''Cá basa Việt Nam cần thương hiệu riêng''
11:58' 22/03/2002 (GMT+7)
Tại hội thảo ''Thuỷ sản Việt Nam vào thị trường Mỹ'', do Citibank Vietnam, Đại học Georgetown và Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), GS John S.Clark khuyến cáo: ''Mối bận tâm hàng đầu hiện nay để DN Việt Nam tăng được hàng thuỷ sản vào Mỹ là phải xây dựng thương hiệu và quan tâm hơn đến chất lượng sản phẩm''.

Mở đầu hội thảo, Giám đốc CitiBank Vietnam, ông Coen Dingemans, nói: ''Mỹ đang là thị trường nhập khẩu thuỷ sản hàng đầu của Việt Nam, do vậy, chúng tôi muốn hỗ trợ các DN xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam tăng cơ hội kinh doanh vào đây, nhân thực thi Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ''.

Chương trình đã dành hơn một buổi cho nhóm của GS-TS John Clark (Đại học Georgetown - Mỹ) thuyết trình và giải đáp về cơ hội và điều kiện xuất hàng thuỷ sản vào Mỹ. Trên thực tế, đây cũng là kết quả của kế hoạch hỗ trợ DN Việt Nam của Citibank. Giám đốc quan hệ và quản lÿ kỹ thuật của Citibank Vietnam, trong chương trình hợp tác với VASEP, đã tài trợ cho một nhóm 7 thầy trò ở Đại học Georgetown nghiên cứu trong vòng 6 tháng qua tại Mỹ và Việt Nam để thực hiện đề tài này.

Thị trường tôm tại Mỹ: Tiêu thụ tính trên đầu
người ngày càng tăng

Thị trường Mỹ thích tôm, ghẹ, cá ngừ và cá da trơn

Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu, tôm, cua, ghẹ, cá ngừ và cá da trơn là 4 nhóm hàng thuỷ sản mà thị trường Mỹ đang có nhu cầu nhập khảu mạnh, do sản xuất nội địa của nước này giảm bởi nguồn nước bị ô nhiễm và giá nhân công cao. Trong đó, tôm đang là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt nam sang Mỹ (chỉ đứng sau Thái Lan), ghẹ thì còn nhiều cơ hội, cá ngừ là sản phẩm được tiêu thụ mạnh nhất tại Mỹ, còn cá da trơn của Mỹ không ngon bằng cá basa của Việt Nam.

Cần sớm tạo thương hiệu cá basa

''Xây dựng thương hiệu'', ''tạo trang web của DN theo thị trường Mỹ'', ''tiếp cận thị trường Mỹ'', theo nhà tổ chức hội thảo, là 3 nội dung cự kỳ quan trọng nếu muốn làm ăn thành công tại Mỹ. Citibank đã tài trợ in ấn đầy đủ các tài liệu cùng đĩa CD-Rom về 3 vấn đề này để cung cấp cho các doanh nhân tham dự hội thảo. Đáng tiếc là đến buổi chiều ngày thảo luận, 80% đại diện DN Việt Nam lại vắng mặt vì... bận.

Về vấn đề ''xây dựng thương hiệu'', khi đề cập đến cá basa, ông Andrew Vahdrekamp (Đại học Georgetown), nói: ''Tôi là người sống ở miền Nam nước Mỹ, là dân ăn nhiều catfish (cá da trơn), nhưng tôi vẫn thích cá basa Việt Nam hơn. Nếu biết tạo thương hiệu, cá basa Việt Nam sẽ chiến thắng trên thị trường Mỹ''.

Sau đó, ông đã chứng minh bằng một loạt thông tin:

- Vài tháng tới, có thể Quốc hội Mỹ sẽ ban hành luật, theo đó, chỉ có ở miền Nam nước Mỹ mới làm ra thương hiệu catfish.

- Catfish là loại cá da trơn sống dưới bùn, với Mỹ, chỉ có dân nhà nghèo mới ăn. Trong khi đó, cá basa Việt Nam đã bắt đầu được người dân Mỹ biết đến như một loài cá ''quÿ tộc'', cá ''chất lượng cao''.

- Hiệp hội Catfish Mỹ, vì thế, đang chi 50 triệu USD để làm thay đổi hình ảnh này bằng cách cố gắng đưa catfish vào nhà hàng Mỹ và gièm pha cá basa, nhưng chưa có kết quả tốt.

- Vậy thì tại sao Việt Nam không sử dụng tên cá basa làm thương hiệu riêng vào thị trường Mỹ, mà cứ phải dùng tên ''catfish''?

- Nhưng quảng cáo rất tốn tiền. Việt Nam nên tận dụng cơ hội này, vì nhờ chiến dịch của Hiệp hội Catfish Mỹ mà cá basa có thể bán qua Mỹ cả ở thị trường bình dân và nhà hàng, với giá gấp đôi catfish Mỹ.

- Cách tạo thương hiệu có thể bắt đầu từ chỗ để các nhà nhập khẩu Mỹ quảng bá thương hiệu basa miễn phí, vì họ hiểu nhu cầu người tiêu dùng Mỹ hơn. Sau đó, DN Việt Nam phải có ở Mỹ để trực tiếp phân phối, thay thế vai trò trung gian ban đầu, để giữ vững thương hiệu cá basa. Trong quá trình này, các DN không nên cạnh tranh với nhau mà nên hợp tác với VASEP.

Ông Andrew Vahdrekamp nói: ''Xin các bạn nhớ cho rằng, hiện nay, trên thế giới chỉ có Việt Nam sản xuất cá basa. Xin đừng bỏ lỡ cơ hội độc tôn này''.

(Theo TBKTSG) 

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi