Bài 1

“Vô tư” dùng thuốc tâm thần: Tiền mất, tật mang

Cập nhật lúc 10:31, 09/11/2010 (GMT+7)
Thuốc tâm thần, thuốc gây nghiện và tiền chất (là hóa chất không thể thiếu trong quá trình điều chế, sản xuất thuốc gây nghiện, hướng tâm thần) nếu không được sử dụng đúng chỉ dẫn và có sự giám sát của bác sỹ sẽ gây nên những hậu quả khôn lường.

Tâm thần giả thành tâm thần thật

Trước các kỳ thi tốt nghiệp, thi Đại học, các bệnh viện chuyên khoa về tâm thần thường tiếp nhận rất nhiều học sinh có các dấu hiệu căng thẳng đầu óc, mệt mỏi, mất tập trung. Trong đó có nhiều em ban đầu chỉ bị căng thẳng nhẹ, nhưng vì gia đình thiếu hiểu biết đã tự mua thuốc điều trị tâm thần về uống, cha mẹ còn ép các em uống những loại thuốc bổ não (thực chất cũng là thuốc tâm thần). Sau một thời gian, những em này trở nên lơ đễnh, ngồi đâu ngủ đó, không ăn không uống.

Vào khoảng tháng 4/2010, bệnh viện Tâm thần TPHCM tiếp nhận trường hợp một bệnh nhân trú tại quận Bình Thạnh, là học sinh lớp 12. Bệnh nhân được đưa tới bệnh viện trong tình trạng nhiều ngày không ăn cơm, vẻ mặt ngơ ngác đầy lo lắng, đêm ngủ hay giật mình.

 

Mô tả ảnh.
Nhiều học sin, sinh viên bị căng thẳng trước các kỳ thi quan trọng đã lạm dụng thuốc điều trị tâm thần mà không biết. Hậu quả là từ không bị tâm thần, các em đã bị tâm thần thật (Ảnh chỉ có tính minh họa)

 

Trước đó, vào những lúc căng thẳng vì áp lực học hành, em này có chia sẻ với các bạn trong lớp và được các bạn mách mua loại thuốc có tên gọi Amphetamine có công dụng bổ não, tăng cường trí nhớ.

Sau khi uống thuốc, học sinh này cho biết tinh thần rất phấn chấn, học liên tục trong nhiều giờ. Tuy nhiên, sau khi uống thuốc một thời gian, em bắt đầu lơ đãng, chán nản, không muốn học, ngồi đâu ngủ đó, không ăn uống, có lúc đang nằm ngủ bỗng giật mình choàng dậy cầm sách lên nhưng chỉ được vài phút lại bỏ sách xuống rồi đi lang thang.

Bác sĩ Phạm Văn Trụ, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần TPHCM cho biết: “Thuốc Amphetamine là loại ma túy kích thích thần kinh. Khi tìm hiểu bệnh sử thì phần lớn các trường hợp bệnh nhân cho biết đều có dùng những loại thuốc bổ thần kinh. Ngoài Amphetamine, các loại thuốc khác như Tanakan, Nootropil, Galantamine, Aricept… đều là loại dùng để điều trị cho người mắc phải các chứng bệnh tâm thần”.

Yếu sinh lý vì lạm dụng thuốc tâm thần, thuốc gây nghiện

Đã có nhiều bệnh nhân vì lạm dụng thuốc tâm thần, thuốc gây nghiện một cách bừa bãi, không theo chỉ dẫn đã khiến khả năng tình dục suy giảm rõ rệt.

Sau một thời gian điều trị chứng loạn thần ở Viện Sức khỏe tâm thần, bệnh nhân Nguyễn Văn T. (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết lại phải đi khám nam khoa ở bệnh viện Việt Đức vì nhận thấy đời sống tình dục bị “trục trặc” nghiêm trọng.

Theo dõi bệnh sử, các bác sỹ phát hiện anh T. đã uống thuốc clorpromazin để chữa chứng loạn thần. Đây là một chỉ định đúng của các bác sỹ tâm thần. Tuy nhiên ở góc độ sức khỏe sinh sản thì loại thuốc này không có lợi.

Clorpromazin là loại thuốc duy trì tăng tiết prolacin làm tăng tiết sữa, gây rối loạn kinh nguyệt, gây to vú ở đàn ông, làm rối loạn chức năng sinh dục ở cả nữ và nam. Butyrophenon, thioridazin chữa loạn thần nhưng có tác dụng phụ là gây rối loạn phóng tinh đôi khi gây rối loạn cương và rối loạn cực khoái.

Vì muốn chữa các chứng loạn thần nhanh nên bệnh nhân đã uống thuốc không theo chỉ định, khiến khả năng quan hệ tình dục giảm đột ngột.

 

Mô tả ảnh.
VÌ lạm dụng thuốc tâm thần, gây nghiện, khả năng quan hệ tình dục bị suy giảm (ở cả nam và nữ)

Ngoài ra, các loại thuốc ngủ, thuốc an thần khác cũng có thể  gây rối loạn cương ở nam, rối loạn cực khoái ở nữ. Có thể kể đến nhóm benzodiazepam (librium) gây ức chế hệ thần kinh trung ương và ức chế chức năng sinh dục. Những loại thuốc chống trầm cảm ba vòng (như amitriptylin, protriptylin, imipramin) làm giảm ham muốn, giảm cương dương, ức chế sự phóng tinh. Cloripramin làm giảm ham muốn, làm chậm phóng tinh, gây liệt dương.

Nhất là với ma túy cổ điển (như  morphin, cao hay nhựa thuốc phiện (chứa morphin), heroin (chất tổng hợp, dẫn chất của morphin), lúc đầu thuốc khiến người dùng hưng phấn nhưng sau đó tất cả các loại ma túy cổ điển đều ức chế hệ thần kinh trung ương và ức chế chức năng sinh dục.  Tương tự với ma túy mới (estasy), sau khi gây hứng phấn thuốc sẽ khiến người dùng có cảm giác bị ức chế, mệt mỏi (ngủ li bì) và làm giảm chức năng sinh dục.

Cũng đã có trường hợp bị ngộ độc vì vô tình dùng phải thuốc gây nghiện, thuốc tâm thần. Vào khoảng tháng 3/2008, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) đã cấp cứu một trường hợp bị hôn mê sâu, thở yếu do uống phải thuốc trị bệnh tâm thần.

Khi vào Khoa Cấp cứu, em đã hôn mê sâu, nhiều đàm nhớt, thở yếu, được đặt nội khí quản giúp thở, đồng thời phải đặt thông dạ dày.

Mua thuốc tâm thần, gây nghiện trên mạng: Nguy hiểm rình rập

Hiện nay, trên mạng Internet luôn có hàng loạt các mẩu tin rao bán đủ loại thuốc, trong đó có cả thuốc an thần như Hydrocodone. Hydrocodone là thuốc giảm đau trong nhóm thuốc gây nghiện.

Các loại thuốc tâm thần khác cũng được rao bán tràn lan trên mạng như Ambien (Zolpidem) là thuốc điều trị mất ngủ, chống chỉ định ở trẻ em dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai hoặc cho con bú. Valium là thuốc ngủ trong danh mục thuốc hướng tâm thần. Xanax là thuốc điều trị các thể lo âu trầm cảm, chống chỉ định với những trường hợp mẫn cảm với benzodiazepin, suy hô hấp nặng, phụ nữ có thai (ba tháng đầu) hoặc cho con bú. Soma là thuốc điều trị đau cơ có điều kiện, thuốc có thể gây nghiện nên chỉ được sử dụng khi có toa bác sỹ. Ultram (Tramadol) cũng nằm trong danh mục thuốc gây nghiện. Phentermine là thuốc điều trị béo phì đơn thuần có kèm biến chứng, chống chỉ định trong các trường hợp phụ nữ có thai, suy tim nặng, cao huyết áp, cường giáp, bệnh tâm thần.

Các loại thuốc an thần, tâm thần, gây nghiện (và cả thuốc liên quan đến rối loạn cương dương) đều là những loại thuốc thuộc danh mục cần được quản lý chặt chẽ và chỉ được sử dụng khi có chỉ định của bác sỹ (vì nó luôn tiềm ẩn khả năng khiến người bệnh bị lệ thuộc về thể chất hoặc tâm lý, liều lượng loại này luôn có xu hướng tăng nhanh).Tuy nhiên, việc bán trên mạng những loại thuốc này đang gây ra nhiều nguy cơ vì không ai biết rõ nguồn gốc xuất xứ của thuốc, không có chỉ định của bác sỹ khiến người bệnh tùy tiện sử dụng, gây hậu quả nghiêm trọng.

TS Cao Minh Quang, Thứ trưởng Bộ Y tế khuyến cáo: “Người tiêu dùng không nên mua thuốc qua mạng, nhất là những thuốc bắt buộc phải kê đơn và cần có chỉ định của bác sỹ. Nếu mua thuốc trên mạng, có thể sẽ vừa phải mua với giá “cắt cổ” lại vừa mua phải thuốc giả, thuốc kém chất lượng và không đúng tình trạng bệnh của mình, khiến tốn tiền mà không hiệu quả, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng”.

  • Ngọc Anh

Ý kiến của bạn

Các tin khác