Vào WTO lao động ngành nào sẽ bị sắp xếp lại?
“Rất có khả năng, chỉ trong vòng một đêm một công việc cứ ngỡ đầy triển vọng bỗng chốc trở nên chẳng còn giá trị”.
Tiếng còi tổng động viên toàn Trung Quốc gia nhập WTO đã được thổi. Các DN thuộc ngành “công nghiệp non trẻ”, “những chàng khổng lồ lười nhác” vốn quen được chiều chuộng, che chở, bảo hộ giờ đây phải tự chui ra cái vỏ ốc ấm áp để đối chọi với các công ty đa quốc gia. Những DN bảo thủ, cam chịu số phận thì cái ngày bị “knock out” sẽ không còn xa.
Với mức thuế xuất nhập khẩu 10.4%, Trung Quốc gần hoàn thành xong giao ước ký với WTO khi gia nhập tổ chức này. |
Cách đây không lâu, Trung tâm nghiên cứu phát triển của Quốc vụ viện Trung Quốc có tiến hành phân tích định lượng các tác động của việc gia nhập WTO đối với Trung Quốc. Kết quả cho thấy, ngoài các ngành thâm dụng nhiều lao động như dệt, may… là những ngành được lợi, ngành nông nghiệp và các ngành thâm dụng tư bản được sự bảo hộ cao như xa hơi, máy móc thiết bị… đều phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt.
Hậu quả đi kèm là lao động trong các ngành thâm dụng tư bản phải chịu ảnh hưởng. Chuyển dịch cơ cấu lao động sẽ là một xu hướng tất yếu trong tương lai. Trước năm 2010 sẽ có khoảng 9,6 triệu nông dân chuyển sang làm việc trong các ngành khác, ngành công nghiệp chế tạo xe hơi sẽ cắt giảm 12% lao động và trong khi ngành dệt may lại cần thêm 5,4 triệu lao động.
Có thể khẳng định một điều, vào thời khắc then chốt quyết định đến sự sinh tồn này, những ai không có chí tiến thủ, bàng quan với thời cuộc cũng đồng nghĩa với những người sắp mất việc. Nói một cách bóng bẩy hơn, họ sẽ là những “hình ảnh của quá khứ” được minh họa trong quyển sách trưng bày trong kệ sách của thế hệ sau này.
Tương lai của ngành ngân hàng
Từ trước đến nay nhân viên ngành ngân hàng luôn được mọi người ngưỡng mộ. Nhân viên ngân hàng đứng sau quầy phục vụ luôn mang vẻ mặt ngạo nghễ. Suốt ngày làm việc với đống tiền nên thu nhập đương nhiên không nhỏ. Nếu chịu để ý một chút, ta có thể nhận thấy ở các thành thị, chẳng nơi nào có trụ sở làm việc oai như ngân hàng! Ở nông thôn, trụ sở các quỹ tín dụng cũng luôn nổi bật hơn các công trình kiến trúc khác.
Căn cứ “Hiệp định về mậu dịch dịch vụ tiền tệ toàn cầu” của WTO năm 1997, các nước thành viên vào thời điểm thích hợp phải mở cửa hoàn toàn thị trường tiền tệ. Rồi đây các ngân hàng nước ngoài với tờ “giấy thông hành màu xanh” sẽ đường đường chính chính bước chân vào Trung Quốc.
Lịch trình mở cửa thị trường tiền tệ của Trung Quốc diễn ra như sau:
Trong vòng 2 năm sau khi gia nhập WTO, các ngân hàng nước ngoài có thể phát triển các nghiệp vụ tiền nhân dân tệ đối với các DN tại một số khu vực của Trung Quốc.
5 năm sau khi gia nhập WTO, các ngân hàng nước ngoài có thể phát triển các nghiệp vụ ngân hàng phục vụ tiêu dùng cá nhân. Đến thời điểm đó, ngân hàng nước ngoài và các ngân hàng nội địa đều được đãi ngộ như nhau.
So với các ngân hàng trong nước, các ngân hàng nước ngoài có ưu thế cạnh tranh hơn hẳn. American Corporation là một ví dụ điển hình. Tổng tài sản của tập đoàn này là 700 tỷ USD, bằng với tổng tài sản của bốn ngân hàng thương mại lớn nhất Trung Quốc gộp lại. Không những quy mô tài sản của tập đoàn này lớn mà chất lượng tài sản cũng rất cao. Tỷ lệ tài sản kém chất lượng của Ngân hàng thương mại Hoa Kỳ là 0,67%, trong khi đó ở các ngân hàng Trung Quốc có muốn giấu ém như thế nào đi nữa thì tỷ lệ này cũng cao hơn 10 lần. Ngoài ra các ngân hàng nước ngoài với nhiều năm hoạt động theo tập quán quốc tế, kinh nghiệm của họ thuộc loại lão làng. Ngược lại các ngân hàng Trung Quốc vốn nằm dưới sự điều khiển của các cấp chính quyền nên rồi đây phải ra sức nỗ lực mới mong tìm được chỗ đứng.
Điều rất đáng lo ngại là Trung Quốc dường như chưa thật sự chuẩn bị đủ tâm lý và dư luận để mở cửa thị trường tiền tệ. Đến tận bây giờ không ít các đơn vị kinh doanh tiền tệ vẫn bưng bít sự thật đơn vị mình có bao nhiêu tài sản kém chất lượng. Họ coi đó là một bãi mìn mà không cá nhân nào dám vượt qua.
Cắt giảm biên chế trong ngành ngân hàng là xu thế tất yếu.
Theo đà phát triển của công nghệ thông tin, các hình thức “Ngân hàng qua điện thoại”, “Ngân hàng trên mạng”, “Ngân hàng tự động 24/24” đã bắt đầu xuất hiện. Về sau này ngân hàng sẽ không cần nhân viên ngồi đếm ngân phiếu hay tiền mặt nữa. Các kiểu ngân hàng truyền thống sẽ phải tan rã, hệ thống chi nhánh phải được thu gọn lại. Hàng loạt nhân viên ngân hàng sẽ tuột mất “nồi cơm vàng”. Chỉ một số người còn được giữ lại trong ngành ngân hàng. Theo nhà kinh tế học Chung Bằng Vinh dự tính, sẽ có khoảng 2 triệu nhân viên ngành ngân hàng mất việc, tiến trình cắt giảm sẽ kéo dài không quá 8 năm.
Không chỉ riêng gì Trung Quốc mà các nước khác cũng vậy. Một ngân hàng trên mạng của Hoa Kỳ, năm 1999 lượng tiền gửi đạt đến 1,5 tỷ USD mà chỉ cần 10 nhân viên. Một báo cáo nghiên cứu về kế hoạch làm ăn của 40 ngân hàng hàng đầu thế giới cho thấy, trong vòng 10 năm sắp tới số nhân viên hoạt động trong ngành ngân hàng sẽ giảm đi một nữa.
Gần đây chúng ta đã bắt đầu thấy những cảnh tượng sau:
Các tờ áp phích quảng cáo đại loại như “Ngân hàng của bạn” đã xuất hiện nhan nhản trên các đường phố của các khu đô thị.
Nhân viên tín dụng không thu hồi được nợ vay, lương tháng bị giữ lại.
Trong phòng làm việc của Giám đốc các DN làm ăn có hiệu quả, ngồi chật ních các đại diện của ngân hàng. Họ thành khẩn van nài các DN hãy vay tiền của họ!!!
Và rồi đây là cảnh tượng sẽ bắt gặp trong tương lai:
Nhân viên các ngân hàng Trung Quốc lần lượt rời nhiệm sở.
Các thói xấu trong cơ chế làm việc, hiện tượng người đông hơn việc của “tứ đại ngân hàng” thương nghiệp thuộc sở hữu Nhà nước là Ngân hàng Công nghiệp, Ngân hàng Nông nghiệp, Ngân hàng Xây dựng và Ngân hàng Trung Quốc ai cũng đều biết. Nếu các ngân hàng nước ngoài nhảy vào Trung Quốc, cơ cấu tổ chức và quy mô hiện có của bốn ngân hàng này không thể không bị thu hẹp. Việc sa thải nhân viên là khó tránh khỏi.
Chảy máu chất xám là “chuyện cơm bữa”
Ngân hàng nước ngoài với nhiều ưu thế: phúc lợi và đãi ngộ cao, cơ chế đào tạo tốt, cách quản lý nhân sự khoa học và bình đẳng… sẽ thu hút nhiều nhân lực, cán bộ quản lý ưu tú từ ngân hàng trong nước sang đầu quân cho họ.
Cách đây không lâu, tác giả có đến một ngân hàng được phong là “Đơn vị đi đầu trong ngành tiền tệ toàn quốc” ở Hàng Châu để làm phỏng vấn. Khi được hỏi tại sao ngân hàng mình đạt được những thành tích như vậy, vị Giám đốc trẻ tuổi trả lời: “Đó là nhờ thực hiện tốt văn minh tinh thần!”. Anh ta nêu ra hàng loạt ví dụ về việc xây dựng văn minh tinh thần để dẫn chứng. Tuy nhiên, khi tác giả đặt ra câu hỏi: “Giả định rằng có một ngân hàng nước ngoài đến đóng trụ sở tại Hàng Châu, dùng chính sách lương cao để thu hút nhân tài của Ngân hàng Anh, văn minh tinh thần liệu có lôi kéo nổi họ không?” Vị Giám đốc ú ớ không thể trả lời.
Nhân tài bỏ đi hết, các khách hàng uy tín bị người khác giành mất. Ngân hàng nội địa còn lại gì ngoài tấm bảng chữ vàng “Uy tín và vinh dự quốc gia?”
(Còn tiếp)
Nguồn: WTO và cuộc mưu sinh của người Trung Quốc (Tác giả: Thôi Lệ Kim)