“Rốn ma túy" bên sông
Từ một vùng đất yên bình trên biên giới, nhưng việc các công ty gỗ biến Mỹ Lý thành điểm tập kết gỗ để trung chuyển về xuôi đã làm cho nơi đây xuất hiện nhiều tệ nạn, đặc biệt là ma túy. Trong những năm gần đây, Mỹ Lý đang được xem là “rốn ma túy" của toàn tỉnh.
Thực trạng nhức nhối
Nằm cách trung tâm thị trấn Mường Xén (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) khoảng 60 km, Mỹ Lý có chiều dài biên giới trên 40 km giáp với nước bạn Lào, với 12 bản, 997 hộ, 5011 nhân khẩu. Để về với Mý Lý có hai con đường, thứ nhất là từ Cửa Rào (huyện Tương Dương) ngược sông Nậm Nơn khoảng 4 giờ đồng hồ bằng xuồng máy, thứ hai từ trung tâm thị trấn Mường Xén theo đường bộ về trung tâm xã với 3 giờ đồng hồ bằng xe gắn máy.
Chọn phương án nào cũng rất vất vả và nguy hiểm bởi trên hành trình là bao vực sâu, thác cao.
Mỹ Lý lại được thiên nhiên ưu đãi nên chẳng mấy khi đồng bào Thái, Mông, Khơ Mú sống ở đây biết đến cái thiếu, cái đói. Ngược lại, nơi đây lại có những ngôi nhà sàn trị giá tiền tỉ được dựng lên từ việc khai thác gỗ. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Mỹ Lý lại đang bị tệ nạn ma tuý bủa vây.
Bản Xiềng Tắm, xã Mỹ Lý đang bị ma tuý bủa vây |
Theo thông tin chúng tôi có được từ Ban công an xã Mỹ Lý, thì hầu như các bản trong xã này đều có con nghiện ma túy. Trong đó, các bản như Xiềng Tắm, Xiềng Trên, Hoà Lý, Xúp Tụ thì tỉ lệ nghiện ở nam thanh niên trong bản chiếm tới con số 70-80%.
“Sở dĩ 4 bản này có nhiều con nghiện như vậy là do các bản đều trải dài theo dọc sông Nậm Nơn, thanh niên ở đây tham gia vận chuyển gỗ và rủ rê nhau sử dụng chất kích thích” - một cán bộ xã Mỹ Lý (xin được giấu tên) cho biết.
Còn theo thông tin từ Đội Phòng chống tội phạm ma tuý, Đồn biên phòng Mỹ Lý cho biết, trong đợt bỏ phiếu tố giác người nghiện và liên quan đến ma tuý của xã này trong những năm gần đây, thì toàn xã có khoảng 300 người nghiện.
Tuy nhiên, họ cũng cho biết thêm, đó là con số do nhân dân tố giác, nhưng thực trạng thì chắc nhức nhối hơn nhiều. Vì các đối tượng di chuyển vị trí liên tục, họ thường vào rừng làm gỗ nhiều hơn là ở nhà nên lực lượng chức năng khó lòng kiểm soát được.
Cũng theo thông tin từ Ban công an xã Mỹ Lý, các đối tượng nghiện ở đây thường sử dụng hêrôin và đã có một số đối tượng do nhu cầu lớn đã chuyển sang tiêm chích. Có những con nghiện một ngày có thể sử dụng hết cả tiền triệu để mua ma túy.
Đối tượng rơi vào nghiện ngập ở đây tập trung ở độ tuổi từ 18 đến 30 và không ít đối tượng đang là thanh thiếu niên. Có gia đình cả bố và con đều nghiện như gia đình ông Vi. V. M, ở bản Hoà Lý, cả ông và hai con trai lớn đều dính vào ma tuý. Nhưng có một thực trạng đang tồn tại khiến người ta nghe đến cũng phải giật mình, một số cán bộ đang đương nhiệm ở xã này, đều có con, chồng dính đến ma tuý.
Theo các thầy cô giáo ở đây phản ánh, rất dễ bắt gặp cảnh các con nghiện tụ tập nhau để hút hít ở các bể nước bỏ hoang hoặc dọc bờ sông mỗi sáng sớm khi họ đi lấy nước. Từ những thực trạng nhức nhối đó, dẫn đến tình hình an ninh thôn bản diễn ra khá phức tạp, đó là nạn trộm cắp hành hoành trong các bản làng.
Đặc biệt gần đây, việc vận chuyển gỗ của các công ty chững lại nên thanh niên không đi gỗ được, để có tiền tiêu xài, hút hít, nên nảy sinh ra nạn trộm cắp. Lúc đầu là mất gà, rồi một số gia đình bị mất gỗ khi đi rẫy.
Vì đâu nên “rốn lũ”?
Mỹ Lý là một vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, con sông Nậm Nơn là nơi cung cấp thực phẩm dồi dào với loại cá Mát, cá Leo thơm ngon nức tiếng Miền Tây Xứ Nghệ. Vốn rừng giàu có với các loại gỗ quý như Đinh Hương, Sến…đất đồi nơi đây, cũng rất tươi tốt, quanh năm cho họ những vụ mùa bội thu.
Gỗ được xem là nguyên nhân của tình trạng nghiện ngập ở Mỹ Lý. |
Chính vì thế, chẳng khó hiểu để Mỹ Lý trở thành vùng đất trù phú giữa đại ngàn Tây Bắc xứ Nghệ. Nhưng những năm trở lại đây, với việc các công ty khai thác gỗ về đặt các điểm tập kết gỗ trên đất Mỹ Lý, làm cho cuộc sống nơi đây bị xáo trộn, dù gỗ mang lại nguồn thu nhập khổng lồ cho những gia đình có đàn ông khoẻ mạnh.
Từ đó, họ không còn thiết tha với việc học hành, cũng không mặn mà với việc lên nương rẫy làm lúa, làm rau. Họ theo các chủ hàng vào rừng sâu để khai thác và vận chuyển gỗ thuê.
Chỉ cần một tháng đi rừng, có thể mang lại cho họ nguồn thu nhập 15 đến 20 triệu đồng. Nhưng cái giá họ phải trả là những trận sốt rét rừng, những cơn ốm sinh tử, từ đó nhiều thanh niên đã tìm đến ma tuý để chống lại sự khắc nghiệt của thời tiết đại ngàn.
Đồng thời, do công việc mệt nhọc, nhiều thanh niên bị kiệt quệ về sức khoẻ, để có sức họ lại dùng đến ma tuý tạo sức mạnh ảo. Cứ như thế ma tuý đeo bám họ, bao nhiêu tiền bạc kiếm được họ lại nướng sạch vào ma tuý.
- Đất Nghệ
Còn nữa...