Do chi phí nhiên liệu tăng cao, cùng với sự suy yếu của ngành hàng không thế giới, đã buộc 2 hãng hàng không hàng đầu ở Mỹ là US Airways và United Airlines tiến hành cải tổ sâu rộng, cắt giảm hàng trăm triệu USD chi phí và sa thải nhân viên.
Từ hãng phá sản US Airways...
Hãng hàng không phá sản US Airways, hôm qua (22/10) tuyên bố, họ sẽ cắt giảm chi phí khoảng 1,6 tỷ USD/năm, cao hơn gần 400 triệu USD so với dự đoán, nhằm đưa công ty thoát khỏi tình trạng thua lỗ.
Năm ngoái, US Airways đạt doanh thu 8,3 tỷ USD, nhưng thua lỗ tới 2,1 tỷ USD. Luật sư của US Airways, ông John W. Butler Jr. khẳng định với các chủ nợ rằng thân chủ của ông đã tiết kiệm được 1,3 tỷ USD/năm, chủ yếu thông qua cắt giảm lương công nhân.
Theo kế hoạch, US Airways sẽ hạ phí cho thuê máy bay nhằm thu hút các hãng hàng không khác thuê máy bay của hãng này. ''Việc đệ đơn xin bảo lãnh phá sản hồi tháng 8 đã làm cho chi phí cho thuê máy bay của hãng giảm đi đáng kể'', US Airways tuyên bố.
Theo Phát ngôn viên US Airways David Castelveter, hãng hàng không lớn thứ 7 ở Mỹ này có 35.410 nhân viên và đang vận hành 279 máy bay. Tuy nhiên, có thể hãng sẽ tiếp tục sa thải nhân viên và giảm số máy bay vận hành, nếu tình hình kinh doanh tiếp tục xuống dốc.
...đến triển vọng ảm đạm của United Airlines
Cũng trong ngày 22/10, United Airlines, hãng hàng không lớn thứ 2 ở Mỹ tuyên bố, họ sẽ chuyển giao một số tuyến bay hợp đồng cho các hãng hàng không khác, đóng cửa 3 trung tâm bán vé, và cắt giảm 1.250 nhân viên.
Với các chương trình này, United Airlines hy vọng sẽ tiết kiệm được 100 triệu USD/năm. Theo bản báo cáo doanh thu quÿ III/2002, United Airlines đã bị lỗ khoảng 889 triệu USD, và hiện mất thêm 7 triệu USD mỗi ngày.
''United Airlines phải thực hiện chương trình cắt giảm chi phí trong bối cảnh môi trường kinh doanh yếu kém'', Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc United Airlines, ông Glenn Tilton, tuyên bố: ''Cũng giống như nhiều hãng hàng không khác, chúng tôi cần đảm bảo rằng nguồn cung phải phù hợp với cầu''.
Từ quÿ IV năm nay đến đầu năm 2003, United Airlines sẽ đóng cửa một trong 3 dây chuyền bảo dưỡng máy bay Boeing 757 tại trung tâm bảo dưỡng Indianapolis, giảm số lượng máy bay hoạt động ở 5 sân bay ở 3 Bang Oregon, Iowa, và New York, đóng cửa các văn phòng bán vé ở San Francisco, Long Beach, California, Indianapolis và Indiana.
Giá nhiên liệu đắt đỏ
Theo US Airways, phí mua nhiên liệu là chi phí lớn thứ hai của hãng, sau lương cho nhân viên. Ước tính chi phí mua nhiện liệu chiếm khoảng 10-15% chi phí hàng năm.
Những chi phí này đang tăng nhanh trong vài tháng gần đây. Theo Hiệp hội hàng không Mỹ, giá xăng máy bay đã tăng 19% trong 8 tháng đầu năm 2002. Bên cạnh đó, ngành hàng không Mỹ vẫn chưa hồi phục sau sự kiện khủng bố ngày 11/9.
(Anh Đức - Theo AP, AFP)