Vất vả trở thành... xe ôm
- “Việc bắt người chạy xe ôm đeo biển hiệu, đeo thẻ là để quản lý tốt hơn chứ không phải làm phiền hà thêm cho người dân”.
Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Ban ATGT TP.HCM đưa ra nhận định tại cuộc họp ngày 11/11 triển khai Quyết định 71 ngày 27/9/2010 của TP về quản lý, sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh… để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên địa bàn TP.
Từ ngày 1/1/2011, người chạy xe xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự vận chuyển hành khách, hàng hóa ở TP.HCM phải mang biển hiệu (thẻ hoạt động vận chuyển) trên ngực áo bên trái.
Trước nay, xe ôm dù là nghề chở khách nhưng hoạt động tự do. Bất cứ ai chỉ cần lấy xe máy ra góc đường ngồi, khách ngoắc tay là thành xe ôm. Không chỉ người lấy nghề chạy xe ôm là nghề chính kiếm cơm mà hàng trăm học sinh, sinh viên, công nhân có giờ rảnh cũng tìm vài cuốc xe để tăng thu nhập. Do đặc thù nghề tự do nên việc quản lý, kiểm soát ngành nghề này bị bỏ ngỏ thời gian qua.
Người hành nghề xe ôm phải có thẻ từ 1/1/2011, nếu không sẽ bị phạt. Ảnh: Thái Phương |
Ông Tường nhấn mạnh việc đưa ra quyết định này nhằm góp phần quản lý tốt hơn hoạt động xe ôm, nhất là các bến xe, nhà ga, bến tàu… “Người chạy xe ôm phần lớn nghèo khó, quản lý không phải để làm khó thêm” - ông Tường nhấn mạnh.
Và TP.HCM hiện là nơi đầu tiên trên cả nước ra quyết định quản lý hoạt động xe ôm.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại, hàng trăm người từ các tỉnh lên TP chạy xe ôm lấy đâu ra KT3, hộ khẩu để đăng ký hành nghề? Và liệu TP có quản nổi những đối tượng này dựa vào việc “xe ôm thì thường mặc áo sờn cũ, đứng ở góc đường hoặc có áo mưa dắt ở trước xe…?”.
Theo ông Nguyễn Trung Tính, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ, Sở GTVT, việc đăng ký để được cấp biển hiệu rất đơn giản và tạo mọi thuận lợi cho người hành nghề xe ôm. Muốn thành “xe ôm”, người dân chỉ cần đến UBND phường xã đăng ký kèm theo hộ khẩu hoặc KT3. Thời gian cấp biển hiệu là 3 ngày. Sau thời gian 5 năm hoạt động, người chạy xe ôm mới phải đổi thẻ.
Ngoài ra, người chạy xe ôm phần lớn đều khó khăn nên mọi chi phí cấp thẻ sẽ do tiền quỹ của Ban ATGT TP chi trả. Người dân chỉ việc đăng ký rồi nhận thẻ, không phải trả bất kỳ chi phí nào, ông Tường cho biết.
Trước đây xe ôm hoạt động tự do. Từ khi có Quyết định 71 của TP, nếu người chạy xe ôm không đeo thẻ… sẽ vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, hiện biện pháp chế tài với người vi phạm không có thẻ lại chưa được hướng dẫn cụ thể.
Trước đó, từ tháng 5/2010 dự thảo Quyết định 71 được UBND TP lấy ý kiến của nhiều sở, ban ngành trước khi ban hành.
-
Thái Phương