Tình thế khó khăn của Tổng thống Palestine Arafat
07:00' 04/07/2002 (GMT+7)
Áp lực đang đè nặng lên ông Arafat

Hai trong số các quan chức an ninh quyền lực nhất của Palestine bị cách chức hôm thứ ba (2/7) vừa tuyên bố chống lại quyết định của Tổng thống Arafat và không chịu rời nhiệm sở. Cùng với các cuộc biểu tình phản đối chính quyền diễn ra vào đầu tuần, động thái này thách thức nỗ lực đổi mới bộ máy nhà nước mà ông Arafat đang tiến hành, đồng thời tạo ra tiền lệ không hay trong công tác điều hành của chính phủ.

“Tôi sẽ không rời bỏ vị trí của mình và đây là thông điệp của tôi cho ông Arafat,” Jibril Rajoub, Đội trưởng Đội an ninh phòng vệ Bờ Tây khẳng định với báo giới hôm qua (3/7).

Ông Rajoub sau đó lại bác bỏ thông tin cho rằng ông bị cách chức. Thông tin này, theo ông, nhằm bôi nhọ bản thân ông và lực lượng do ông quản lÿ vốn được lập nên để ngăn chặn các cuộc tấn công của các chiến binh người Palestine chống lại Israel.

Rắc rối hơn, Chính quyền Palestine đã không có quyết định cách chức bằng văn bản mà chỉ thông báo miệng.

Người thứ hai cùng bị cách chức và cùng có phản ứng giống với ông Ralloub là Ghazi Jabali, Trưởng công an thành phố Gaza. Ông này cũng tuyên bố sẽ không rời bỏ quyền lực và quả quyết thông tin về việc cách chức chỉ là đồn đại mà thôi.

Mahmoud Abu Marzuk, quan chức của Bộ Quốc phòng Palestine, là người thứ ba buộc phải rời nhiệm sở. Cho đến nay vẫn chưa có thông tin gì về phản ứng của ông này và liệu ông ta có chống đối hay không.

Nhằm giành được niềm tin và ủng hộ của cộng đồng quốc tế, Tổng thống Palestine Arafat kiên quyết thực hiện cam kết đổi mới, mà bước đi đầu tiên là chương trình 100 ngày cải cách thực hiện trong lĩnh vực an ninh, tư pháp và tài chính.

Trước đó, trong bài phát biểu tuần trước, Tổng thống Mỹ Bush tuyên bố rằng sẽ không có chuyện thành lập Nhà nước Palestine nếu như không có những cải tổ trong Chính quyền Palestine. Washington cũng công khai rằng họ sẽ không làm việc với ông Arafat và mức độ ủng hộ đối với Palestine tuỳ thuộc vào việc bầu ra một ban lãnh đạo mới, trong đó không có gương mặt Yasser Arafat.

Áp lực đối với Tổng thống Arafat không phải chỉ đến từ bên ngoài. Chính nhân dân Palestine, vốn gần như tuyệt đối sùng bái nhà lãnh đạo trong suốt hơn 30 năm qua, cũng đã bắt đầu nổi dậy và bày tỏ thái độ mệt mỏi, chán nản của mình. Đầu tuần này tại Dải Gaza, hàng nghìn người đã xuống đường thể hiện thái độ tức giận đối với thất bại của chính quyền trong việc nâng cao điều kiện sống cho nhân dân. Và mới hôm qua (3/7), cảnh sát Palestine ở thành phố Rafah đã đụng độ với đoàn người ủng hộ Hamas và đòi hành quyết những người bị tình nghi là bắt tay với Israel.

(Tiến Dũng – Theo BBC)

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi