. Mình thật sự stress và mệt mỏi, vì có một số người không hiểu đầu đuôi thế nào mà cũng vào hùa chửi mắng. Sau đó mình bỏ nick ở diễn đàn vì cảm thấy thất vọng, mất lòng tin.
Bao vây, cô lập một ai đó vì họ trái quan điểm hay “khó ưa” là chuyện thường diễn ra ở các forum. Không dừng lại ở đó, một số người còn “truy cùng diệt tận” khiến nạn nhân lâm vào cảnh dở khóc dở cười.
Bao vây, cô lập một ai đó vì họ trái quan điểm hay “khó ưa” là chuyện thường diễn ra ở các forum. Không dừng lại ở đó, một số người còn “truy cùng diệt tận” khiến nạn nhân lâm vào cảnh dở khóc dở cười. |
Bạn V.T cho biết “Mình cũng từng bị quấy rối, cô lập như thế. Cứ tưởng bỏ nick ở diễn đàn là xong, nhưng những người đó lần tìm các thông tin của mình rồi mò đến tất cả các trang mạng, forum khác, cả blog riêng và facebook nữa. Họ nói xấu, đặt điều về mình ở khắp nơi, làm mình bị bài xích. Họ còn vào spam trang cá nhân của mình bằng những lời thô tục, gớm ghiếc. Mình khủng hoảng đến độ muốn biến mất cho xong...”
Sự bắt nạt này tuy ảo nhưng lại được tiếp tay bởi vô số kẻ a dua. Họ chẳng cần biết đầu đuôi câu chuyện vẫn có thể đưa ra những nhận xét độc ác và nặng nề, chỉ để chứng tỏ vị thế của mình trong cộng đồng ảo hay kiếm thêm vài cái “thanks”. Và sau mỗi phi vụ “dìm hàng” thành công ai đó, họ lại càng hỉ hả vui sướng vì cảm thấy mình đầy quyền lực.
Chí Phèo mạng
“Mày là đồ con gái lăng nhăng, *** đãng. Hãy coi chừng, trong vòng 7 ngày tới máu của mày sẽ đổ”.
Đó là một trong vô số những tin nhắn mà M phải đối mặt hàng ngày. Chuyển đến trường mới, M nhanh chóng được quan tâm bởi gương mặt xinh xắn. Rồi ai đó trong trường xem cô là “tình địch” vì trót nhận lời đi xem phim cùng bạn trai cũ của cô ta.
Vậy là có cả một chiến dịch “trừ khử” M được thực hiện. Những tin nhắn sặc mùi xã hội đen, chửi bới M là loại con gái không ra gì, đòi M chuyển trường gấp nếu không sẽ “không có ngày mai” trút xuống hộp mail, Y!M, blog của M.
Có hôm đang làm bài, một loạt nick lạ thi nhau gởi đến laptop của M những hình ảnh bậy bạ, gớm ghiếc làm cô bé chỉ biết tắt vội máy tính rồi ôm mặt khóc.
Chưa dừng lại ở đó, mỗi ngày M đều nhận được một email mô tả lại chuyện hôm đó cô bé ăn mặc thế nào, nói chuyện với ai, sinh hoạt ra sao. M thật sự hoảng loạn, vì tin chắc rằng mình bị theo dõi. M không dám đến trường, sợ phải nói chuyện với người khác, không thể tập trung học tập và thậm chí bị mất ngủ triền miên.
Cuối cùng, ba mẹ phải cho cô đi gặp bác sĩ tâm lý và làm thủ tục chuyển trường. Đã 6 tháng trôi qua, nhưng M vẫn chưa hoàn toàn vượt qua cú sốc.
Sử dụng tính chất “ảo” của internet, xâm nhập đời tư, đe dọa nặc danh... là những chiêu thức mới nhất của trò bắt nạt. Kẻ chủ mưu đinh ninh rằng mình sẽ an toàn khi thực hiện mọi hành động chỉ thông qua một chiếc máy tính được kết nối, và sẽ không ai có thể bắt tận tay day tận mặt.
H là một anh chàng như vậy. Bị từ chối tình cảm, H sinh lòng hận thù và quyết “ăn không được phá cho hôi” B.Phương, người dám từ chối anh ta.
Vốn hiểu biết về công nghệ thông tin và các thủ thuật bảo mật, không khó để H lấy được password hộp thư của nạn nhân. H dùng hộp thư nào gởi đi những email kiếm nhã cho danh sách bạn bè của Phương, sao chép lại những thư từ riêng tư của cô và bạn trai rồi gởi lung tung cho người khác. Xui xẻo cho Phương, trong hộp thư còn có một số ảnh khá mát mẻ mà cô gởi tặng bạn trai.
Vậy là hôm sau, những bức ảnh hết sức nhạy cảm này được dán công khai trong bản tin trường học, lớp và thậm chí nhà riêng của cô. Hai tuần sau Phương uống thuốc ngủ để tự tử nhưng may mắn được phát hiện kịp thời...
Cơ chế tin đồn và sự a dua
Anh chàng M có cách sống bị cho là “chơi trội” trong trường, bởi lúc nào tỏ ra mình sành điệu, giàu có. Một ngày, cậu bị té xe và phải nghỉ học nửa tháng. Rồi không biết từ đâu, người ta chuyền tay nhau một entry được cho là của M thú tội rằng mình làm... trai bao, và vừa bị đánh ghen bởi vợ của người tình đồng tính.
Diễn đàn của trường lập tức xôn xao vì thông tin này bởi nhiều kẻ đổ thêm dầu vào lửa. Họ thi nhau kể về những chi tiết minh họa cho cuộc sống “sa đọa” của M như biết hút thuốc, đeo hoa tai, hay ngồi ở quán bar đồng tính, đi chơi về khuya...
Cả những bức ảnh vui vẻ với bạn bè mà M up lên trang cá nhân cũng bị gom về cho vào bài viết để chứng tỏ M làm trai bao. M sau đó đã đi thanh minh khắp nơi, kể cả đưa ra giấy nhập viện của mình nhưng tin đồn vẫn không thể dập tắt. Đáng buồn hơn, kể cả ba mẹ M cũng nghĩ rằng cậu đã làm những chuyện xấu xa đó và la mắng M thậm tệ vì dám làm xấu mặt dòng họ.
Trong lúc quá bức xúc, M đã thuê côn đồ chặn đánh một học sinh khác trong trường – người chủ mưu của việc tung tin đồn ác ý này. Sau đó cậu bị đình chỉ học 2 tháng. Hành động của M là sai, nhưng nguyên nhân lại bắt nguồn từ thói bịa chuyện hại người của những kẻ buôn chuyện.
Teen hãy biết tự bảo vệ mình: - Không để lộ quá nhiều thông tin cá nhân trên mạng: số điện thoại, địa chỉ nhà, thông tin của cha mẹ và đặc biệt là những hình ảnh cá nhân “nhạy cảm”. Để chắc chắn, bạn có thể tự tìm kiếm về mình bằng google và kịp thời xử lý những thông tin nguy hiểm - Đừng dùng chung một password cho các tài khoản trên mạng của bạn. Nếu không thể nhớ hết, có thể dùng một phần mềm lưu trữ hoặc ghi ra giấy và cất giữ cẩn thận. - Tránh những tranh cãi quá khích hoặc tham gia ném đá hội đồng trên các diễn đàn để không bị “cho vào sổ đen” - Xây dựng một cuộc sống lành mạnh, hòa đồng. Đừng quá phụ thuộc vào các mạng xã hội ảo, bạn sẽ ít bị tổn thương hơn nếu bị tấn công. - Báo ngay với phụ huynh hoặc thầy cô nếu kẻ bắt nạt bạn có những hành vi quá đáng. Sỉ nhục, vu khống, lan truyền ảnh nóng hay xâm phạm đời tư đều là những hành vi phạm pháp. Và người lớn sẽ có cách bảo vệ bạn. |
(Theo HHT)
>> Giới trẻ ’sống gấp’ để thể hiện cái ’tôi’?
>> Tại sao xã hội có những đứa trẻ hư?
>> ’Người lớn vậy, trẻ ngại gì tình một đêm?’
>> “Người lớn cũng sống gấp, sao dạy trẻ con?”