Ngành y chia sẻ với bệnh nhân nghèo cùng chi trả BHYT
Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm trước khi luật BHYT được triển khai là người nghèo, nhất là người nghèo lại mắc bệnh mãn tính nguy hiểm (thận, tim, gan, …) sẽ xoay sở thế nào trước khoản đồng chi trả 5% theo luật định. Thậm chí đã có nơi bệnh nhân muốn bỏ viện về nhà vì không có tiền nộp khoản cùng chi trả. Với mục tiêu tất cả vì người bệnh, các bệnh viện trong cả nước đã nỗ lực chia sẻ những khó khăn với bệnh nhân nghèo mắc bệnh mãn tính khi họ cũng phải cùng chi trả như các bệnh nhân khác.
Bệnh nhân nghèo cùng chi trả 5%
Tại bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), “điểm nóng” nhất liên quan đến đồng chi trả rơi vào các bệnh nhân của khoa Thận nhân tạo.
Đây là khoa có tỷ lệ bệnh nhân nghèo cao nhất nhì viện. Khoa Thận nhân tạo của Bệnh viện Bạch Mai thường xuyên có khoảng 500 người bệnh, trong đó có xấp xỉ 300 bệnh nhân có thẻ người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều gia đình thậm chí có tới 2 người cùng phải chạy thận tại bệnh viện này.
Trung bình mỗi bệnh nhân điều trị tại đây phải chạy thận nhân tạo 3 lần/tuần, mỗi lần viện phí dao động trong khoảng trên dưới 700 ngàn đồng. Như vậy tổng một tháng điều trị hết khoảng 3,2 triệu đồng, chưa kể tiền thuốc. Tính ra cả năm mỗi bệnh nhân chạy thận sẽ mất khoảng 80-90 triệu đồng toàn bộ chi phí.
Bệnh nhân nghèo mắc bệnh mãn tính nguy hiểm lo lắng với khoản đồng chi trả |
Trước đây bệnh nhân được thanh toán hết, nay phải cùng chi trả 5%, mỗi năm người bệnh sẽ phải bỏ ra thêm một khoản không nhỏ so với thu nhập của mình (hầu hết đều là người nghèo). Vì thế, người bệnh khá lo lắng.
Chưa hết, theo quy định của luật BHYT, đối với các dịch vụ y tế kỹ thuật cao, chi phí lớn, quỹ BHYT khống chế mức thanh toán tối đa không quá 40 tháng lương tối thiểu/đợt điều trị (tính theo mức lương tối thiểu hiện tại thì quỹ BHYT sẽ thanh toán tối đa không quá 29 triệu đồng/đợt điều trị có sử dụng các dịch vụ y tế kỹ thuật cao).
Với những bệnh nhân mắc các bệnh về tim mạch, ung thư, gan, thận, … mỗi đợt điều trị có thể lên tới cả vài chục triệu đồng, có khi lên tới cả trăm triệu đồng (gồm tiền thuốc, tiền hóa chất, tiền dịch truyền, … và toàn những loại thuốc chuyên khoa đặc trị rất đắt, có thể lên tới 4 triệu đồng/hộp). Thậm chí có bệnh nhân bị sơ gan giai đoạn cuối, chuẩn bị bước vào giai đoạn ung thư, chỉ riêng tiền thuốc đã mất khoảng 25 triệu đồng/tháng (chưa kể tiền khám, chụp chiếu, ăn uống bồi bổ, …)
Như vậy, nếu chỉ được thanh toán tối đa 40 tháng lương tối thiểu/đợt điều trị (tức khoảng 29 triệu) thì khoảng 2/3 chi phí còn lại (khoảng 50-60 triệu) bệnh nhân vẫn phải tự lo. Đối với bệnh nhân nghèo, đây rõ ràng là một thách thức quá sức về mặt tài chính.
Hỗ trợ bằng nhiều cách
Về chủ trương chung, bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT cho biết Vụ BHYT sẽ nghiên cứu, trình Chính phủ để có một quỹ riêng hỗ trợ cho những đối tượng này.
Hiện nay, Bộ Y tế đang sửa đổi Quyết định 139 (quyết định này có nội dung là hỗ trợ cho các nhóm đối tượng hoặc những trường hợp người bệnh vượt quá khả năng chi trả) theo hướng dùng Quỹ 139 hỗ trợ cùng chi trả cho người nghèo phải cùng chi trả khi tham gia BHYT.
Ngoài quỹ 139, Quỹ của hội bảo trợ bệnh nhân nghèo các tỉnh thành phố cũng sẽ được huy động để giúp đỡ người bệnh không có khả năng chi trả.
Song song với việc rà soát, điều chỉnh và cân đối quỹ 139 và huy động tiền từ quỹ bảo trợ bệnh nhân nghèo như trên, Bộ Y tế cũng khuyến khích các bệnh viện trong cả nước nếu có khả năng thì nên/cần lập ra các quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo phải cùng chi trả và quỹ này sẽ độc lập với quỹ 139, hoàn toàn trực thuộc bệnh viện, do bệnh viện xây dựng và quản lý.
Bệnh nhân nghèo mắc bệnh mãn tính nguy hiểm đang được ngành y tìm mọi cách để hỗ trợ khoản đồng chi trả khi tham gia BHYT |
Hưởng ứng chủ trương này, ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết bệnh viện cũng đã lập ra một quỹ hỗ trợ người nghèo (quỹ riêng của viện) để hỗ trợ những trường hợp khó khăn, không có khả năng chi trả, làm sao để họ yên tâm ở lại bệnh viện để khám chữa bệnh.
Riêng đối với những bệnh nhân nghèo mắc bệnh mãn tính, có tham gia BHYT và phải cùng chi trả 5%, ông Hiền cho biết bệnh viện Bạch Mai đã có quyết định sẽ hỗ trợ đối tượng này 50% phần cũng chi trả.
“Như vậy, thực chất bệnh nhân nghèo mắc bệnh mãn tính và có tham gia BHYT ở Bạch Mai chỉ còn phải nộp khoản đồng chi trả là 2,5% mà thôi. Đây là nỗ lực hết mình của bệnh viện bởi ngoài đối tượng này, quỹ còn phải được sử dụng để san sẻ cho rất nhiều những người khác cũng đang gặp hoàn cảnh khó khăn”, ông Hiền nói.
Không chỉ riêng tại Hà Nội, tại TP Hồ Chí Minh các cán bộ quản lý, các cấp lãnh đạo cũng đang “xoay “ đủ kiểu để có thêm nguồn kinh phí hỗ trợ người nghèo, sao cho phần cùng chi trả là ít nhất có thể.
Ông Nguyễn Văn Xê, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cho biết: “Với những người nghèo mắc bệnh thận mãn tính phải chạy thận nhân tạo mà không có tiền chi trả thì cần vận động quỹ vì người nghèo để hỗ trợ thêm 15% chi phí nữa cho những bệnh nhân này. Những người nghèo ở địa phương nào thì địa phương đó sẽ xem xét, vận động cộng đồng để giúp đỡ. Về vấn đề này Sở LĐ-TB&XH TP đã có ý kiến đề xuất với UBND TP HCM”.
- Ngọc Anh