,
221
1561
Đường vào WTO
wto
/wto/
858230
"Cơ hội và thách thức của cả dân tộc đã đến"
1
Article
null
,

'Cơ hội và thách thức của cả dân tộc đã đến'

Cập nhật lúc 19:26, Chủ Nhật, 29/10/2006 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Trở về đến Hà Nội vào 6 giờ sáng 29/10, sau khi kết thúc phiên đàm phán cuối cùng gia nhập WTO. Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển đã vui mừng khẳng định: đàm phán đã kết thúc, toàn bộ văn kiện gia nhập WTO của Việt Nam đã được thông qua, kịch bản kết nạp Việt Nam làm thành viên WTO đang được chuẩn bị. Vấn đề quan trọng nhất bây giờ là chuẩn bị để tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức, đảm bảo phát triển bền vững khi gia nhập WTO.

 

Soạn: HA 939449 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Ông Trương Đình Tuyển trả lời báo chí khi vừa về nước.

Trao đổi với báo chí ngay tại sân bay, Bộ trưởng Trương Đình Tuyển cho biết, kịch bản lễ kết nạp Việt Nam làm thành viên WTO vào 7/11 đang được chuẩn bị. Tại đây, ban thư ký sẽ báo cáo lại quá trình đàm phán của VN cho Đại hội đồng, sau đó Đại hội đồng sẽ cho ý kiến biểu quyết thông qua. Sẽ có một lễ ký kết và sau đó họp báo giữa ông trưởng đoàn Việt Nam và Tổng giám đốc WTO…

 

- Từ đây đến 7/11 không còn nhiều thời gian, Bộ Trưởng có thể cho biết, công tác chuẩn bị sắp tới của chúng ta cần phải làm những gì?

 

- Điều quan trọng trong công tác chuẩn bị tiếp theo là Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ ngành làm làm tờ trình để báo cáo với Chủ tịch nước. Chủ tịch nước sẽ báo cáo với Quốc hội để xem xét toàn bộ văn kiện gia nhập.

 

Văn kiện này đề cập đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội của Việt Nam, bởi vậy, chúng ta phải chuẩn bị thích ứng với bối cảnh mới. Báo cáo đang chuẩn bị và sẽ nêu đầy đủ tất cả cái gì là cơ hội mà chúng ta có được khi là thành viên và cũng làm rõ những thách thức để nhận biết và vượt qua. Công việc chuẩn bị sắp tới sẽ rất khẩn trương, chúng tôi sẽ đã làm và tiếp tục làm công việc này trong những ngày tới.

 

Gia nhập WTO là sự kiện lớn của cả dân tộc. Vào cuối năm, Chính phủ sẽ báo cáo tại Hội nghị TW 4 về việc gia nhập WTO những cơ hội và thách thức để từ đó đưa ra một số quyết sách mới bảo đảm cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước khi là thành viên WTO.

 

- Bộ trưởng có thể cho biết thời điểm cụ thể công bố toàn văn những cam kết WTO?

 

- Công bố nội dung cam kết bây giờ là một nhiệm vụ phải làm, chắc chắn là trong tháng 11 tới đây sẽ công bố toàn văn. Toàn bộ tài liệu bằng tiếng Anh bộ phận chuyên môn phải có thời gian để chuyển ra tiếng Việt, tất các tài liệu đều rất dày vì vậy, vấn đề bây giờ không phải là thời gian mà là cách thức công bố. Báo cáo của Ban công tác đã dài mấy trăm trang, hoặc là cam kết về hàng hoá và dịch vụ dài khoảng 500 trang... như vậy phải công bố thế nào để mọi người có thể hiểu được. Tất nhiên là công bố trên mạng nhưng có những vấn đề cơ bản, mấu chốt sẽ phải công bố bằng văn bản, vì không phải lúc nào và ở đâu cũng có mạng.

 

- Tại phiên trước, hầu hết mọi nội dung đã kết thúc, vậy nội dung chủ yếu của vòng đàm phán đa phương cuối tập trung vấn đề gì thưa bộ trưởng?

 

- Vì mọi nội dung đã hoàn tất từ phiên trước nên thực tế vòng đàm phán này không có gì quá phức tạp. Trong phiên họp cuối cùng chỉ có một số đề xuất sửa chữa các ngôn từ do một số đối tác đàm phán đưa ra, mà những ngôn từ đó không hề làm thay đổi nội dung đàm phán lâu nay nên Đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam đã chấp nhận.

 

Tuy vây, không thể chủ quan coi đây là hình thức, tôi đã có mặt tại phiên cuối cùng này và Đoàn đàm phán Việt Nam vẫn chuẩn bị kỹ và rất thận trọng với hai lý do vì, thứ nhất, vào thời điểm cuối của quá trình đàm phán kéo dài 11 năm,  một số đối tác đàm phán có thể lợi dụng tâm lý của nước xin gia nhập nhằm đặt ra những yêu cầu mới, thì tôi đã có mặt để cùng với Đoàn đàm phán để xử lý. Hơn nữa, ở phiên khai mạc khi Việt Nam chính thức đàm phán gia nhập WTO cách đây 9 năm tôi đã có một bài phát biểu nên tại phiên cuối cùng này tôi cũng đã chuẩn bị để có một bài phát biểu kết thúc.

 

- Đã kết thúc đàm phán, Bộ trưởng có thể tiết lộ những vấn đề hậu trường đàm phán như: đâu là đối tác khó khăn nhất. Và 11 năm đàm phán của Việt Nam là nhanh hay chậm?

 

- Thực tế, mỗi đối tác đàm phán đều có yêu cầu riêng, với mục đích tìm cơ hội để doanh nghiệp và hàng hoá của họ xâm nhập vào thị trường chúng ta. Thường thì các đối tác đàm phán căn cứ vào thế mạnh của họ và đòi hỏi chúng ta mở cửa thị trường cho thế mạnh đó. Thường thì những nền kinh tế mạnh và có quan lệ giao thương lớn hay đòi hỏi cao như Trung Quốc, EU, Nhật Bản và nhất là Hoa Kỳ…

 

Khi đàm phán với EU, tôi có 3 đêm liền không ngủ, đàm phán với Hoa Kỳ cũng vậy và với đối tác này, đã nhiều lần tôi đứng dậy bỏ ra khỏi bàn đàm phán. Đây không hẳn là chiến thuật đàm phán, mà trong tư duy của tôi lúc đó là tôi phản ứng thực sự trước những đòi hỏi không thể chấp nhận được.

 

Chúng ta nên biết rằng, đàm phán gia nhập WTO có đặc thù riêng, là đàm phán một chiều và chúng ta phải đáp ứng. WTO có quy định là thuế ở mức này và mình phải đáp ứng nếu muốn vào. Người ta đòi hỏi mình chứ mình không có quyền đòi hỏi. Nhìn chung càng gia nhập WTO muộn thì đòi hỏi càng nhiều hơn và chuẩn gia nhập cũng cao hơn. Tuy nhiên, 11 năm đàm phán của VN là bình thường, nước láng giềng Trung Quốc đàm phán mất 14 năm, nước Nga đàm phán 13 năm chưa xong…

 

Như tôi đã có lần ví việc vào WTO như cưới vợ, lấy sớm thì có thể tìm hiểu nhau chưa kỹ, lấy muộn thì tuổi cao rồi. Tôi cũng đã nói bên lề với các quan chức WTO: Chúng tôi nghĩ đến thời điểm này chúng tôi lấy vợ đúng thời điểm.

 

- 11 năm đàm phán đã kết thúc, việc gia nhập WTO trong năm 2006 đã hoàn thành như dự kiến. Thời điểm này, Bộ trưởng có suy nghĩ gì về quá trình đàm phán vừa qua?

 

- Kể từ khi VN nộp đơn xin gia nhập WTO vào tháng 1/1995 đến nay 11 năm, nhưng quá trình đàm phán chính thức bắt đầu khi chúng ta trình bị vong lục về chính sách kinh tế thương mại, bao gồm chính sách thương mại, giá cả, xuất nhập khẩu, đầu tư, đất đai, lao động...

 

Sau khi Ban công tác về việc VN gia nhập WTO được thành lập và các thành viên WTO đọc và lưu chuyển bị vong lục của Việt Nam, các nước mới bắt đầu đặt ra các câu hỏi. Lần đầu tiên, tôi nhớ có hơn 2000 câu hỏi đã được gửi đến, lúc bấy giờ tôi cũng bắt đầu làm Bộ trưởng Thương mại. Các câu hỏi được chuyển cho các bộ, ngành trả lời theo lĩnh vực chuyên môn.

 

Bộ trưởng Thương mại được Chính phủ giao xem xét, ký duyệt vào phần trả lời trước khi gửi đến WTO. Việt Nam đã có phiên họp đầu tiên với Ban công tác cách đây đúng 8 năm, 2 tháng, 26 ngày. Quá trình đàm phán kéo dài, có nhiều phiên diễn ra căng thẳng, đặc biệt là trong đàm phán song phương với những đối tác lớn, còn đàm phán đa phương căng thẳng nhất là ở phiên “áp chót” lần trước, tại phiên này chúng ta phải giải quyết tất cả những vấn đề còn lại.

 

Quá trình đàm phán lâu dài và khó khăn đã thể hiện nỗ lực của VN không chỉ ở trên bàn đàm phán mà còn ở nỗ lực cải cách thể chế kinh tế. Gia nhập WTO chỉ là tấm giấy chứng nhận cho quá trình cải cách của chúng ta và thế giới đã công nhận điều này khi kết thúc đàm phán với Việt Nam.

 

Có thể nói các bộ ngành đã soạn thảo nhiều văn bản pháp luật. Quốc hội làm việc khẩn trương để thông qua và sửa đổi những luật bảo đảm đưa nền kinh tế chúng ta hoạt động theo kinh tế thị trường. Quan điểm của chúng ta là cải cách trong nước để hội nhập với bên ngoài, không lấy hội nhập bên ngoài đề thúc đẩy cải cách trong nước. Đương nhiên khi hội nhập với bên ngoài cũng đặt ra những yêu cầu cần nhìn lại để cải cách trong nước một cách hoàn thiện. Nói chúng ta chủ động hội nhập chính là chỗ đấy.

 

Đến nay, tiến trình cải cách của chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu có ý nghĩa lịch sử. Bây giờ chúng ta phấn khởi không  hẳn vì Việt Nam sắp thành thành viên WTO mà phấn khởi chủ yếu là vì tiến trình đổi mới của chúng ta được thế giới công nhận thông qua việc kết thúc đàm phán.

 

- Thưa bộ trưởng, vấn đề “nóng” nhất bây giờ là Mỹ trao PNTR cho Việt Nam, Bộ trưởng có thể nói thêm gì về vấn đề này?

 

- Tôi tin là trước sau gì Hoa Kỳ cũng sẽ thông qua PNTR cho VN, vì đó là quyền lợi của chính họ chứ không chỉ có quyền lợi của VN trong đó.

 

Trước mắt, khi Hoa Kỳ chưa trao PNTR cho VN thì về mặt kinh tế có thể VN chưa được hưởng những lợi ích trực tiếp từ việc bãi bỏ quota dệt may vào thị trường Mỹ, nhưng ngược lại Mỹ cũng không được hưởng những quyền lợi từ cam kết gia nhập WTO của VN.

 

Theo tôi, quyền lợi của Mỹ là lớn hơn chúng ta, nói riêng về mặt chính trị, động thái trao PNTR cho Việt Nam sẽ nâng quan hệ hai nước lên tầm cao mới, đánh dấu bước hoàn toàn bình thường hoá quan hệ giữa hai nước… Về “mốc” thời gian cụ thể thì tôi không dám khẳng định, vì nội bộ Mỹ sẽ còn thuyết phục nhau…

  • Phước Hà

,
,