Lũ cát “nuốt chửng” nhà cửa, mồ mả...
- Hàng chục hộ dân ở Xóm Cát, xã An Hải, huyện Tuy An, Phú Yên mấy ngày qua vẫn đang phải “gồng” mình chống chọi với nước lũ và cát. Nước chảy xiết từ núi Đá Đen dồn dập đổ về kéo theo lũ cát uy hiếp nhà cửa, đường xá, ruộng vườn...
Chạy trốn lũ cát
Đã hơn 5 ngày qua, bà Nguyễn Thị Bảy vẫn chưa hết ám ảnh bởi lũ cát bất ngờ ùn ùn từ núi Đá Đen đổ về trong đêm.
“Đang yên giấc bỗng dưng nghe tiếng ào ào như thác đổ, tôi bật dậy thì hỡi hôi nước lũ và cát đã ập đến cửa. Vì quá bất ngờ nên chỉ kịp chạy ra ngoài hô hoán làng xóm tới cứu giúp. Thật kinh hoàng, chỉ sau hơn 1 giờ đồng hồ, cát và nước đã tràn ngập nhà và phủ sâu hơn 0,5m”, bà Bảy kể lại.
Lũ cát ào ạt tràn về khiến nhà cửa, ruộng vườn của người dân bị ngập sâu |
Gần bên, nhà ông Trần Văn Tám cũng chịu cảnh tương tự. Cả nhà 3 nhân khẩu nằm trong “họng cát” đang phải gồng mình xúc cát, be bờ phân luồng lạch cho nước, cát chảy ra hướng khác.
Ông Tám cho biết: “Chưa bao giờ ở Xóm Cát phải chứng kiến cảnh tượng hãi hùng đến thế. Đã 5 ngày qua, trời không mưa nhưng không hiểu sao lũ cát vẫn ầm ầm từ núi, suối Đá Đen đổ về không ngớt. Gia đình phải mua thêm 100 bao cát xây thành ngăn cản nhưng cũng chỉ khống chế được phần nào”.
Hơn 30 nóc nhà dân cát phủ trắng xóa. Không chỉ “nuốt” nhà cửa, cát còn “nuốt” luôn Chợ Xổm của thôn. Lũ cát lấn sâu ra ruộng đè lên 3ha ruộng, nguy cơ lũ cát tiến sâu hơn đang hiện hữu. Con đường liên thôn rộng hơn 3m, dài gần 2km bị cát bồi lấp sâu 0,5m, một đoạn dài gần 500m, khối lượng bồi lấp khoảng 1.000m3. Nhiều đoạn bị lũ cát cắt ngang, xé dọc đi lại khó khăn và nguy hiểm.
Dòng suối cát vẫn ồ ạt tuôn về khu dân cư. Người dân phải cho cát vào bao tải, đắp thành bờ để chống lũ cát |
Để bảo vệ nhà, ruộng vườn và đường giao thông, người dân phải xúc ngay cát trong cơn lũ cát cho vào bao, đắp tường thành bao quanh và dùng cây cối chắn ngang nhà cản lũ cát. Nhiều gia đình phải xây tường kiên cố cao hơn 1,5m.
Nằm trong “họng” lũ cát, 3 gia đình trực tiếp bị uy hiếp là nhà bà Biện Thị Sáng, Trần Thị Bốn và ông Trần Văn Tám. Trong đó nhà bà Sáng ở đầu nguồn bị lũ cát “bứng” móng, thiệt hại trên 50% và 30 hộ khác bị cát tràn vào nhà, có hộ bị ngập hơn 0,5m.
Lũ cát cuốn phăng mồ mả
Từ khu dân cư Xóm Cát, theo dòng suối cát do nước chảy xiết tạo nên, chúng tôi đi ngược lên núi Đá Đen về phía mương cái Hố Công. Một cảnh tượng kinh hoàng đang diễn ra trước mắt: nước chảy xiết kéo theo luồng cát cuốn phăng gần như toàn bộ khu gò mả Cao Biền, chỉ để lại một ngôi mộ duy nhất.
Ông Trần Văn Lẹ (60 tuổi) sống từ nhỏ tại đây cho biết: “Trước kia lũ cát đã từng xảy ra nhưng không thảm khốc như bây giờ. Rừng Đá Đen trước kia dày đặc cây dương và các loại cây khác, giờ không còn nữa. Người dân đã trồng lại cây bạch đàn nhưng còn quá nhỏ, không thể cắt lũ được. Nước, cát từ trên cao tuôn thẳng xuống tới tấp vào thôn xóm như thác đổ”.
Nhiều người sống lâu năm tại đây cho rằng, lý do trời không mưa mà lũ cát vẫn hoành hành là ở đầu nguồn có mạch nước ngầm “móc” cát dưới lòng đất lên trên bề mặt rồi cát ùn ùn từ trên cao đổ xuống. Ở trên đầu nguồn dọc suối Hố Công, có khoảng 10 hộ gia đình cũng đang bị lũ cát uy hiếp.
Theo kinh nghiệm thì xử lý tình trạng cát tràn ngập nhà cửa ruộng vườn không khó, chỉ cần múc một đường mương, dẫn nguồn vào suối lớn và “né” khu dân cư là được |
Theo trưởng thôn Xóm Cát Nguyễn Kim Tân, lũ cát kéo dài nhiều năm qua, nặng nhất là năm nay đã phủ lấp khoảng 2,8ha ruộng với một lượng cát khổng lồ, vùng lũ cát có nguy cơ ảnh hưởng tới khoảng 10ha ruộng của dân. Nếu lũ cát vẫn diễn biến phức tạp và kéo dài thì hậu quả khó lường.
Điều đáng nói ở đây là tình trạng lũ cát về làng đã xảy ra nhiều năm nay, người dân đang phải oằn mình chống lũ và đối mặt với hiểm nguy mỗi khi trời có mưa, nhưng chưa được quan tâm khắc phục. Nhiều hộ bày tỏ lo ngại đến tính mạng, nhà cửa khi mùa lũ về, nhất là vào đêm khuya mà không có lối thoát an toàn.
Lũ khẩn cấp trên các sông từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi
Đêm 14/11, rạng sáng 15/11, ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Trị đã có mưa to đến rất to. Trong vòng 12 giờ (từ 19 giờ ngày 14/11 đến 07 giờ ngày 15/11), lượng mưa đo được phổ biến từ 50 -100mm, có nơi trên 150mm, như Khe Sanh (Quảng trị): 163mm, Đăk Rông (Quảng Trị): 168mm, Tà Lương (Thừa Thiên Huế): 250mm, Bình Điền (Thừa Thiên Huế): 159mm.
Hiện nay, áp thấp nhiệt đới đã suy yếu thành một vùng áp thấp trên địa phận các tỉnh Kon Tum, Quảng Nam và Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6. Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp, mưa lớn sẽ còn tiếp diễn.
Dự báo lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế tiếp tục lên nhanh; các sông từ Quảng Nam đến Quảng Ngãi đang xuống dần.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cảnh báo cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập lụt ở vùng trũng, đồng bằng hạ lưu các sông thuộc tỉnh Quảng Nam, riêng các tỉnh từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế có khả năng ngập lụt sâu.
Các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, Kon Tum đã chủ động theo dõi diễn biến thời tiết, đảm bảo an toàn các hồ chứa. Riêng Quảng Ngãi, Quảng Nam đã di dời những hộ dân trong khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.
|
- Trâm Trân