Đà Nẵng "đặt" Phan Châu Trinh "cao hơn" Hùng Vương?
– Đà Nẵng dựa vào đâu mà đặt bảng tên đường Phan Châu Trinh cao hơn bảng tên đường Hùng Vương trên cùng một trụ?
Chỉ chấn chỉnh những gì báo chí phát hiện!
Sau khi VietNamNet phản ảnh tình trạng “tuỳ tiện và báng bổ” của một số bảng tên đường ở Đà Nẵng, tại kỳ họp thứ 16 HĐND TP Đà Nẵng khoá VII vừa diễn ra giữa tháng 7, Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Bá Thanh đã yêu cầu UBND TP chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành rà soát, chấn chỉnh ngay.
Ngày 8/8, PV VietNamNet đã khảo sát và nhận thấy các bảng tên đường Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Văn Duyệt, Đống Đa, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Thái Học đề cập trong bài báo kể trên đều đã được chấn chỉnh.
Tuy nhiên, đó chỉ là sự chấn chỉnh đối với những bảng tên đường nào bị báo chí phát hiện, chứ không hề rà soát, đánh giá nghiêm túc để chấn chỉnh một cách toàn diện, đồng bộ cho tương xứng với tầm vóc của đô thị Đà Nẵng theo yêu cầu của lãnh đạo TP.
Đà Nẵng đã chấn chỉnh tình trạng viết tắt tuỳ tiện ở bảng tên đường Nguyễn Thị Minh Khai, nhưng bảng tên đường Phạm Ngọc Thạch thì vẫn giữ nguyên!
Bởi vậy, trong khi lãnh đạo thành phố yêu cầu không tuỳ tiện viết tắt bảng tên đường thì người ta chỉ “chấn chỉnh” bảng tên đường Nguyễn Thị Minh Khai đã nêu trên báo, còn nhiều bảng tên đường khác, đơn cử đường Phạm Ngọc Thạch vẫn giữ nguyên.
Hay như đường Xuân Diệu dẫn vào khu dân cư đông đúc dưới chân cầu Thuận Phước, do không có bảng tên đường nên người dân phải tự đặt một cái bảng tên “lạ mắt” chen giữa “rừng” biển hiệu, quảng cáo…
Còn bảng tên đường Xuân Diệu thì rất "lạ mắt" và nằm chen giữa một "rừng" biển hiệu, bảng quảng cáo!
Phan Chu Trinh “cao” hơn Hùng Vương?
Ngoài ra, khi tiến hành cuộc khảo sát kể trên, PV VietNamNet ghi nhận điểm mới trong việc dựng bảng tên đường ở Đà Nẵng thời gian gần đây là các cơ quan chức năng đã cho đặt một bảng cao, một bảng thấp trên cùng một trụ, giúp người dân và du khách dù đi theo hướng nào cũng đều có thể dễ dàng nhìn thấy bảng tên đường.
Song cũng từ đó nảy sinh vấn đề bảng tên nào đặt cao, bảng tên nào đặt thấp? Đây hoàn toàn là chuyện rất nghiêm túc, bởi nếu không xác định một cách cẩn trọng, hợp lý, có cơ sở khoa học sẽ dễ dẫn đến sự phản cảm, thậm chí thất lễ, không hợp đạo lý đối với các nhân vật, sự kiện lịch sử được chọn đặt tên, nhất là với những tên đường có tính nhạy cảm cao.
Tiêu chí nào để đặt bảng tên đường Bạch Đằng cao hơn bảng tên đường Hùng Vương...?
...nhưng lại thấp hơn bảng tên đường Lý Tự Trọng?
Qua tham khảo ý kiến nhiều chuyên gia trong lĩnh vực lịch sử, văn hoá và giao thông, công chính thì về cơ bản, việc đặt bảng tên cao hay thấp cần dựa theo hai tiêu chí. Trước hết là tầm mức quan trọng của nhân vật, sự kiện được chọn đặt tên đối với tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Tiếp đó là tiêu chí đường lớn - đường nhỏ, nghĩa là bảng tên đường lớn đặt cao hơn bảng tên đường nhỏ.
Thế nhưng, thực tế việc đặt các bảng tên đường “cao - thấp” ở Đà Nẵng cho thấy không hề theo một tiêu chí nào. Nếu căn cứ tiêu chí tầm mức quan trọng đối với tiến trình lịch sử thì có lẽ Đà Nẵng đã khiến niềm tự hào của người dân xứ Quảng là nhà chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh phải cảm thấy... thất lễ khi tên của cụ lại được đặt cao hơn tên của… Đức Tổ Hùng Vương ở ngay ngã tư sầm uất nhất giữa trung tâm TP!
E là cụ Phan Châu Trinh sẽ cảm thấy thất lễ khi người ta đặt mình đứng cao hơn cả Đức Tổ Hùng Vương!
Còn nếu căn cứ theo tiêu chí đường lớn - đường nhỏ thì có cách nào để hiểu vì sao trục đại lộ "5 sao" ven biển Nguyễn Tất Thành nhưng bảng tên của đường này lại bị đặt dưới bảng tên các đường Phan Văn Định, Nguyễn Chánh, Đặng Huy Trứ vốn chỉ là những đường nhánh dẫn vào các khu dân cư, thậm chí có đường vẫn còn nham nhở, gồ ghề, chưa làm xong?...
Tương tự, không thể hiểu nổi Đà Nẵng dựa theo tiêu chí nào để đặt bảng tên đường Nguyễn Tất Thành cao hơn bảng tên đường Trần Anh Tông nhưng lại thấp hơn bảng tên các đường Hồ Quý Ly, Ông Ích Khiêm? Rõ ràng, “tiêu chí” ở đây chỉ đơn thuần là sự… tuỳ tiện!
Có cách nào để hiểu vì sao bảng tên đường Nguyễn Tất Thành được đặt cao hơn bảng tên đường Trần Anh Tông...
Nhưng lại bị đặt thấp hơn bảng tên đường Hồ Quý Ly...
... hay bảng tên đường Ông Ích Khiêm? |
Như VietNamNet từng đề cập, bảng tên đường không chỉ là bảng chỉ dẫn đường phố mà còn là những “chỉ dấu” về truyền thống, bản sắc văn hoá, lịch sử đấu tranh oai hùng của cả một đất nước, một dân tộc, một vùng đất… Nhưng với cách làm tuỳ tiện, thiếu cơ sở khoa học như nêu trên, liệu Đà Nẵng sẽ giới thiệu được gì cho du khách và giáo dục được gì cho người dân, nhất là thế hệ trẻ?
-
Hải Châu