Vào WTO, lao động ngành nào sẽ bị sắp xếp lại
Nhân viên ngành phân phối: xin hỏi đâu là đường ta đi? Thời kinh tế kế hoạch, người ta phải xếp thành từng hàng dài, trong tay cầm đủ thứ tem phiếu: phiếu lương, phiếu thịt, phiếu vải… trong lòng thầm cầu nguyện có thể đổi được những thứ hàng hóa đáp ứng những nhu cầu tối thiểu của con người. Trong cái thời vật chất khan hiếm ấy, anh chị mậu dịch viên trong các cửa hàng bách hóa là thần tượng trong cặp mắt của mọi người. Hàng trăm tờ giấy gửi gắm nằm trong hộc bàn của họ. Đứng trước mặt họ, người mua hàng giống như những tội đồ đang chờ phán xét, cứ cúi mặt nhìn xuống đất.
Rồi bỗng một hôm, trên môi họ bỗng xuất hiện những nụ cười. Người ta không còn thấy họ ngồi tán gẫu, cắn hạt dưa nữa mà đon đả mời chào khách hàng mua thứ này thứ kia. Họ đứng trước cửa các siêu thị, vai đeo vải băng đỏ cúi đầu chào đón khách. Ôi cả thế giới đang thay đổi!
Thương nhân nước ngoài chen chân vào Trung Quốc
“Thị trường người mua” một cụm từ chúng ta chỉ mới được nghe gần đây. Nhưng sự gay gắt và khốc liệt của thương trường thì chắc ai cũng đã biết. Các thương gia trong nước dùng các chiêu thức khuyến mãi như “hàng thanh lý giá rẻ”, “mua 1 tặng 1”… để cạnh tranh lẫn nhau nhưng đều không gây ép phê với khách hàng mà ngược lại chỉ thể hiện sự ngô nghê thiếu hiểu biết của người bán.
Một khi thương nhân nước ngoài nhảy vào nữa thì cảnh tượng sẽ càng thêm náo nhiệt. Những chiếc “hàng không mẫu hạm thương nghiệp” ngoại quốc như Carrefour, Cora, Metro… đang từ từ tiến về các thành phố lớn của Trung Quốc. Khi gia nhập WTO, Trung Quốc phải xóa bỏ lệnh cấm DN nước ngoài kinh doanh bán sỉ. Tất nhiên là người nước ngoài mừng như điên khi nghe tin này. Còn thái độ của người Trung Quốc thì mỗi người mỗi vẻ: người mừng rỡ, người bình tĩnh, người lo lắng.
Cuộc chiến thương mại trong phạm vi một quốc gia giờ đã được thăng cấp thành “cuộc tranh giành đai vô địch quốc tế”. Không lâu sau khi các công ty siêu thị như Hoa Liên, Liên Hoa đến đóng đô ở Nam Kinh, Bắc Kinh, Thượng Hải thì các công ty siêu thị nổi tiếng của thế giới như Carrefour, Metro cũng nhảy vào giành thị trường. Trung tâm thương mại Carrefour tại Nam Kinh với diện tích 8000m2 là một đòn công kích mạnh vào các siêu thị hiện có. Siêu thị bán sỉ Metro vừa mở cửa đã thu hút ngay số đông các nhà bán sỉ tại khu vực bắc Trường Giang và tỉnh An Huy. Thị trường kinh doanh siêu thị là một cuộc đại chiến thế giới với nhiều thủ đoạn cạnh tranh bất ngờ.
Như một quy luật, “mạnh được yếu thua”. Rất nhiều siêu thị bản địa yếu thế tại Nam Kinh mới có chút ít tiếng tăm đã phải lui ra phía sau cánh gà sân khấu. Một trung tâm thương mại mới khai trương chưa đầy một năm tại Nam Kinh phải đình chỉ kinh doanh do bị lỗ nặng.
Trong một tương lai không xa, tại Trung Hoa đại lục sẽ xuất hiện hàng ngàn siêu thị quy mô lớn như Carrefour và Metro. Bởi vì khai thác thị trường bán lẻ của Trung Quốc là một hoài bão mà các thương nhân nước ngoài luôn ấp ủ. Cơ sở vật chất, phương thức kinh doanh, kỹ thuật quản lý, thái độ phục vụ, nhãn hiệu sản phẩm, bao bì chất lượng hàng hóa… cái gì của họ cũng vượt xa các DN nội địa.
“Sư phụ nước ngoài” dạy học trò Trung Quốc bài học gì?
Các thương gia nước ngoài tấn công vào thị trường bán lẻ Trung Quốc bằng chiêu bài “giá rẻ”. Khi vừa bước vào Trung Quốc, họ đã không ngần ngại tuyên bố: “Sẵn sàng lỗ vốn trong vòng 3 đến 5 năm để chiếm lấy thị trường”. Kiểu phát biểu đó đầy hơi hám của kẻ có tiền. Nhưng thực ra không hoàn toàn như vậy. Đã từ lâu rồi giới bán lẻ ở Trung Quốc không có ý thức mạo hiểm, các DN quy mô vừa và lớn đa số điều là đại lý cho các nhà cung cấp hàng hóa. Họ chỉ biết bán hết hàng và quyết toán, mọi rủi ro đổ lên đầu bên cung cấp hàng. Còn Carrefour hay Metro không làm như vậy, họ kinh doanh theo kiểu “mua đứt bán đoạn”, rủi ro về hàng hóa họ sẽ tự gánh chịu. Vì thế các nhà cung cấp bán hàng hóa cho họ với giá rẻ là chuyện hợp tình hợp lý.
Hiện tại, các thương gia nước ngoài chỉ mới chiếm lĩnh 0,5% tổng doanh số bán lẻ tại Trung Quốc. Nhưng các DN bản địa cần phải cảnh giác, vì họ có nguồn vốn hùng hậu và đủ sức kiên nhẫn để vạch ra những chiến lược giành lấy thị trường trên tay người Trung Quốc.
“Thím hai mậu dịch” gạt lệ ra đi!
“Khiêu vũ với sói” là một cuộc chạy đua đường trường không thể mang trên mình quá nhiều hành lý không cần thiết. Hàng loạt chị ba, thím hai trong ngành thương nghiệp phải nuốt lệ rời quầy hàng ra đi. Thời đại lãi ít mà, không thể không dùng đến hạ sách này!
Ở Hàng Châu, bi kịch này diễn ra hàng ngày. Một DN thương mại nọ với 700 nhân viên. Tỷ lệ nhân viên kinh doanh trên tỷ lệ phi kinh doanh là 1:2, mọi người hay nói đùa là một kéo hai. Ban Giám đốc đã quyết định cắt giảm hơn 200 nhân viên phi kinh doanh. Làm như vậy mỗi năm công ty tiết kiệm được gần 2 triệu nhân dân tệ. Quả là một quyết định quá ác độc, độc như sói. Số nhân viên bị cắt giảm rồi sẽ đi về đâu? Không có ai nghiên cứu cặn kẽ. Trong những lúc nâng ly, chén thù chén tạc chỉ nghe người ta nói đến việc tìm cách “giảm nhân viên tăng hiệu quả” mà thôi.
Người ở lại cũng không có gì đảm bảo chắc chắn. Cạnh tranh trên thương trường đã hình thành nên cơ chế cạnh tranh nội bộ nhân viên. Công ty sẽ công bố danh sách những nhân viên xuất sắc và nhân viên hạng kém. Người liên tục nằm ở cuối bảng thì nên tự cởi bỏ đồng phục ra đi. Cơ chế này buộc người lao động suốt ngày phải cạnh tranh vì sự sinh tồn, chỉ có các ông chủ là kẻ ngồi trong bóng tối mỉm cười.
Mậu dịch viên đã mất đi cái vẻ oai phong ngày nào. Lưng cứ cúi liên tục, miệng không ngớt nói “Hoan nghênh vào xem hàng!” khách hàng vẫn cứ bỏ đi. Xem ra để móc được tiền trong túi “thượng đế” không thể chỉ cười tươi là được. Người bán hàng đòi hỏi phải được đào tạo, có đẳng cấp, có kiến thức. Đa số khách hàng khi lựa chọn hàng hóa đều phân vân do dự, nguyên nhân chính là họ không rành về các đặc tính chuyên môn của hàng hóa. Nếu được mậu dịch viên làm tham mưu, giải thích rõ ưu nhược điểm thì khách hàng tự nhiên có thêm lòng tin vào sản phẩm. Từ đó đội ngũ mậu dịch viên sẽ là “nhãn hiệu vàng” của DN.
Tình hình của ngành lưu thông phân phối Trung Quốc trong thế kỷ mới có còn lạc quan không?
Triển vọng vẫn sáng sủa, tràn đầy tự tin. Theo các nguồn tin chính thức, mức độ thị trường hóa ngành lưu thông phân phối của Trung Quốc đã đạt khoảng 60%, thuộc vào giai đoạn trung kỳ của xã hội hóa và hiện đại hóa. Mặc dù sau khi gia nhập WTO tất cả các khâu trong lĩnh vực lưu thông phân phối từ ngoại thương, bán sỉ, bán lẻ, vận tải… đều phải mở cửa, tạo ra một sự thay đổi mang tính cách mạng trong ngành dịch vụ thương nghiệp, nhưng sau khi “rửa” lại bảng hiệu, Trung Quốc sẽ hoàn thành việc hiện đại hóa toàn diện ngành thương nghiệp ngang tầm với trình độ thế giới.
Các ban ngành chức năng cho biết 10 – 20 năm sắp tới là thời kỳ tăng tốc của ngành thương nghiệp Trung Quốc. Trung Quốc sẽ dần dần hình thành khung lưu thông phân phối hàng hóa mang màu sắc Trung Quốc. Rồi đây ngành thương nghiệp sẽ là một trong những ngành chủ lực thúc đẩy kinh tế Trung Quốc phát triển.
Mục tiêu chiến lược phát triển ngành thương nghiệp trong thế kỷ XXI là: Xây dựng và hoàn thiện mô hình lưu thông phân phối sản phẩm nông nghiệp chế biến và sản phẩm công nghiệp nhằm thích ứng với nhu cầu của kinh tế thị trường, đặc biệt nhu cầu của “thị trường người mua”; sắp xếp lại các DN lưu thông phân phối thuộc sở hữu nhà nước, phát triển các tập đoàn bao quát nhiều ngành, nhiều khu vực, nhiều cơ chế; xóa bỏ triệt để cục diện ngăn cách nội địa và nước ngoài, tận dụng hai nguồn lực, hai thị trường bên trong và bên ngoài nhằm phục vụ cho công cuộc xây dựng kinh tế của Trung Quốc.
(Còn tiếp)
Nguồn: WTO và cuộc mưu sinh của người Trung Quốc (Tác giả: Thôi Lệ Kim)