Cùng với việc lao động Việt Nam bỏ trốn và vi phạm kỷ luật ngày càng gia tăng, sau sự kiện 11/ 9, tình hình xuất khẩu lao động lại thêm khó khăn hơn. Trong hai tháng 9 và 10, số lượng lao động đưa ra nước ngoài của cả nước chỉ tăng thêm hơn 1.000 người.
Năm 2001, Bộ Lao động Thương binh xã hội đã đặt ra chỉ tiêu đưa số người đi làm việc ở nước ngoài là 50.000. Tính đến hết tháng 8, cả nước đã có 23.000 người đi xuất khẩu lao động, đạt 46% kế hoạch. Do nền kinh tế thế giới bị suy yếu nên nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất hoặc giải thể. Vì vậy, nhu cầu lao động ở nước ngoài cũng giảm đáng kể. Trong bối cảnh đó, bộ LĐTBXH hạ chỉ tiêu xuống còn 40.000 người nhưng cũng khó hoàn thành.
Ở Công ty Xuất khẩu Lao đông – Thương mại và Du lịch (Sovilaco), năm 2000, đã đưa hơn 1.400 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó riêng Hàn Quốc là 1.000 người. Nhưng trong năm nay chỉ tiêu đưa lao động qua nước này của công ty chỉ còn 200 người. Sau sự kiện 11/9, phía đối tác chỉ nhận cầm chừng mỗi tháng dăm bảy người để giữ mối quan hệ. Theo ông Nguyễn Hồng Minh, Giám đốc công ty, công tác phát triển thị trường mới cũng bị ảnh hưởng nặng. Thị trường châu Âu từ đầu năm gần như không phát triển thêm. Còn thị trường Trung Đông đang tiến triển cũng bị sự kiện 11/9 làm ngưng trệ. Công ty chỉ còn trông chờ vào loại hình xuất khẩu lao động giúp việc nhà sang Đài Loan và xuất khẩu thuyền viên cho các tàu thuyền đánh cá xa bờ của các nước. Nhưng mới đây, công ty mới nghe tin hai thuyền viên của mình đang làm việc trên một con tàu của Đài Loan bị mất tích và chưa rõ nguyên nhân.
Theo ông Phan Chiến Thắng, Phó giám đốc Trung tâm Đào tạo và Hợp tác lao động với nước ngoài của Công ty Xây dựng số 8, chín tháng qua công ty vẫn chưa có một lao động nào đi nước ngoài. Sự kiện 11/9 đã làm công ty mất hẳn các hợp đồng tuyển kỹ sư điện, điện tử ở Đài Loan, Hàn Quốc vì đây là hai thị trường Mỹ đầu tư nhiều. Công ty còn bị ngưng hợp đồng đưa 200 kỹ sư sang Singapore làm việc, chưa biết thời gian nào kÿ lại và giờ chỉ còn hy vọng vào việc đưa lao động giúp việc nhà qua thị trường Đài Loan.
Tuần trước, 170 lao động của Trung tâm Thương mại và Xuất khẩu lao động Hoàng Long (thuộc Tổng Công ty Vietracimex) đi làm việc tại Đài Loan đã về nước trước thời hạn do công ty mà họ đang làm việc bị giải thể. Ông Nguyễn Quốc Khôi, Phó Tổng giám đốc Vietracimex cho biết, 170 lao động này đang làm việc cho Công ty May Kim Nhất ở Đài Loan với thu nhập trung bình 600-700 USD. Đây là một đối tác rất có tiềm năng mà công ty có được từ hai năm nay. Công ty này có 70% sản phẩm xuất khẩu đi Mỹ, 30% xuất đi Canada. Sự kiện 11/9 đã làm Kim Nhất phá sản, không còn cách nào cứu vãn. Vietracimex hiện có tất cả 3.600 lao động đang làm việc tại Đài Loan, trong đó có 1.000 người giúp việc nhà, còn lại là công nhân công nghiệp với các nghề dệt may, điện tử, nhựa. Cho đến nay, công ty mới đưa được 900, bằng một phần ba so với cùng kỳ năm trước.
Trung tâm phát triển việc làm phía Nam (Hiteco), thuộc Công ty Xây dựng và Thương mại Traenco, cũng đã bị ngưng một số hợp đồng đưa lao động sang các thị trường mới. Trong khi tổng đầu tư cho việc phát triển thị trường mới này ước tính khoảng một ỉy đồng gần như mất trắng. Ông Trịnh Vĩnh Hội, Giám đốc Hiteco, cho biết.
Ông Trần Văn Hằng, Cục trưởng Cục Quản lÿ lao động với nước ngoài thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết, Cục và các doanh nghiệp vẫn đang xúc tiến việc mở rộng khai thác thị trường Trung Đông, bởi đây là một thị trường lớn, hàng năm thu hút hơn 10 triệu nhân công nước ngoài. Ở thị trường này, hiện Việt Nam chỉ mới có khoảng gần 200 lao động và cho đến nay chưa có ai phải về nước do ảnh hưởng của cuộc chiến ở Afghanistan.
(Theo TBKTSG)