Đằng sau quyết định kháng cáo của Nguyễn Đức Nghĩa
Bất ngờ có đơn kháng án, Nguyễn Đức Nghĩa, sát thủ vụ án "xác chết không đầu" đã làm dư luận hết sức ngạc nhiên. Trước đó, trong phiên tòa sơ thẩm, Nghĩa đã khẳng định sẽ không kháng án, thì nay, Nghĩa lại quay ngoắt 180 độ.
Về mặt pháp lý, Nguyễn Đức Nghĩa có quyền kháng án và mức án cuối cùng của Nghĩa sẽ do tòa án cấp phúc thẩm quyết định. Không ít người ngạc nhiên trước sự thay đổi của Nghĩa.
PV đã trao đổi với 2 vị luật sư bào chữa cho Nghĩa, ghi nhận phản ứng của gia đình nạn nhân, cũng như của gia đình Nguyễn Đức Nghĩa trước quyết định kháng cáo của bị cáo...
Luật sư Ngô Ngọc Thuỷ: "Bị cáo không muốn thì luật sư cũng chẳng thể làm gì được"
Luật sư Ngô Ngọc Thủy (Đoàn Luật sư Hà Nội), người được gia đình Nghĩa mời tham gia bào chữa cho bị cáo tại phiên sơ thẩm cho biết, sau khi tòa kết án, gia đình bị cáo có trao đổi với luật sư và đã động viên con viết đơn kháng cáo. Việc làm đơn sẽ kéo dài thời gian thi hành án và phía gia đình cũng sẽ có cơ hội được thăm nuôi con trong trại nhiều hơn. Ngoài ra, sau phiên phúc thẩm, Nghĩa vẫn còn cơ hội để gửi đơn xin ân xá lên Chủ tịch nước.
Theo luật sư Thủy, tại tòa Nghĩa phát biểu không kháng cáo có thể do căng thẳng, bức xúc, suy nghĩ chưa chín chắn. Nhưng sau thời gian suy nghĩ lại, Nghĩa đã có đơn kháng cáo. Việc Nghĩa kháng cáo không ràng buộc bởi những lời phát biểu của chính Nghĩa tại toà. Đó là quyền của Nghĩa. Thực tế, nhiều người nhận tội tại tòa nhưng về sau đó vẫn làm đơn kêu oan.
LS Thủy |
+ Ông có bất ngờ khi nhận thông tin bị cáo Nguyễn Đức Nghĩa kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm?
- Kháng cáo là quyền của bị cáo và quyền đó đã được pháp luật quy định, được Nhà nước tôn trọng và bảo vệ. Bị cáo được thực hiện quyền của mình còn toà án công nhận hay không lại là chuyện khác. Đây là quyền chính đáng và không có gì đáng chê trách cả.
+ Có thông tin cho rằng nguyên nhân của việc Nghĩa viết đơn kháng cáo là do luật sư "bài binh bố trận"?
- Tôi hoàn toàn không có ý kiến gì, mà chỉ nói với Nghĩa: "Quyền kháng cáo là quyền của cháu và suy nghĩ tội trạng, tính chất sự việc", việc kháng cáo là việc "cân não" của Nghĩa chứ đâu phải chuyện đùa. Còn nếu tôi - luật sư muốn kháng án mà bị cáo không viết đơn, không ký thì chẳng thể làm gì được.
Sau phiên tòa sơ thẩm, tôi chưa gặp lại Nghĩa, chỉ có gia đình Nghĩa vào thăm nuôi. Sau phát biểu tranh luận của tôi tại tòa, khi phiên tòa kết thúc, tôi không còn vai trò gì nữa. Khi nào được mời bào chữa tiếp, tôi sẽ lại tham gia...
+ Trong đơn kháng án, Nguyễn Đức Nghĩa xin được xem xét lại việc bị khép tội giết người với tình tiết tăng nặng do thực hiện tội phạm một cách man rợ. Luật sư có ý kiến gì về lý do mà Nghĩa đưa ra?
- Quan điểm của tôi rất rõ ràng, kết tội Nghĩa "giết người dã man" là không đúng mà đúng bản chất là phi tang dã man. Hành vi đó bóc tách ra hai giai đoạn. Giai đoạn giết và giai đoạn phi tang. Rõ ràng là hành vi giết người thông thường còn từ yếu tố phi tang dã man thì pháp luật phải có quy định cụ thể.
+ Nói như vậy là vẫn cần phải làm rõ một số tình tiết, thưa luật sư?
- Vụ án này, nếu bị cáo thấy mọi chuyện không vấn đề gì là chuyện khác. Nhưng khi đã nhận tội mà chưa "tâm phục, khẩu phục", còn nhiều tình tiết chưa được làm rõ mà cần phải làm rõ thì việc kháng cáo là lẽ đương nhiên. Dù tội là nhận "án chết" nhưng những gì không đúng thì phải được làm rõ. Họ có quyền được nói lên sự thật, sự thật của vấn đề.
+ Xin cảm ơn luật sư!
Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Luật sư chỉ định bào chữa cho bị cáo Nghĩa tại phiên tòa sơ thẩm: "Có tội hay không phải chờ bản án có hiệu lực pháp luật"
+ Luật sư có biết thông tin bị cáo Nguyễn Đức Nghĩa xin kháng cáo?
- Tôi đã nhận được thông báo của tòa. Nghĩa kháng cáo toàn bộ bản án. Điều đó không có gì ngạc nhiên cả. Đó là quyền hợp pháp của bị cáo. Quyền đương nhiên pháp luật đã thừa nhận. Việc kháng cáo của Nghĩa là trong thời hạn luật định. Sau khi xét xử, Nghĩa chịu nhiều tác động từ gia đình, xã hội. Việc Nghĩa kháng cáo cũng là mong muốn của gia đình. Dù còn một hy vọng nhỏ nhoi, bố mẹ Nghĩa cũng luôn mong điều tốt đẹp nhất cho con để có thể làm lại cuộc đời.
LS Thơm |
- Nhìn từ góc độ đạo đức xã hội, gia đình, trong quá trình tiếp xúc với Nghĩa, tôi nhìn nhận bị cáo là một người quan tâm, luôn lo lắng cho sức khoẻ của bố mẹ và mọi người trong gia đình. Trong giai đoạn điều tra, Nghĩa có thái độ rất thành khẩn với việc mình đã gây ra. Nghĩa kháng cáo cũng là làm tròn trách nghiệm của người con và trách nhiệm với bản thân. Có tội hay không có tội phải chờ bản án có hiệu lực pháp luật.
+ Nghĩa kháng cáo vì cho rằng mình không giết người man rợ, luật sư nghĩ sao về điều này?
Man rợ hay không man rợ phải đối chiếu trên quy định của pháp luật và có văn bản hướng dẫn về hành vi như bản án đã xem xét. Nghĩa thuộc tình tiết tăng nặng là giết người man rợồ, không những gây ra cái chết cho nạn nhân Nguyễn Phương Linh mà còn gây hoang mang dư luận xã hội...
Nghĩa kháng cáo với lý do không giết người man rợ là quyền của bị cáo. Còn việc xem xét, luận tội là trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng. Toà án cấp phúc thẩm sẽ xem xét và bác nếu không có cơ sở.
Theo quan điểm của tôi, Nghĩa kháng cáo vì cho rằng có những tình tiết chưa đúng, chứ không phải kêu oan về hành vi phạm tội hay quay ngoắt 180 độ. Bị cáo không đề cập đến bản án nặng hay nhẹ mà là không đồng tình với một số tình tiết ở cấp sơ thẩm (động cơ, mục đích...) chưa đánh giá đúng bản chất.
+ Phải chăng sự bất ngờ kháng cáo của Nguyễn Đức Nghĩa có sự "cố vấn" của luật sư?
- Nghĩa là người hiểu biết, việc bị cáo kháng cáo là do nội tại ý thức và ý kiến của luật sư cũng chỉ để tham khảo. Sau phiên tòa sơ thẩm, bố Nghĩa đã nói lời mong muốn con kháng cáo. Và sau một thời gian, trong một điều kiện, hoàn cảnh khác, Nghĩa đã thay đổi suy nghĩ và kháng cáo.
+ Xin cảm ơn luật sư!
Ông Nguyễn Văn Ba (Bố nạn nhân Nguyễn Phương Linh) : "Hành vi của Nghĩa là không thể bào chữa được" "Tôi cũng đã nghe tin Nghĩa làm đơn kháng cáo", tôi rất bất ngờ. Dù sao đó cũng là ý chí của gia đình Nghĩa, tôi tôn trọng mong mỏi đó. Tuy nhiên, tôi vẫn đặt niềm tin vào pháp luật, sự nghiêm minh của công lý. Hành vi của Nghĩa là quá rõ ràng, man rợ không thể nào bào chữa được.
Ông Ba tâm sự: "Với cương vị là những người làm cha làm mẹ, tôi rất đau xót khi phải chứng kiến sự việc đau lòng đó. Nhưng Nghĩa đã mất hết tính người, giết người một cách man rợồ, không những thế mục đích giết người của Nghĩa chỉ để cướp tài sản. Hành động đó quá nhẫn tâm và không có nhân tính! ". Ông Ba chùng giọng: "Việc Nghĩa kháng cáo cũng do tác động từ ngoại cảnh, nhằm mục đích kéo dài thời gian, làm tốn công sức của người khác. Bản án đã tuyên, giờ Nghĩa có biện minh gì cũng đã quá muộn. Những chứng cứ, lời khai của Nghĩa trước tòa đã phản ánh rõ bản chất tội ác của Nghĩa rồi". "Nói ra điều này tôi cũng rất đau lòng. Chẳng ai muốn đẩy một người vô tội phải chết. Ai làm người ấy chịu. Có kết cục ngày hôm nay là do Nghĩa đã lêu lổng, không chuyên tâm học hành để rèn giũa nên người. Nghĩa là người có học nhưng lại gây ra bi kịch cho nhiều người. Dù sao con gái tôi cũng đã đi xa, nhưng Nghĩa phải trả giá cho sự mất mát, nỗi đau mà gia đình tôi phải gánh chịu..." - ông Ba nói với PV. Ông thẳng thắn: "Tôi vẫn giữ quan điểm, tội ác phải được pháp luật trừng trị. Với những hành vi mà Nghĩa đã làm, phán quyết của tòa tại phiên tòa sơ thẩm loại trừ Nghĩa ra khỏi xã hội là một phán quyết đúng người, đúng tội". |
(Theo ĐS&PL)