Cần gấp rút sửa đổi Luật Thương mại và thể chế liên quan
Luật Thương mại 1997 là cột mốc trong chương trình cải cách kinh tế và pháp luật nhưng đến nay đã không đáp ứng được yêu cầu hội nhập thương mại quốc tế, nhất là chuẩn bị mặt bằng pháp lý bình đẳng cho sân chơi chung theo khuôn khổ WTO.
Việc sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các bộ Luật phù hợp với WTO sẽ tạo điều kiện thu hút thêm nhiều DN nước ngoài đến VN làm ăn. |
Sự khác nhau giữa thể chế thương mại nước ta với thể chế theo WTO vừa có bề sâu và bề rộng, vì WTO là nối tiếp của GATT ra đời từ năm 1947 và nhiều quốc gia thành viên của Tổ chức thương mại thế giới có luật thương mại của riêng mình từ thế kỷ trước. Cụ thể sự không ăn khớp và ngang nhau về thể lệ thương mại thể hiện ngay từ khái niệm ban đầu. Khái niệm hành vi thương mại của Luật thương mại nước ta chỉ gồm 14 loại hành vi được định danh rõ rệt, còn khái niệm thương mại theo luật mẫu của Ủy ban Liên hiệp quốc về luật thương mại đưa ra thì không định danh cụ thể nhưng bao hàm định tính hỗ trợ của án lệ (Jurisprudence commercial), cụ thể là thuật ngữ thương mại (commeree) cần được diễn giải theo nghĩa rộng để bao quát các vấn đề nảy sinh ra từ mọi quan hệ mang tính chất thương mại, dù có hay không có hợp đồng. Các mối quan hệ mang tính thương mại bao gồm, nhưng không phải chỉ bao gồm, các giao dịch sau đây: bất cứ giao dịch thương mại nào về cung cấp hoặc trao đổi hàng hóa hoặc dịch vụ; thỏa thuận phân phối; đại diện hoặc đại lý thương mại; ủy thác hoa hồng, cho thuê dài hạn; xây dựng các công trình, tư vấn; kỹ thuật công trình; đầu tư; cấp vốn; ngân hàng; bảo hiểm; thỏa thuận khai thác hoặc tô nhượng; liên doanh và các hình thức khác về hợp tác công nghiệp hoặc kinh doanh; chuyên chở hàng hóa hay hành khách bằng đường biển, đường hàng không, đường sắt hoặc đường bộ.
Từ khung hành vi thương mại trên đây, ta thấy rằng quan hệ bảo hiểm là một hoạt động thương mại, luật thương mại nước Pháp cũng quy định như thế, nhưng hoạt động bảo hiểm các loại hiện nay có tại Việt Nam lại được Bộ Luật dân sự của Việt Nam điều chỉnh, Luật Thương mại 1997 không nói đến. Quan hệ chặt chẽ của hành vi dân sự và thân nhân người mua bảo hiểm có thể đem lại thuận lợi cho công ty bảo hiểm trong quá trình thực hiện hợp đồng; nhưng cũng có thể đem lại sự bất lợi cho chủ thể nhận tiền bồi thường từ công ty bảo hiểm trả. Nếu bảo hiểm được coi là hành vi thương mại thì việc bảo hiểm bồi thường tiền khi có sự cố xảy ra là một nghĩa vụ đương nhiên, bắt buộc trong hợp đồng thương mại. Vấn đề này cần có thời gian nghiên cứu, phân tích, hoàn chỉnh thể chế tạo thuận lợi cho môi trường trong nước về thương mại và để hội nhập quốc tế về lâu dài, không thể bị thua ngay trên sân nhà khi bước vào giai đoạn thương mại.
Đến việc công nhận phán quyết của Trọng tài nước ngoài
Trước hết, tác giả xin trích dẫn một vụ kiện giữa hai bên liên doanh, bên nước ngoài là Công ty Tyco (Úc) và bên Việt Nam là công ty TNHH Hải Vân Thiess. Nội dung hợp đồng liên doanh có thỏa thuận rằng nếu có tranh chấp giữa 2 bên, thì sẽ được trọng tài của bang Queensland (Úc) giải quyết theo luật của bang này. Diễn biến vụ kiện như sau:
Ngày 17/10/1995, Công ty Tyco Services Singapore Pte. Ltd. (Trụ sở chính ở số 10 Pandan Crescent # 03-01 UE Tech Park, Singapore 128466), (sau đây gọi tắt là Tyco) ký kết với công ty trách nhiệm hữu hạn tư vấn và xây dựng Hải Vân Thiess (gọi tắt là HVT), nay đổi là Công ty Leighton Contractors Ltd. (VN), một thỏa thuận liên doanh Thiess-Tyco. Theo thỏa thuận này Công ty HVT là đơn vị được cấp giấy phép đầu tư theo pháp luật Việt Nam có tư cách pháp nhân làm đơn vị dự thầu xây dựng khách sạn Indochina Beach tại Đà Nẵng, cho chủ đầu tư là công ty liên doanh khách sạn Indochina (Một pháp nhân thành lập theo pháp luật Việt Nam), nếu công ty HVT trúng thầu hợp đồng thì hai bên cùng nhau hợp tác thực hiện dự án trên cơ sở phân chia công việc và dịch vụ cụ thể.
Thỏa thuận liên doanh Thiess-Tyco có điều khoản về trọng tài quy định rằng: “Trong trường hợp xảy ra tranh chấp giữa các bên thỏa thuận, tranh chấp đó sẽ được đưa ra xét xử bởi một trọng tài độc lập theo yêu cầu của một trong hai bên đã gửi thông báo, trọng tài này sẽ được bổ nhiệm bởi vị Chủ tịch của Viện các kỹ sư ở Australia. Việc xét xử sẽ diễn ra tại bang Queensland theo luật của bang Queenland điều chỉnh và diễn giải”.
Khi thực hiện thỏa thuận liên doanh Thiess-Tyco, các bên có phát sinh tranh chấp và phải nhờ đến sự can thiệp của trọng tài bang Queensland, nước Úc.
Ngày 9/4/2000, Trọng tài bang Queensland đưa ra hai phán quyết như sau:
Đối với vụ kiện, trong đó Công ty HVT là nguyên đơn: Trọng tài bang Queensland phán quyết Công ty HVT thua kiện, buộc Công ty HVT phải trả cho Công ty Tyco một khoản tiền là 60.000USD; và 263.320USD Úc.
Đối với vụ kiện, trong đó Công ty Tyco là nguyên đơn. Trọng tài bang Queensland phán quyết có lợi cho Tyco, buộc Công ty HVT phải trả cho Công ty Tyco một khoản tiền là: 1.805.342,37USD; và 526.641USD Úc.
Tổng số tiền mà Trọng tài bang Queensland buộc Công ty HVT phải trả cho Công ty Tyco trong hai vụ kiện là 1.865.342USD; và 789.961USD Úc. Nhưng công ty HVT không chịu thi hành phán quyết trọng tài. Công ty Tyco buộc phải nộp đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành quyết định của Trọng tài nước ngoài đến Bộ tư pháp Việt Nam theo quy định của Pháp lệnh về công nhận và thi hành tại Việt Nam quyết định của trọng tài nước ngoài ngày 27/9/1995 (sau đây gọi tắt là Pháp lệnh 1995). Bộ tư pháp sau đó đã có công văn đến Tòa án nhân dân TP.HCM yêu cầu công nhận và thi hành tại Việt Nam phán quyết trọng tài nước ngoài đối với 2 phán quyết của Trọng tài Queensland, Cộng hòa Úc.
TAND TP.HCM đã ra phán quyết công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hai phán quyết của trọng tài bang Queensland; Điều này phù hợp với thông lệ quốc tế và WTO. Phía thua kiện kháng cáo xin xét xử cấp phúc thẩm theo thủ tục tố tụng hiện hành. Tòa phúc thẩm TAND tối cao đã bác bỏ quyết định của Tòa sơ thẩm với 2 lý do : một, giữa Tyco và Công ty HTV không có quan hệ thương mại với lý do là hoạt động xây dựng không phải là một hành vi thương mại; hai, việc công nhận quyết định của Trọng tài bang Queensland là trái với pháp luật Việt Nam vì Tyco ký kết hợp đồng với Công ty HVT khi không có giấp phép của Bộ xây dựng. Từ đó, Tòa này nhận định hợp đồng không vi phạm Pháp luật Việt Nam và không được pháp luật bảo vệ.
Như vậy, Tòa phúc thẩm đã can thiệp vào nội dung của hợp đồng liên doanh, trong khi luật pháp chỉ cho phép tòa án xem xét về thủ tục tố tụng mà thôi. Từ hai quyết định trái ngược nhau của hai Tòa sơ thẩm và phúc thẩm đã xét xử để cho phép thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam đã có nhiều quan điểm trái ngược.
Nhũng quan điểm trái ngược này đã được đăng tải trên tạp chí Tạp chí Nghiên cứu lập pháp. Quan điểm thứ nhất là " Ý nghĩa của việc xem xét công nhận và cho thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài được ghi nhận trong Công ước New York năm 1958, đó là chỉ kiểm tra, đối chiếu, xem xét về mặt thủ tục ra quyết định của trọng tài nước ngoài có đúng hay không, để từ đó ra quyết định công nhận hay không công nhận mà thôi. Và quan điểm thứ 2 là “Do cách hiểu bó hẹp của ta, nhiều phán quyết của trọng tài nằm ngoài 14 hành vi thương mại của Luật thương mại hiện nay chưa có cơ chế xem xét, công nhận và cho thi hành tại Việt Nam”.
Luật sư Sesto Vechi, Văn phòng luật Russin và Vecchi tại Việt Nam thì nhận định: So với quyết định của Toà kinh tế (TAND TP.HCM) công nhận phán quyết của trọng tài nhà nước, thì quyết định phúc thẩm của TAND tối cao rõ ràng là một bước thụt lùi lớn cho Việt Nam. Theo các định nghĩa của Tòa phúc thẩm về hợp đồng thương mại, Tòa đã làm mất đi tính hiệu lực của các điều khoản về xét xử bằng trọng tài của hàng trăm hợp đồng liên doanh, hợp đồng vay vốn, dịch vụ và các hợp đồng khác, bởi vì các hợp đồng này không bao giờ đáp ứng được các định nghĩa hạn chế của Tòa về một hành vi thương mại?
Từ dẫn chứng vụ kiện và cách xét xử của 2 cấp tại tòa án của nước ta, thì thấy còn vô số điều bất cập, cần phải có phương án chỉnh sửa, nâng cấp cả về chất cũng như về lượng trong lĩnh vực tư pháp. Nhưng đây mới chỉ là hình thức trọng tài quốc tế phân xử, khi bước vào giai đoạn tố tụng và tranh tụng trước tòa án quốc tế cũng như thủ tục tố tụng thương mại trước tòa án nước ngoài, dù cũng nằm trong sân chơi bình đẳng của WTO, phía đối tác Việt Nam còn phải gặp nhiều khó khăn hơn nữa trong thủ tục tố tụng, tranh tụng này.
-
Luật gia Ngô Ngọc Bửu và Trần Đình Phụng