"Lời đề nghị Nguyễn Đức Nghĩa hiến xác mang tính... cơ học!"

Cập nhật lúc 06:53, 04/08/2010 (GMT+7)

- Sau khi bức thư của bác sỹ Khuất Duy Thái (Viện Bỏng Quốc Gia) được đăng tải rộng rãi trên nhiều trang điện tử, ngay lập tức, thông tin này đã gây sự chú ý của đông đảo dư luận. Song, với bố mẹ tử tù Nguyễn Đức Nghĩa, bức thư đã khiến họ bị sốc. Thậm chí ông Nguyễn Đức Hùng, bố của Nghĩa còn cho rằng, đây là một đề nghị không thể chấp nhận được, một tư duy “độc ác”.

TIN LIÊN QUAN

Trả lời phỏng vấn của Báo VietNamNet, TS Trịnh Hoà Bình, Viện Xã hội học cho rằng: đó là những phát biểu có tính “kỹ trị và vật lý”, không hề có suy nghĩ chiều sâu.

- Mấy ngày qua, bức thư đề nghị Nguyễn Đức Nghĩa hiến xác và mô tạng cho y học của bác sỹ Khuất Duy Thái đã gây xôn xao dư luận. Mong muốn của bác sỹ Thái là rất tốt ở góc độ khoa học, nhưng phản ứng của gia đình tử tù Nghĩa lại quá dữ dội. Ông có nhìn nhận về vấn đề này như thế nào?

Tôi nghĩ, anh bác sỹ kia đề nghị vậy có thể xuất phát từ sự thiếu thốn nguồn gen và mô. Trong khi ông ấy lại được nghe Nghĩa nói "muốn để người đời thấy mình không phải là kẻ máu lạnh".

TS Trịnh Hoà Bình: Là bác sỹ cứu người, ông Thái không nên có những phát biều như thế! - (Ảnh Nguyễn Tuyến)
TS Trịnh Hoà Bình: Là bác sỹ cứu người, ông Thái không nên có những phát biểu như thế! - (Ảnh Nguyễn Tuyến)

Xưa nay người ta hay nói câu “con chim sắp chết thì tiếng kêu thương, con người sắp chết thì lời nói phải”. Chắc ông ấy nghĩ cậu Nghĩa sẵn sàng đóng góp, cống hiến nên mới viết thư mà đề nghị cậu ấy.

Nhưng người thân của Nghĩa thì lại phản ứng dữ dội vì bố mẹ nào cũng luôn muốn con của mình "ra đi" nguyên vẹn, tròn trịa như khi nó ra đời nên người ta mới phẫn nộ.

- Ông có cho rằng việc bác sỹ Thái nêu ra ý kiến của mình lúc này là thích hợp không, khi Nguyễn Đức Nghĩa mới chỉ trải qua phiên toà sơ thẩm?

Tôi không biết người bác sỹ kia nói trong hoàn cảnh nào, nhưng người nhà của Nguyễn Đức Nghĩa sẽ còn sốc hơn nếu người ta đề nghị trực tiếp với gia đình về sự "dâng hiến" này. Thiết lập sự trao đổi trực tiếp đúng là có thể khiến người thân của Nghĩa đau hơn, nhưng “vết dầu loang” cũng đỡ hơn và ít người sốc hơn.

Vì vậy, tôi vẫn cho rằng ông thầy thuốc ấy đã không sâu sắc nên ông ta mới phát biểu một cách... cơ học như thế. Ý nghĩa cơ học ấy có thể được hiểu: Anh đã phạm tội ác nên anh cần phải có nghĩa cử, nếu muốn vớt vát điều gì đó với đời.

Đúng là việc kêu gọi này nhìn ở một khía cạnh nào đó là rất tốt, nhưng lẽ ra anh ta phải rất thận trọng trong việc kêu gọi này mới đúng.

Bị cáo Nguyễn Đức Nghĩa có chấp nhận đề nghị hiến xác hay không? (Ảnh VNN)
Bị cáo Nguyễn Đức Nghĩa có chấp nhận đề nghị hiến xác hay không? (Ảnh VNN)

- Việc đề nghị một người chưa bị tuyên án tử , đang rất khỏe mạnh hiến xác và mô tạng cho y học và cho các bệnh nhân khác có phải rất mâu thuẫn không, thưa ông?

Tôi cho rằng, người bác sỹ không phải là quan toà của một cuộc đấu. Ở đây không phải là cuộc đấu của người bệnh đang nằm chờ ông ấy trong viện bỏng, mà anh này vẫn còn thở mạnh mẽ nhưng "lại bị đe doạ lấy mất bộ phận này, bộ phận kia".

Người thầy thuốc, từ xưa đến nay được xã hội trao cho sứ mệnh cao cả thiêng liêng là chữa trị, chăm sóc, trả lại sự sống cho bệnh nhân thập tử nhất sinh hay lấy lại sức khoẻ cho người bị hao hụt. Điều đó có nghĩa sự phán quyết của người thầy thuốc là rất cao cả, thiêng liêng.

Tôi cho rằng một con người được xã hội trao cho nhiệm vụ được phán xét về sức khoẻ, người cứu giúp thì lẽ ra không nên nói ra điều ấy.

- Ý ông nói ở đây là có sự kỳ thị?

Kỳ thị chắc chắn là có. Nhưng có thể có sự ngộ nhận. Ấy là khi tôi tạo cho anh một cơ hội cống hiến, dâng hiến đưa lại gì đó cho cuộc sống để anh lập công - ấy là ngộ nhận, vội vàng. Nhưng tội phạm thì họ cũng có quyền con người cơ mà. Nếu anh ta gây tội ác và có mầm họa thì anh ta phải cách ly với xã hội để không tiếp tục được gây tội ác. Nhưng như thế thì họ vẫn có quyền con người!

- Như vậy là mong muốn tốt đẹp của vị bác sỹ Thái đã không hề được phát ra đúng lúc?

Có thể. Bởi, đối với người nhà của Nghĩa, vì anh ta chưa chết, nên một đề nghị như thế làm người ta hết sức rối lòng. Vì vậy, việc xin xỏ, cho đi một cái gì đó trên thân thể người thân như "một nhát dao" khiến họ thêm đau đớn.

Tôi cho rằng, còn rất nhiều người nghĩ rằng tử tù là "đồ vứt đi". Mà đã vứt đi rồi thì có thể cho gì được thì cho. Vì vậy, tôi mới cho rằng bác sĩ Thái phát biểu hơi kỹ trị, hơi cơ học và vật lý chứ không có nhìn nhận ở chiều sâu vấn đề.

  • Nguyễn Tuyến - Quang Anh

Ý kiến của bạn

Các tin khác