Để hàng Việt Nam vào Campuchia: Cần đại lý phân phối liên quốc gia
17:25' 12/03/2002 (GMT+7)

Trong khuôn khổ Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao đang diễn ra tại An Giang, một cuộc gặp mặt giữa hơn 100 doanh nhân và 20 quan chức, DN đến từ tỉnh Cần Đan và Tà Keo (Campuchia) đã được tổ chức. Phần lớn doanh nhân 2 nước đều quan tâm đến việc làm như thế nào để phát triển thị trường cửa khẩu biên giới Tây Nam. Ÿ kiến mà ông Nguyễn Thái Hùng, Giám đốc Công ty May Tây Đô, đưa ra về việc thành lập một đại lÿ phân phối liên quốc gia đã trở thành ''đinh'' của cuộc trao đổi.

Hiện nay, hàng hoá của Việt Nam xuất sang Campuchia chủ yếu theo đường tiểu ngạch, nhưng với số lượng đáng kể. Đây cũng là một thị trường tiềm năng để hàng Việt Nam ''quá cảnh'' vào Thái Lan, Myanmar bằng đường bộ.

Cơ quan thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia cho biết, trong số các nước thuộc khối ASEAN tham gia thị trường Campuchia, kim ngạch của Việt Nam luôn đứng thứ ba trong nhiều năm (chỉ sau Thái Lan và Singapore). Các mặt hàng mà Việt Nam xuất đi thuộc các nhóm xăng dầu, sắt thép, vật liệu xây dựng, phân bón, nhựa, xà phòng, giày dép, tân dược, ngũ cốc, hải sản... Các mặt hàng vật dụng gia đình bằng nhựa hoặc mì ăn liền không chỉ xâm nhập mạnh mà còn đánh bạt hàng của Thái Lan.

Tuy vậy, một số doanh nhân cho rằng, với chính sách chưa rõ ràng, cộng thêm những thủ tục rườm rà và những ''lệ'' không tránh khỏi thì phải ''liều'' lắm mới dám đưa hàng qua Campuchia, dẫu biết là có lãi. Vấn đề bức xúc nhất hiện nay của doanh nhân là chính sách thuế XNK và thuế suất của Campuchia chưa rõ ràng.

Theo một quan chức của Cục Hải quan An Giang, lâu nay, giao dịch giữa 2 nước vẫn theo dạng ''gia đình'' (tiểu ngạch) và thanh toán cũng thường theo kiểu ''gia đình'' (tiền mặt), việc mở L/C và thanh toán theo thẻ tín dụng thường rất khó khăn. Ông Nguyễn Thái Hùng cho rằng, xuất hàng qua Campuchia còn khó hơn... đi buôn lậu(!). Theo ông, trong khi đợi các chính sách được thông thoáng hơn thì chính quyền tỉnh An Giang nên liên kết với chính quyền tỉnh Tà Keo để hình thành một đại lÿ phân phối liên quốc gia. Như vậy, doanh nghiệp sẽ bớt đơn thương độc mã khi phải len lỏi một mình qua biên giới.

Ông Prum Sam Ol, Giám đốc Sở Thương mại tỉnh Tà Keo, cho biết, đứng trước thời điểm chuẩn bị thực hiện AFTA, Chính phủ Campuchia đang xây dựng luật thuế nhập khẩu theo khuynh hướng giảm dần. Nhiều loại hàng hoá ở mức thuế suất thuế nhập khẩu 30-125% sẽ còn 0,5% (từ nay đến 2010). Thị trường Campuchia cũng chấp nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam.

Ông Prum Sam Ol khuyên các DN Việt Nam muốn xuất khẩu hàng hoá đến thị trường Campuchia cần mở văn phòng đại diện, hoặc ít ra, phải có đầu mối mới thuận lợi được. Tuy nhiên, Campuchia với dân số 12 triệu dân, nhưng lại là thị trường đang bị ''nhòm ngó'' nhiều nhất. Ông Kep Chuk Jema, Tỉnh trưởng tỉnh Tà Keo, cho biết, hiện nay, hàng hoá Thái Lan hay Singapore khi tràn vào Campuchia thường đi đôi với những chiêu thức quảng bá sản phẩm rầm rộ bằng nhiều hình thức. Đây cũng là điểm yếu của hàng Việt Nam.

(Theo Thanh Niên)

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi