Vụ "Cô gái Đồ Long": Có thiên vị trong xử lý?

Cập nhật lúc 06:51, 30/10/2010 (GMT+7)

- Blogger vi phạm "nhằm" vào người nổi tiếng, chính khách... có bị nặng hơn khi "nhằm" vào người dân bình thường?

>> Vụ Cogaidolong: Quechoa, Trang Hạ... lên tiếng
>> ’Cô gái Đồ Long’ làm nhiều blogger giật mình
>>
Rất nhiều blogger đang phạm luật!
>> Đằng sau vụ việc "Cô gái Đồ Long"

>> Bắt Hương Trà, chủ blog "Cô gái Đồ Long"



Không ưu tiên hoặc xem nhẹ bên nào!

Trao đổi với VietNamNet về việc có một số ý kiến tỏ ra băn khoăn về vấn đề bình đẳng trước pháp luật khi các blogger vi phạm "nhằm" vào người nổi tiếng, chính khách... có bị "nặng" hơn khi "nhằm" vào người dân bình thường, Luật sư Nguyễn Văn Tú - Văn phòng Luật sư Khánh Hưng đưa ra quan điểm: Tôi nghĩ cơ quan chức năng không có bất cứ một sự thiên vị nào ở đây!

Theo Luật sư Tú, bất cứ một công dân nào, kể cả người dân thường hay ngôi sao, chính khách… cũng có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước khi bị xâm phạm và cơ quan nhà nước phải xử lý.

"Nếu vi phạm ở mức nhỏ thì xử lý hành chính, còn nếu vi phạm ở mức nặng thì phải xử lý hình sự. Khi cơ quan chức năng đã phải xử lý hình sự thì tức là vi phạm đó ở mức độ nặng. Cũng có những người bị xâm phạm nhưng họ không lên tiếng hoặc không nhờ đến cơ quan pháp luật vào cuộc nên không có chuyện gì xảy ra" - LS Tú nói.

Liên quan đến vấn đề này, trả lời báo Tuổi Trẻ xung quanh vụ việc bà Lê Nguyễn Hương Trà bị bắt, Trung tướng Phạm Quý Ngọ - Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an) khẳng định, việc bắt giữ bà Trà là khách quan, đúng trình tự pháp luật, có chứng cứ cụ thể.

Trong bản tin được xuất bản vào ngày 29/10, báo Tuổi Trẻ cũng khẳng định: nguồn tin riêng của báo này cho biết, việc xử lý bà Lê Nguyễn Hương Trà xuất phát từ ý kiến chính thức của lãnh đạo Bộ Công an, chứ không phải từ cá nhân vị cán Bộ lãnh đạo có liên quan đến bài viết trên blog “Cô gái Đồ Long”.

"Cộng đồng mạng cần hiểu rõ về việc lợi dụng các quyền tự do dân chủ, cụ thể sử dụng blog cá nhân để bôi nhọ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân là vi phạm pháp luật" - thông tin trên báo Tuổi Trẻ dẫn lời Trung tướng Ngọ.

Trả lời câu hỏi: cùng tính chất, mức độ như nhau, đối tượng bị xúc phạm, bôi nhọ là quan chức cao cấp có được các cơ quan bảo vệ pháp luật ưu tiên quan tâm, giải quyết một cách nghiêm túc hơn so với đối tượng là công dân bình thường hay không, Trung tướng Phạm Quý Ngọ khẳng định với Tuổi Trẻ:Tất cả mọi công dân đều bình đẳng, công bằng trước pháp luật. Mọi trường hợp vi phạm đều căn cứ vào mức độ, tính chất, hậu quả của hành vi đó gây nên để xử lý. Người vi phạm và người bị xâm phạm đều được xem xét, xử lý bình đẳng, không ưu tiên hoặc xem nhẹ cho bên nào”.

Blogger thông tin sai sự thật rất nhiều!

VietNamNet đã đặt câu hỏi rằng, có ý kiến cho rằng, thông tư về quản lý blog ban hành năm 2008 chưa có những chế tài cụ thể về trách nhiệm của blogger khi đăng tải những thông tin bịa đặt, vu khống, sai sự thật về cá nhân, tổ chức... nên tình hình các blogger (công khai) hoặc (nặc danh) vi phạm điều khoản trên ngày càng nhiều.

Trả lời câu hỏi này, ông Lưu Vũ Hải, Cục trưởng Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT&TT) cho rằng, thông tư số 07/2008/TT-BTTTT ban hành ngày 18/12/2008 là thông tư hướng dẫn về hoạt động cung cấp thông tin trên blog được quy định trong Nghị định số 97/2008/NĐ-CP ngày 28/8/2008 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin điện tử trên internet.

Mô tả ảnh.

Ông Lưu Vũ Hải

Thực chất, thông tư này chỉ làm rõ thêm những quy định đối với thông tin trên blog đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật đã có.

Ông Hải cho biết: "Mục đích là hướng dẫn cho những người sử dụng blog biết những điều gì không được làm vì vi phạm pháp luật, vì vậy nó không đưa ra các chế tài xử lý mới, mà chỉ tham chiếu đến các chế tài đã có, như Luật Báo chí, Luật Xuất bản, Luật Công nghệ thông tin, Luật Dân sự… và các luật có liên quan".

Tuy nhiên, theo ông Hải, thực tế blogger vi phạm các quy định này vẫn còn nhiều, nhất là quy định về việc cấm thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Một mặt các phương tiện thông tin đại chúng cần tham gia tích cực hơn vào công tác hướng dẫn, phổ biến pháp luật, mặt khác cần xử lý nghiêm khắc những trường hợp cố tình vi phạm các quy định về thông tin trên blog để bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật và nâng cao hiệu quả giáo dục pháp luật.

Liên quan đến vấn đề quản lý blog, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, blog là nơi riêng tư, cá nhân nên họ có thể thể hiện những gì họ muốn nói, muốn nghĩ. Ở một số quốc gia khác, việc bình luận, phê phán, vẽ tranh biếm họa… các chính khách, ngôi sao truyền thông… là chuyện bình thường và không bị cấm đoán.

Họ chỉ soạn ra những bộ quy tắc đạo đức và đề nghị blogger tuân thủ, còn các vi phạm khác thì sẽ bị xử lý theo những bộ luật liên đới.

Trả lời câu hỏi, Việt Nam có nên xây dựng một bộ quy chuẩn đạo đức cho blogger để vừa có được một "văn hóa mạng" bền vững, vừa có một không gian tự do cho các blogger bày tỏ quan điểm của mình, ông Lưu Vũ Hải nói: Cần phân biệt các văn bản quy phạm pháp luật nhằm quy định rõ những điều cấm, những điều không được làm và có tính pháp quy, bắt buộc áp dụng.

Tuy nhiên, theo ông Hải, trong những điều không bị cấm, có những điều nên làm hoặc không nên làm liên quan đến văn hóa, đạo đức, thói quen… mà pháp luật không quy định cụ thể được.

Trong những trường hợp đó, một dạng quy tắc đạo đức không phải là văn bản quy phạm pháp luật, nhưng bao gồm những quy ước được đông đảo thừa nhận sẽ có vai trò tích cực giúp cộng đồng điều chỉnh mềm và hạn chế những hành vi không phù hợp với quan điểm, cách nghĩ của số đông.

"Trên thực tế, các kiểu quy tắc mang tính quy ước tích cực này ngày càng được sử dụng phổ biến và có hiệu quả trong đời sống xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng trong việc điều chỉnh các hành vi theo hướng phù hợp với lợi ích số đông" - ông Hải cho biết thêm.

  • Sơn Khê

>> Vụ Cogaidolong: Quechoa, Trang Hạ... lên tiếng
>> ’Cô gái Đồ Long’ làm nhiều blogger giật mình
>> Rất nhiều blogger đang phạm luật!
>> Đằng sau vụ việc "Cô gái Đồ Long"

>> Bắt Hương Trà, chủ blog "Cô gái Đồ Long"

Ý kiến của bạn

Các tin khác