Cảnh "không thể nghèo hơn" của một bệnh nhân nguy kịch

Cập nhật lúc 10:55, 26/10/2010 (GMT+7)

– Nhà nghèo, vợ bị tâm thần nhưng anh Trần Văn Sức (35 tuổi, trú tại Yên Đồng, huyện Yên Mô, Ninh Bình) trong lần đi đốn củi không may bị ong độc bu kín đầu và đốt dẫn tới hôn mê, suy thận, suy gan, tổn thương phổi, tan máu. Trong khi đó, vì số tiền điều trị quá lớn, nhiều người thân đã không dám... nhận là anh em ruột thịt của bệnh nhân.

Ong độc đốt gây suy thận

2g chiều ngày 15/10, anh Trần Văn Sức đi đốn củi trong vườn vải gần nhà. Do không biết phía trong bụi cây rậm rạp có một tổ ong khổng lồ nên anh “vô tư” vung dao chặt. Bị động, tổ vỡ, ong bay tứ tung, bu kín lấy đầu và sau đó là toàn thân anh Sức, rồi ra sức đốt.

Ngay khi phát hiện ra, mọi người lập tức đưa anh Sức đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Ninh Bình. Tại đây, bệnh nhân đã bị hôn mê, rối loạn đông máu. Sau 2 ngày điều trị không thuyên giảm, anh Sức được chuyển lên Trung tâm chống độc – Bệnh viện Bạch Mai.

Mô tả ảnh.

Anh Sức đang được lọc máu, chạy thận tại Trung tâm chống độc – Bệnh viện Bạch Mai. Anh bị ong độc đốt khiến hôn mê, suy thận, suy gan, tan máu, phổi tổn thương nặng, sau gần 1 tuần điều trị nguy cơ tử vong của anh vẫn rất cao (Ảnh: C.Q)

BS. Lê Quang Thuận, BS. Đặng Thị Xuân– người trực tiếp điều trị cho anh Sức tại Trung tâm chống độc, bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Tại thời điểm được chuyển vào trung tâm chống độc, tình trạng bệnh nhân rất nguy kịch. Bệnh nhân bị rối loạn về máu rất nặng, phải được truyền máu liên tục. Do loài ong đốt là loài ong độc, bệnh nhân lại bị đốt nhiều nên dẫn đến bị suy thận, suy gan, phổi bị tổn thương nặng. Bệnh nhân phải thở máy, lọc máu liên tục, thay huyết tương. Bệnh nhân có sức đề kháng yếu, nguy cơ nhiễm trùng rất cao”.

Từ ngày nhập viện (17/10) đến ngày 25/10, anh Sức đã được lọc máu 5 lần, mỗi lần tốn gần chục triệu (gồm tiền mua quả lọc, dây lọc, dịch lọc) và còn tiếp tục phải lọc máu nhiều lần nữa. Đó là chưa kể mỗi ngày bệnh nhân “ngốn” thêm khoảng vài triệu tiền thuốc.

“Chúng tôi chưa thể trả lời câu hỏi để cứu sống được anh Sức thì hết bao nhiêu tiền, nhưng trước đây, trung tâm đã tiếp nhận nhiều ca bị nặng như thế này, tổng chi phí cho đợt điều trị có thể lên tới vài trăm triệu”, bác sỹ Xuân nói.
Khi PV VietNamNet có mặt tại bệnh viện Bạch Mai vào ngày 25/10, anh Sức vẫn ở trong tình trạng hôn mê sâu, chân tay sưng vù, phải thở hỗ trợ bằng máy, đang tiếp tục được truyền máu… Bác sỹ Xuân cho biết, đến thời điểm này nguy cơ tử vong của bệnh nhân vẫn còn cao vì nọc của loài ong này rất độc, gây suy đa cơ quan.

Vợ bị tâm thần, gia đình không một xu dính túi

Không may gặp phải tai nạn gây ra hậu quả nặng nề, nhưng oái oăm là gia cảnh anh Sức vô cùng khốn khổ.

Theo tìm hiểu của các bác sỹ từ những người tự xưng là người thân, hàng xóm của anh Sức thì cách đây khoảng 4 năm, vợ anh bỗng dưng hóa ngây ngây dại dại như người bị tâm thần nặng, không làm ăn được gì. Mọi việc trong gia đình đều trông chờ vào anh Sức.

Từ 4 năm nay, chỉ bằng vài sào ruộng, anh Sức đã vật lộn nuôi một người vợ tâm thần cùng 2 đứa con thơ đang tuổi ăn học. Đó là chưa kể những lần đưa vợ đi khắp nơi chạy chữa bệnh tật, tiền bạc vốn đã không có nổi một xu … Từ khi bị tai nạn thương tâm trên, không ai dám cho vợ anh biết bởi sợ chị đang trọng trạng thái tâm thần bất ổn, có thể sẽ bị sốc, gây ra hậu quả nặng nề hơn.

Mô tả ảnh.

Gia cảnh anh Sức quá khó khăn: Vợ bị tâm thần, một nách anh nuôi vợ cùng 2 con nhỏ. Ngoài vài sào ruộng anh không có nghề gì khác. Người thân cho biết "không ai có thể địch nổi với anh về độ túng bấn, nghèo khó". Dù được BHYT thanh toán 95% nhưng mức thanh toán này không thấm vào đâu so với tổng chi phí điều trị lên tới cả trăm triệu. Anh Sức đang rất cần sự “tiếp sức” của cộng đồng để giữ được mạng sống (Ảnh: C.Q)

Ngoài công việc đồng áng với mấy sào ruộng, anh Sức không làm thêm được gì. Vợ chồng anh có 2 đứa con (1 trai, 1 gái), đứa lớn 12 tuổi, đứa nhỏ 10 tuổi. Từ hôm bố bị ong độc đốt và phải lên nằm viện, cả 2 được bác ruột đón về nhà trông nom và suốt ngày khóc đòi lên thăm bố.

Điều trị cho một ca bệnh như anh Sức là khá vất vả, song các bác sỹ của Trung tâm chống độc bệnh viện Bạch Mai còn gặp nhiều phiền toái do người thân của anh Sức mang lại.

“Ngày đầu tiên còn có người nhận là anh em với bệnh nhân. Song sang các ngày tiếp theo, khi phải ký nợ để mua dụng cụ làm thủ thuật cấp cứu thì những người này cứ “lảng dần”, thậm chí còn nói chỉ là hàng xóm lên trông hộ chứ không liên quan máu mủ ruột thịt gì.

Hôm sau có người khác lên thăm thì người này cũng phủ nhận luôn những gì mà người thân trước đã ký cam kết. Điều này khiến các bác sỹ bị tổn thương (vì đã tin người) cũng như gặp phải nhiều khó khăn vì khi làm thủ thuật không có ai đứng ra ký vào tờ cam kết”, bác sỹ Xuân cho biết.

Đến ngày 25/10, một người phụ nữ trung tuổi tên The, tự nhận là họ hàng “rất xa” của anh Sức, đã có mặt tại bệnh viện để thăm nom anh. Bà The cho biết bà làm công nhân mỗi tháng chỉ được hơn 1 triệu đồng tiền lương, gia đình cũng túng bấn nhưng độ túng bấn không ai trong làng có thể so nổi với gia cảnh của anh Sức, bởi gia cảnh anh Sức “không có gì để nói thêm nữa”.

Bà The đã từng phải cho anh từ 1.000 đồng trở đi. Đến nay, anh Sức cũng đã mượn của bà The vài triệu đồng nhưng khả năng trả có lẽ bằng 0. Anh em thân thích của anh Sức điều kiện cũng không khá giả gì hơn.

Trung tâm chống độc đã hướng dẫn và làm mọi cách để anh Sức được hưởng mức thanh toán cao nhất có thể từ quỹ BHYT. Bác sỹ Xuân cho biết, anh sẽ được BHYT thanh toán 95% chi phí điều trị, song đây là 95% chi phí của những loại thuốc, loại dụng cụ, thủ thuật nằm trong danh mục được BHYT thanh toán. Có những loại thuốc và dụng cụ phục vụ các kỹ thật cao nằm ngoài danh mục thanh toán của BHYT thì bệnh nhân phải tự trả tiền (như quả lọc máu, dịch lọc, dây lọc, …). Vì thế, dẫu có được BHYT thanh toán 95% chi phí điều trị thì bệnh nhân vẫn còn thiếu rất nhiều tiền viện phí.

Trung tâm Chống độc đã hội chẩn toàn viện, báo cáo Ban Giám đốc và các Phòng Ban để tìm cách hỗ trợ bệnh nhân. Khoa Thận nhân tạo cử cả nhân viên cùng tham gia lọc máu tại Trung tâm Chống độc, hỗ trợ thêm tiền lọc máu cho bệnh nhân. Khoa Hô hấp cử bác sĩ soi hút phế quản cấp cứu tại giường vì bệnh nhân bị chảy máu phổi quá nhiều. Bệnh viện cũng đã hỗ trợ một phần viện phí song cũng không thấm vào đâu so với tổng chi phí điều trị của bệnh nhân.

Bà The cho biết cả gia đình đang có ý định mang sổ đỏ của nhà anh Sức đi cầm cố ngân hàng để lấy tiền cứu chữa cho anh. Song với vài trăm mét đất ở vùng nông thôn xa xôi nghèo nàn, hi vọng có được số tiền vài trăm triệu đủ để chữa chạy cho anh cũng rất mong manh…

“Anh Sức đang rất cần sự hảo tâm giúp đỡ của cả cộng đồng”, bác sỹ Xuân nói.

  • Cẩm Quyên

Anh Sức đang rất sự giúp đỡ của cộng đồng

Gia cảnh thảm thương lại mắc bệnh quá hiểm nghèo, tiền điều trị quá lớn, sự hỗ trợ của bệnh viện chỉ có hạn s(vì còn phải san sẻ cho các bệnh nhân khác), anh Sức đang rất cần sự chung tay giúp đỡ của cả cộng đồng để giữ được sự sống.

Mọi giúp đỡ xin bạn đọc vui lòng gửi về:

+ Chuyển khoản:
Đơn vị thụ hưởng: Báo VIETNAMNET
Số tài khoản: 0011002643148
Sở giao dịch Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam
198 Trần Quang Khải, Hà Nội

+ Chuyển khoản từ nước ngoài:
Bank account: VIETNAMNET NEWSPAPER
-The currency of bank account: 0011002643148
-Bank: BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM
-Address: 198 Tran Quang Khai, Hanoi, Vietnam
-SWIFT code: BFTVVNVX

+ Bạn đọc giúp đỡ qua toà soạn xin liên hệ:

Phía Bắc: Ban Bạn đọc, báo VietNamNet, số 141 Bà Triệu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Điện thoại: 04.37722729 - Fax: 04.39744882

Phía Nam: Văn phòng đại diện báo VietNamNet phía Nam, số 51 Trương Định, Quận 3, TP.HCM.
Điện thoại: 08.39309882 - Fax: 08.39309881
Email: bandoc@vietnamnet.vn

Báo VietNamNet sẽ trao tận tay anh Sức tấm lòng và sự giúp đỡ của bạn đọc cả nước với hi vọng giữ được sự sống cho anh.

Ý kiến của bạn

Các tin khác