Melamine chỉ nguy hại khi sử dụng nhiều
Thời gian gần đây, người tiêu dùng, đặc biệt là những gia đình có con nhỏ vô cùng hoang mang trước vụ việc trên 50.000 trẻ em Trung Quốc phải nhập viện, trong đó có 4 trẻ em đã tử vong do uống sữa có chứa chất melamine. Vậy chất melamine là gì, có tác hại như thế nào đến sức khỏe con người. Ngày 3/10, Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM đã tổ chức buổi “Trò chuyện với thầy thuốc” để giải đáp những thắc mắc này…
Con người có thể dung nạp được 0,63 mg melamine/kg/ngày
Cho đến nay, sự hiểu biết về độc tính của melamine đối với con người chưa nhiều. Còn các nghiên cứu trên động vật cho thấy chất này có thể gây ra tình trạng ngộ độc cấp tính và mạn tính.
Thử nghiệm qua đường ăn uống ở 100 con chuột với liều lượng trên 3.000 mg melamine/kg cân nặng thì có 50 con chết. Thử nghiệm trên da ở thỏ, trên 1.000 mg melamine/kg cân nặng thì 100 con thử nghiệm có 50 con chết. “Vì vậy phải cần một lượng melamine rất lớn mới có thể gây ra ngộ độc cấp”, BS. Nguyễn Xuân Mai - Phó viện trưởng Viện Y tế Công cộng khẳng định.
Melamine có thể gây tổn hại đến cơ quan sinh sản, bàng quang hoặc gây sạn thận, thậm chí ung thư bàng quang. BS. Mai cho biết thêm: “Một nghiên cứu vào năm 1953 cho thấy, cho chó ăn 3% melamine trong một năm gây ra sự thay đổi trong nước tiểu của chúng. Vì vậy, melamine có nhiều khả năng gây ngộ độc mạn tính do tính chất khó hòa tan trong nước tiểu để được bài tiết ra ngoài”.
Tuy nhiên trên thực tế cho thấy, sự tiếp xúc của người tiêu dùng với chất melamine tương đối thấp. Ví dụ, dư chất của melamine do hậu quả từ chuyển hóa cyromazine (một loại thuốc trừ sâu) có thể xảy ra trong quá trình thôi nhiễm ở các dụng cụ chứa thực phẩm bởi các axit trong nước cam, chanh, sữa đóng cục ở nhiệt độ cao.
Tổng cộng tất cả các nguồn thôi nhiễm, trung bình mỗi ngày con người hấp thu khoảng 0,007 mg melamine/kg trọng lượng cơ thể qua đường ăn uống. Trong khi đó, một nghiên cứu ở chuột cho thấy, với hàm lượng melamine là 63 mg/kg cân nặng/ngày trong thời gian 13 tuần không quan sát thấy ảnh hưởng đối với sỏi bàng quang.
Từ những nghiên cứu, Cục Quản lý thuốc & Thực phẩm của Mỹ đã đánh giá độ an toàn, nguy cơ của chất melamine cũng như các hợp chất tương đồng về mặt cấu trúc như Ammelide, Ammeline, Acid Cyanuric mà cơ thể con người có thể dung nạp được là 0,63 mg/kg/ngày.
Nồng độ melamine trong sữa rất ít
GS. Chu Phạm Ngọc Sơn - Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội Khoa học Kỹ thuật TP.HCM cho biết: “Về nguyên nhân tại sao chất melamine có trong sữa, cho đến nay lý do thường được đưa ra là nhằm tăng độ đạm giả tạo. Melamine có phân tử khối 126 gram, chứa 84 gram Nitơ (66,66% N). Như vậy, muốn tăng 1 độ đạm cho sữa tươi thì phải thêm vào 1 lít sữa khoảng 1,5 gram hay 1.500 mg melamine.
Tính đến thời điểm này, những kết quả phân tích các mẫu sữa hay sản phẩm từ sữa cho thấy hầu hết nồng độ melamine đều cỡ vài mg/kg sữa trở xuống… Vả lại người tiêu dùng, đặc biệt là các bà mẹ có con nhỏ có thể an tâm vì qua kết quả xét nghiệm cũng cho thấy số mẫu có nhiễm melamine rất ít so với số mẫu đã được kiểm tra”.
Sau sự cố sữa ở Trung Quốc bị nhiễm chất melamine, không ít bà mẹ vì lo sợ con mình sẽ mắc bệnh nên đã không cho con tiếp tục uống sữa. Đó là một sai lầm, bởi “Sữa là nguồn dinh dưỡng quan trọng nhất của trẻ nhỏ, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ ngay từ giai đoạn đầu. Sữa có đầy đủ các chất dinh dưỡng với tỷ lệ cân đối, hợp lý cho tiêu hóa, hấp thu và phát triển của trẻ.
Chẳng hạn như chất đạm là nguyên liệu xây dựng nên các tế bào cơ thể và tạo ra dịch tiêu hóa, nội tiết tố, protein huyết thanh, các men. Chất bột đường thì cung cấp năng lượng cho cơ thể (cơ, não). Chất béo cung cấp acid béo thiết yếu cho cơ thể. Và là thành phần của màng tế bào, mô não, dây thần kinh (đặc biệt là đối với trẻ dưới 6 tuổi). Ngoài ra, trong sữa còn có các vitamin, khoáng chất và các thành phần bổ sung giúp phát triển thần kinh và não bộ. Trong đó acid béo thiết yếu như omega 3, omega 6 hoặc DHA, ARA là các chất tham gia vào quá trình hình thành màng tế bào thần kinh; Taurin là thành phần quan trọng trong mô tế bào, đặc biệt là mô tế bào não và thị giác…”, BS. Đào Thị Yến Thủy - Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM khuyến cáo.
Các bác sĩ cũng khuyên người tiêu dùng chỉ nên chọn mua những sản phẩm đã được kiểm nghiệm là không có chất melamine.
- Theo Kim Anh (giaoduc.edu.vn)
Năm 2004 và năm 2008, cơ quan về Tiêu chuẩn Thực phẩm của Anh đã thực hiện 2 cuộc điều tra về tình hình các chén, dĩa, tách tiết melamine và formaldehyt vào thực phẩm. Kết quả hàm lượng melamine tiết ra đều dưới mức tối đa chấp nhận được (30mg/kg). Tuy nhiên, cũng có một số mẫu tiết ra formaldehyt vượt nhiều lần mức tối đa chấp nhận, 5/50 mẫu (năm 2004) và 8 mẫu năm 2008. Từ những kết quả thực nghiệm nêu trên, người tiêu dùng nên thận trọng khi dùng các tô chén bằng nhựa melamin - formaldehyt để chứa lâu thức ăn chua, nóng hoặc nấu trong lò vi sóng.
Melamine là một nguyên liệu cho công nghiệp polymer, được phản ứng với formaldehyt tạo nhựa nhiệt cứng melamin - formaldehyt. Nhựa này được áp dụng trong sản xuất chất kết dính, vải, vật liệu gia dụng như tô, chén, dĩa, muỗng…
Các đồ dùng gia đình bằng nhựa melamin - formaldehyt tương đối bền, đẹp. Song, do melamin và formaldehyt là những nguyên liệu ban đầu chưa kịp phản ứng và còn bị nhốt trong màng nhựa nên khi sử dụng tô, chén, dĩa làm bằng loại nhựa này để chứa thức ăn nóng, chua, chúng có thể tiết vào thức ăn 2 chất nói trên.
GS. Chu Phạm Ngọc Sơn