“Bật mí” những thú vị về lễ diễu binh Đại lễ

Cập nhật lúc 07:52, 13/10/2010 (GMT+7)

– Lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội diễn ra sáng ngày 10/10 tại Quảng trường Ba Đình có những con số thú vị mà độc giả chưa được biết...

TIN LIÊN QUAN

>> Hào khí Thăng Long bên Quảng trường Ba Đình

>>"Tạm biệt" 3 răng hàm vì Đại lễ

>> Chuyện "săn" nhà nghỉ đêm Đại lễ

>> "Tường" Hoàng Thành tả tơi hậu Đại lễ

Lễ diễu binh diễu hành kéo dài 84 phút

Ông Tô Văn Động, Chánh văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thường trực Ban tổ chức mít tinh diễu binh diễu hành kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội cho biết: “Lễ diễu binh, diễu hành diễn ra tại quảng trường Ba Đình vào sáng 10/10 là lễ diễu binh có quy mô lớn từ trước đến nay, còn lớn nhất hay không, lớn nhất theo khía cạnh nào thì tôi không dám khẳng định”.

Tuy nhiên, về lực lượng được huy động để tham gia diễu binh diễu hành, số lượng khách mời, số lượng quần chúng… thì ông Động khẳng định là lớn nhất so với tất cả các lần tổ chức diễu binh diễu hành từ trước đến nay.

d
Lễ diễu binh trọng thể tại Quảng trường Ba Đình sáng 10/10 đã ghi nhận nhiều "kỷ lục" so với các lễ diễu binh diễu hành từ trước đến nay (Ảnh: Lê Anh Dũng)

Ông Động cũng đã “bật mí” những con số thú vị về buổi lễ trọng đại này.

Thời gian mít tinh, diễu binh, diễu hành là 84 phút, nhanh hơn 16 phút so với kịch bản (kịch bản dự tính sẽ diễn ra trong vòng 100 phút). Riêng màn biểu diễn cuối cùng của khối Nghệ thuật (với 2.000 người tham dự) kéo dài 12 phút (trong kịch bản là 40 phút, sau buổi tổng duyệt đã rút ngắn xuống 12 phút để đảm bảo ngắn gọn, súc tích).

Người già nhất tham gia diễu binh diễu hành thuộc khối cựu chiến binh (trên 70 tuổi) và trẻ nhất là 18 (thuộc khối thanh niên – sinh viên).

Khối Quân đội – Công an: Lực lượng tham gia diễu binh: 12.000 người; lực lượng đứng xếp hình (cờ Tổ quốc, Văn miếu Quốc Tử Giám, …) tại quảng trường là 6.000 người.

Khối Quần chúng, lực lượng tham gia diễu hành: 6.000 người; lực lượng tham dự tại quảng trường: 12.000 người.

Tổng cộng lực lượng trực tiếp tham gia diễu binh diễu hành là 36.000 người (tăng 5.000 so với dự kiến ban đầu bởi Ban Tổ chức yêu cầu Hà Nội tăng thêm quân số để đáp ứng đủ cho các vị trí trong đội hình).

Ngoài ra, có 4.000 người dự bị (là chiến sỹ và quần chúng). 4.000 người này được tập huấn giống hệt 36.000 người tham gia diễu binh diễu hành ở trên, trong trường hợp có thay đổi (vì có thể có người bị ốm, bị mệt) sẽ có người thay thế để đảm bảo quân số, đội hình.

Tổng cộng lực lượng được huy động phục vụ lễ diễu binh diễu hành là 40.000 người.

Điều đặc biệt, là trong 40.000 người này có 1.000 người đánh trống hội; 1.000 học sinh – sinh viên tham gia dàn hợp xướng hát bài hát “Hà Nội - niềm tin và hi vọng”; 1.000 thiếu nhi đứng tại quảng trường để thả chim bồ câu và bóng bay; 1.000 vận động viên cầm hồng kỳ đứng tại sân cỏ.

d
1.000 học sinh - sinh viên tham gia dàn hợp xướng và cất cao tiếng hát ngợi ca Thủ đô ngàn năm văn hiến qua bài hát "Hà Nội - Niềm tin và hi vọng" (Ảnh: Lê Anh Dũng)

Số khách VIP có mặt tại lễ mít tinh diễu binh diễu hành sáng 10/10 là 2.500 người (những lần diễu binh diễu hành trước chỉ khoảng trên 1.000 khách VIP). Đây là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lãnh đạo Thành phố Hà Nội, lãnh đạo các Bộ, ban, ngành đoàn thể Trung ương.

Trong số 2.500 khách VIP có 230 người nước ngoài. Đó là các đại sứ, đại diện các tổ chức quốc tế và các thủ đô có quan hệ hữu nghị với thủ đô Hà Nội.

Có một con số cũng rất thú vị và gây tò mò là kinh phí cho buổi lễ mít tinh, diễu binh diễu hành này. Tuy nhiên, ông Động xin phép không tiết lộ một phần vì ông không nắm được con số chính xác, một phần vì đây là vấn đề “nhạy cảm”.

Quần chúng hưởng ứng mạnh mẽ nhất

Không thể thống kê được có bao nhiêu người dân hưởng ứng và tham gia các hoạt động kỷ niệm Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, song ông Tô Văn Động khẳng định đây là lần thu hút được đông nhất số lượng người dân hòa vào các hoạt động của Đại lễ.

Ban tổ chức đã lắp đặt 20 màn hình Led cỡ lớn ở các điểm công cộng, phục vụ nhân dân không thể vào xem trực tiếp tại quảng trường Ba Đình trong sáng 10/10.

d
Đông đảo người dân từ các tỉnh đã đổ về Hà Nội trong ngày diễn ra Đại lễ. Theo đánh giá của Chánh văn phòng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, đây là lần thu hút đông nhất sự tham gia và hưởng ứng của người dân mọi nơi, mọi tầng lớp (Ảnh: VietNamNet)

Theo ông Động, qua Đại lễ vừa rồi, chứng kiến cảnh người dân nức lòng hưởng ứng mới thấy người dân vẫn khao khát có những hoạt động tầm quốc gia và được tổ chức đàng hoàng, đúng ý nghĩa của nó.

Ông Động cho rằng, việc người dân nô nức tham gia Đại lễ không phải vì người dân bị “đói văn hóa” hay đón nhận sự kiện một cách dễ dãi.

“Cái gì đáng quan tâm người dân sẽ vẫn quan tâm. Vì thế, khi tổ chức cái gì, chúng ta cũng cần xác định đã làm thì làm cho đàng hoàng, làm cái gì thì ra cái đó, nhất định người dân sẽ đón nhận nồng nhiệt. Đừng tổ chức nhiều quá, dày quá, quy mô và tính chất không phù hợp khiến họ quay lưng lại”, ông Động nhận định.

  • Cẩm Quyên

Tin liên quan

Các tin khác