Hội thảo về... Phở
08:52' 01/12/2002 (GMT+7)
Người nước ngoài và người Việt
cùng thưởng thức phở
''Nếu bạn đến Hà Nội mà chưa ăn phở thì coi như bạn chưa biết Hà Nội. Tôi yêu phở theo cách của tôi. Đó là một trong những lÿ do níu chân tôi lại Việt Nam14 năm qua...''. Đó là tâm sự của ông Didier Corlou, Bếp trưởng khách sạn Sofitel Metropole. Có lẽ cũng với tình yêu đặc biệt ấy mà những người Pháp yêu phở ở Hà Nội đã ''lôi kéo'' được ngài Đại sứ phái đoàn châu Âu Frederic Baron vào cuộc hội thảo ''Patrimoine du VN: Le Phở''.

Hội thảo ''Patrimoine du VN: Le Phở'' (tạm dịch Phở - di sản của Việt Nam) do Văn phòng phái đoàn Uỷ ban châu Âu đứng ra tổ chức với sự tham dự của nhiều nhà văn hóa, nhà thơ, nhà nghiên cứu ẩm thực Việt Nam và cả những người nước ngoài yêu phở Việt Nam.

Món ăn truyền thống, quen thuộc hàng ngày của người Việt Nam có mặt ở khắp các đường phố, ngõ ngách bỗng một ngày bước chân vào khách sạn Metropole trong niềm tôn vinh của những người nước ngoài. Ngài Đại sứ Frederic Baron tâm sự: ''ÿ tưởng một cuộc hội thảo về phở đã có từ năm ngoái. Chúng tôi đã chuẩn bị hơn một năm để gánh phở và cuộc hội thảo này ra đời''. Bởi cuộc hội thảo ấy không chỉ nói về phở mà còn tưởng tượng lại món ngon mà người Việt Nam vẫn dùng hàng ngày. 

Một gánh phở được phục chế lại theo hình dáng gánh phở đầu thế kỷ 20 được Didier Corlou cùng các đầu bếp dựng lại và họ nấu hai gánh phở theo đúng những tiêu chuẩn về nước dùng trong, thịt bò chín, bánh thái tay, không mì chính...mà Nguyễn Tuân, Thạch Lam xưa thường nhắc đến, rồi bê tận tay mới thực khách tham dự.

Tại hội thảo, nhà báo Frank Renaud, giảng viên, đại diện Trường đại học báo chí Lille tại châu á cho hay: ''Tôi tìm khắp tài liệu ở Viện Viễn đông Bác cổ mà không tìm ra nguồn gốc của phở''.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Rao, Chủ tịch Câu lạc bộ ẩm thực UNESCO Việt Nam, người đã bỏ nhiều công đi tìm nguồn gốc những gánh phở cổ cho rằng: Phở xuất hiện từ đầu thế kỷ 20, ra đời cùng với sự xuất hiện Nhà máy Dệt Nam Định - lớn nhất Đông Dương hồi đó. Các thị dân trẻ thành phố dệt sáng tạo ra phở để thay thế các loại cháo, bún dân dã. Nó thêm thịt bò để phục vụ một số thực khách người Pháp ở nhà máy dệt cho hợp khẩu vị hơn. Chưa có bằng chứng nào về lai lịch thứ phở mà ông Rao kể, ông chỉ dám nhận rằng đó là ''sưu tầm điền dã''. 

Một bản đồ các hàng phở ngon ở Hà Nội đã được Corlou và các cộng sự ở phái đoàn châu Âu phát đến tay nhiều người nước ngoài. Được biết, đầu năm 2003, cuốn sahc song ngữ Pháp - Việt về phở được EU phát hành. 

Tại hội thảo, nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam bày tỏ mong muốn muốn đề nghị UNESCO công nhận phở là văn hoá phi vật thể Việt Nam.

(Theo Tuổi Trẻ)

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi