– Làng đại học hiện đang bị “băm nát” bởi hàng trăm quán nhậu, karaoke, cà phê cá độ bóng đá. Không ít băng nhóm côn đồ thường xuyên tụ tập, gây rối. Đã có sinh viên bị đâm, cưỡng hiếp, cướp của ngay tại làng đại học.
Đầu năm 2008, trên các diễn đàn cả nước, làng Đại học Thủ Đức là cái tên nổi như cồn vì có nhiều… quán nhậu. Từ đó, làng đại học không chỉ là nơi tập trung của sinh viên, nhiều dân chơi và côn đồ đổ về ngày càng nhiều.
Ngày cuối tuần ở làng Đại học Thủ Đức không còn là lúc sinh viên nghỉ ngơi sau giờ học. Đó là lúc những chủ quán nhậu làm việc hết công suất để phục vụ cho hàng ngàn cử nhân, kỹ sư tương lai xả stress bằng… bia, rượu.
Làng đại học - làng chơi
Không như những gì “mơ ước” về một làng đại học quốc gia đã được quy hoạch. Khu vực làng Đại học Thủ Đức hiện vô cùng nhếch nhác, không chỉ có những bãi rác lộ thiên to đùng, những dây phơi quần áo đủ màu sắc bên đường, mà có cả những quán nhậu mọc như nấm, đan xen vào giữa làng đại học.
Dù đến làng đại học từ hướng Đại học An ninh, hay hướng Đại học Nông lâm, ấn tượng đầu tiên đập vào mắt là những quán nhậu liền kề như dãy nhà phố.
Những người kinh doanh sách vở, quần áo, nước giải khát… ở làng đại học có doanh thu hơi bị “hẻo”, trong khi đó, các ông, bà chủ quán nhậu ở khu vực này thì “phát tài” trông thấy.
Nắm được nhu cầu của sinh viên, nhiều hộ dân sống quanh làng đại học bỏ kinh doanh sách, báo, văn phòng phẩm chuyển hẳn sang mở quán nhậu, karaoke.
Những quán nhậu ra đời sớm nằm ở khu vực đối diện Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐH KHTN) như: Lẩu 18, Phượng Hồng, 77… có lợi thế nằm gần cả chục quán karaoke giá “mềm”, sẵn sàng cho sinh viên quậy tưng bừng trên bàn nhậu, rồi kéo nhau đi hát hò.
Quán nhậu mọc như nấm tại làng đại học. Ảnh: Quốc Quang |
Vì vậy, khu vực này thường thu hút hàng ngàn sinh viên vào cuối tuần và từng được mệnh danh là “trung tâm ăn chơi” của làng đại học.
Thời gian ngắn sau, khu vực trên không thể bì kịp số lượng khách nhậu với những quán Lẩu 44, Sáu Trang, 307, 9999… gần ngã ba Trường Đại học Thể dục thể thao TW2.
Những quán nhậu lợp bằng mái lá hoặc vải bạt thủng lỗ chỗ quanh những gốc cây tràm, bãi rác nằm ngay bên cạnh, nhưng cứ cuối tuần, ngày lễ, sinh viên kéo tới ăn nhậu như “trẩy hội”.
Lướt một vòng trên con đường chưa đến 2km, qua 6 trường đại học và ký túc xá Đại học Quốc gia (KTX ĐHQG) chúng tôi đã đếm được trên 70 quán nhậu.
Quán rộng nhất có trên 200 ghế ngồi. Nếu làm phép tính đơn giản để biết số sinh viên đi ăn nhậu có lẽ phải giật mình, vì vào những ngày cuối tuần, ngày lễ tất cả quán nhậu ở làng đại học chật cứng.
Ngay cả khu đất vườn tràm gần Trường Đại học KHXH&NV vốn được quy hoạch vào mục đích xây dựng của Đại học Quốc gia TP.HCM (ĐHQG TP.HCM), nhưng bị những hộ dân trong khu vực vô tư chiếm đất, dựng quán nhậu thành hàng như một dãy phố dài, mà không gặp “trở ngại” nào từ chính quyền địa phương.
Đánh nhau, trấn lột như cơm bữa
Sau khi nhậu “tưng” ở quán lẩu 77, hẻm đối diện ĐH KHTN, nhóm côn đồ do Ben “nhóc”, đệ tử của Trà “đầu trọc” dẫn đầu vào quán karaoke Souvenir gần đó hát hò.
Trong lúc tưng bừng, một thành viên trong nhóm của Ben “nhóc” đi vệ sinh, do quá say người này vào nhầm phòng của một nhóm sinh viên Trường Đại học KHXH&NV, rồi ói tại đây. Lời qua tiếng lại, bất ngờ nhóm của Ben “nhóc” cầm ghế nhựa, chai bia và rút cả micro ở đầu máy ném vào nhóm sinh viên.
Hai bên đánh nhau và đập bể hết tất cả vật dụng trong phòng karaoke, cho đến khi Cảnh sát 113, Công an huyện Dĩ An có mặt đưa tất cả về trụ sở Công an xã Đông Hoà (Dĩ An, Bình Dương) xử lý.
Ngày hôm sau, nhiều sinh viên thấy Ben “nhóc” chạy xe nghênh ngang, nẹt pô ở làng đại học và hùng hồn tuyên bố: “Tao có chú làm ở công an xã!”.
Chuyện đánh nhau ở làng đại học xảy ra như cơm bữa, phần lớn bắt đầu từ những cuộc nhậu. Ảnh: Quốc Quang |
Chưa bị các "đàn anh" ở địa phương như Ben “nhóc” hay Tí “ghẻ”, hỏi thăm, nhưng N.V.C, sinh viên Khoa Kinh tế, ĐHQG TP.HCM, là nạn nhân của một vụ trấn lột, làm nhục bởi chính những sinh viên có máu côn đồ.
Một buổi tối, C. dẫn Nghiệp, bạn cùng Khoa Kinh tế về phòng trong nhà A.2 KTX ĐHQG chơi, sau đó C. bị mất điện thoại. Phát hiện chính người bạn mình dẫn về là thủ phạm, C. yêu cầu trả lại điện thoại cho mình. Nghiệp đồng ý nhưng xin khất đến tuần sau do kẹt tiền.
Vào một sáng đầu tuần, Nghiệp nhắn C. “ra trước cổng trường để trả tiền”. C. vừa bước ra, liền bị một thanh niên lạ mặt gí dao Thái Lan vào hông, bắt ngồi lên xe và chạy vào đường mòn sát Trường ĐH KHTN dẫn ra hồ Đá.
Đến đây, Nghiệp và đồng bọn phủ nhận chuyện lấy trộm điện thoại rồi trấn lột luôn chiếc điện thoại C. mới được gia đình gửi tiền vào mua. Đồng bọn của Nghiệp bắt C. cởi hết quần áo, rồi trấn lột ví tiền của C. trong đó có 2,5 triệu đồng.
Vài ngày sau, Công an huyện Dĩ An (Bình Dương) vào cuộc và gia đình Nghiệp bồi thường cho C. 10 triệu đồng. Vì nghĩ Nghiệp cũng đang đi học nên gia đình C. đồng ý làm đơn bãi nại, nếu không Nghiệp phải hầu toà vì hành vi “trộm cắp, cưỡng đoạt tài sản”.
Nghiệp thú nhận, do thường xuyên nhậu nhẹt, cá độ bóng đá nên lâm vào cảnh “nợ như chúa chổm” và biết C. là con nhà khá giả nên Nghiệp đã tìm cách trấn lột.
-
Quốc Quang
Bài 3: Nạn côn đồ chưa dứt, án mạng gia tăng
Án mạng ở làng đại học liên tiếp xảy ra. Côn đồ đã khiến sinh viên làng đại học bất an, nhưng chưa có sự kết hợp chặt chẽ của cơ quan chức năng 3 bên: tỉnh Bình Dương, TP.HCM và ĐHQG TP.HCM.