Bài học thực sự từ hóa chất melamine
Các nhân viên kiểm định chất lượng đang tiêu hủy sữa ở Thâm Quyến, Quảng Đông. (Ảnh: Reuters) |
Nhiều lô sữa của hàng chục công ty ở Trung Quốc đã được phát hiện có melamine ở các cấp độ khác nhau. Tam Lộc là hãng đầu tiên lộ diện, và các sản phẩm của Tam Lộc cũng có mức độ melamine cao nhất.
Trong một chiến dịch kiểm tra rộng khắp, Tổng cục Kiểm định Chất lượng quốc gia Trung Quốc (AQSIQ) đã phát hiện thêm nhiều hãng có sản phẩm chứa melamine.
Tuy nhiên, AQSIQ dẫn lời một số nhà khoa học nói rằng lượng hóa chất độc hại trong sữa dạng lỏng qua đợt kiểm tra này không gây nguy cơ lớn về sức khỏe.
Melamine có tác dụng gì?
Miếng giấy nhỏ dán sau mỗi sản phẩm sữa, ngoài những thông tin về hãng sản xuất, nguyên liệu, còn cho biết về hàm lượng protein. Và con số này được ghi nhận thông qua một phương pháp kiểm tra có tên gọi Kjeldahl, lấy theo tên một nhà hóa học Đan Mạch.
Phương pháp Kjeldahl, về cơ bản, đo lượng nitơ trong sữa bằng cách xem xét mức ammonia.
Khi sữa tươi bị pha loãng bằng nước, bột đậu tương hay các thành phần thay thế khác rẻ hơn, lượng protein chắc chắn sẽ giảm. Và vì vậy, vai trò của "tội đồ" melamine được cần đến.
Melamie là một chất bột màu trắng không có mùi vị chứa hàm lượng ammonia rất lớn.
Việc trộn melamine vào sữa chỉ phục vụ một mục đích duy nhất là đánh lừa phương pháp kiểm tra Kjeldahl bằng cách hiển thị giả hàm lượng nitơ cao.
Vấn đề thực sự ở đây không phải là nhiễm melamine ở mức độ nào sẽ không tốt cho con người, mà là tại sao một chất dùng để sản xuất nhựa thậm chí gây hại cho lợn và gia cầm lại có mặt trong thực phẩm cho người.
Bài học thực sự
Nhật báo Thượng Hải cho rằng, melamine có thể được thêm vào 3 bước trong quá trình chế biến sản phẩm.
Những người nông dân nuôi bò sữa pha nó vào trước khi giao sữa cho trạm thu mua. Tuy nhiên, lượng sữa nguyên liệu mà mỗi hộ sản xuất được rất ít nên thêm melamine vào chẳng thu lợi được bao nhiêu.
Thêm melamine tại các trạm thu mua sẽ hiệu quả hơn và hầu hết những người tình nghi bị bắt giữ tính đến thời điểm hiện tại đều liên quan đến khâu này.
Thêm melamine tại nhà máy sản chế biến sữa của Tam Lộc là khả năng cuối cùng.
Dù sao, Tam Lộc cũng phạm tội giám sát lỏng lẻo lượng sữa nguyên liệu mà tập đoàn này gom từ các trạm thu mua.
Ngoài vấn đề hóa chất, bài học thực sự được rút ra từ trang đen tối nhất trong lịch sử ngành công nghiệp bơ sữa của Trung Quốc là thị trường tự do hoặc cạnh tranh công khai không phải là thuốc chữa bách bệnh.
Với những quy định lỏng lẻo về những sản phẩm mà chất lượng khó phân biệt, thì ngay cả các công ty làm ăn nghiêm chỉnh cũng có thể vì tham lam lợi nhuận mà bất chấp luân lí.
- Thanh Hảo (Theo Nhật báo Thượng Hải)