Những phụ nữ bất hạnh nhất thế kỷ 21
– “Thấy chậu hoa đẹp, tôi mua về nhưng không ngờ lại bị chính cái chậu hoa ấy bay vào người khi chồng tôi thấy đem về có một chậu mà không phải… hai chậu".
>> Những bất hạnh khó tưởng tượng từ phòng ngủ
"Ghế đừng đồng lõa với người vô lương"
Đó là chiếc ghế đẩu vô tri, bình thường như bao chiếc ghế khác. Thế nhưng, nó là vật chứng của một vụ bạo hành vợ, khi gã chồng độc ác đã dùng chiếc ghế làm vũ khí đánh vợ.
Hiện vật do chị N.T.B.T (Hà Nội) cung cấp là một chiếc ghế đẩu bằng gỗ. Chị B.T cũng gửi tới một bài thơ đầy nước mắt, cùng với thông điệp, ước muốn… kỳ lạ: mong chiếc ghế ấy mãi là chiếc ghế để… ngồi, chứ đừng bao giờ trở thành một hung khí đánh người: “Ghế sinh ra chỉ để ngồi/ Ai ngờ ghế cũng đổi đời, đổi danh/ Đồng lõa với kẻ bạo hành/ Lúc thì ném, khi lại phang vào người/ Tôi mong ghế chỉ để ngồi/ Ghế đừng đồng lõa với người vô lương…”.
Vì sao chiếc ghế vỡ? Vì sao chỉ có một chậu hoa? |
Cũng như chiếc ghế, chiếc chậu hoa mà người vợ mua về với một ý nghĩ giản dị: trồng cây hoa làm đẹp cho ngôi nhà. Thế nhưng, gã chồng vũ phu không nghĩ như thế, mà lại cho rằng, đó là ý nghĩ thâm độc của vợ đang… chửi mình.
“Thấy chậu hoa đẹp, tôi mua về nhưng không ngờ lại bị chính cái chậu hoa ấy bay vào người khi chồng tôi thấy đem về có một chậu mà không phải… hai chậu. Chồng tôi nghĩ ngay là tôi có ý chửi chồng tôi cô độc như chậu hoa ấy. Mồm thì chửi: “Cái giống nhà mày thâm nho, không dám chửi vào mặt tao thì mày chửi bằng cách này à?”. Cây hoa thì nát tươm, người tôi thì bầm tím. Đó là kết quả cho một câu chuyện hết sức đơn giản. Mọi người thì ngắm hoa thấy đẹp, riêng tôi, mỗi lần ngắm hoa thì câu chuyện ấy lại hiện về…".
Chiếc búa tội lỗi
Chị T. (thị trấn Yên Viên, Gia Lâm, Hà Nội) đã viết tới CSAGA (Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng về khoa học - giới tính - vị thành niên) bức thư đầy nước mắt: “Khi tôi đã tâm sự và nói ra được những lời này thì cuộc đời tôi đã là một chặng đường dài đầy bạo lực và nước mắt.
Từ khi chúng tôi lấy nhau đến bây giờ là 22 năm chung sống, đã có hai con trai. Khi cháu thứ nhất được một tuổi thì cuộc sống của vợ chồng tôi bắt đầu rạn nứt. Chồng tôi rất gia trưởng cho nên anh ấy cậy quyền làm chồng mà chửi bới, đánh đập tôi. Nếu như để kể hết và nói ra những trận đòn của chồng đánh thì tôi không thể đếm hết được. Suốt 21 năm tôi bị bạo lực cả về thể xác và tinh thần.
Tôi nhớ nhất là một lần anh ấy đi làm về muộn, uống rượu say rồi đánh tôi trong khi tôi đang cho lợn ăn. Anh ấy về, chửi bới tôi và xông cả vào chuồng lợn đánh tôi, bóp cổ tôi, dìm đầu tôi xuống chuồng lợn Tôi la hét gọi con tôi đến cứu, con tôi chạy đi gọi ông bà… Anh ấy lấy cái búa đinh đập đầu tôi, may mà bố mẹ tôi sang kịp, nếu không chắc tôi cũng chẳng còn sống mà ngồi viết những dòng này…”.
Sợi xích oan nghiệt gắn với câu chuyện của người phụ nữ bất hạnh. |
“Tôi bị chồng đánh không biết bao nhiêu lần, cũng chẳng nhớ rõ. Những ngày bình yên chỉ đếm được trên đầu ngón tay… Không vừa ý, chuyện bực mình ở bên ngoài về, anh ấy đều nhè đầu vợ mà trút, có ai nói gì, chẳng biết đúng sai về nhà cũng đánh vợ, và cả những lúc trông “ngứa mắt” cũng đánh. Nhiều người khuyên tôi: “Sống với người chồng như thế bỏ đi còn hơn…”. Nhưng vì thương con nhỏ, thương mẹ già phải đau lòng, tôi lại cam chịu…
Ngày tháng trôi đi, tâm trí tôi chai lì vì những trận đòn, nhưng sức khỏe của tôi thì không chai lì được như vậy.
Tôi muốn ly hôn với người chồng coi việc đánh vợ như một trò tiêu khiển, thế là chồng tôi không những không đồng ý mà còn nện cho tôi một trận thừa sống thiếu chết và dùng chiếc xích chó để xích tôi lại. Sợ mọi người biết, chồng tôi đã xích tôi trên gác hai và bỏ đi… Sang đến ngày thứ ba, tôi cố gắng vươn người ra cửa sổ kêu cứu, hàng xóm mới hay và gọi công an đến giải cứu cho tôi…”.
Bà Nguyễn Thu Thúy - GĐ Trung tâm Thông tin bạo lực giới CMRC (CSAGA). |
Nguyên nhân của những vụ việc bạo hành do những người chồng gây ra, đó là do sự nhận thức kém của những ông chồng văn hóa thấp, tính nết cộc cằn, thô lỗ…
Thế nhưng, sự im lặng, cam chịu và nhẫn nhịn của những người vợ, nạn nhân của những cuộc bạo hành này, vô hình trung đã trở thành thứ “kích thích” và “bảo vệ” những hành vi xâm hại đến tinh thần và thể xác của những người chồng độc ác.
Năm 2009, CSAGA đã tổ chức một cuộc trưng bày những hiện vật gắn với những câu chuyện đầy nước mắt của những phụ nữ bất hạnh. Đó là hơn 40 hiện vật vô tri, với những tên gọi khác nhau như cái búa, chiếc vồ đập đất, cái điếu cày, hòn gạch vỡ, con dao, cái kéo, cái chổi...
Chúng là những đồ vật không biết nói. Thế nhưng, chúng chính là những nhân chứng chứng kiến cả một quãng thời gian dài mà những người phụ nữ phải sống trong im lặng, khi họ bị chồng đánh đập, giày xéo cả về thể xác và tinh thần.