Chiều qua (21/10), Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC bế mạc. Thoả thuận Thượng Hải và Tuyên bố chống khủng bố cũng được thông qua.
Thoả thuận Thượng Hải khẳng định lại mục tiêu của APEC về tự do hoá thương mại giữa các thành viên phát triển vào năm 2010 và giữa các thành viên đang phát triển vào năm 2020, theo như các mục tiêu đề ra tại Hội nghị APEC tại Bogor (Indonesia) năm 1994. Để đạt được mục tiêu trên, các nhà lãnh đạo APEC nhất trí rằng, tầm nhìn về tự do thương mại đề ra tại Indonesia năm 1994 phải được nâng cấp và mở rộng để tăng tới mức cao nhất lợi ích của các nền kinh tế thành viên; kêu gọi các kế hoạch hành động tập thể và cá nhân đối với cải cách và tăng cường khả năng xây dựng đối với một loạt lĩnh vực; chương trình nghị sự của APEC phải chú trọng hơn đến sự hợp tác giữa các Bộ trưởng Tài chính nhằm cải thiện sự điều hành kinh tế.
Các nhà lãnh đạo APEC chỉ thị cho các quan chức xác định những hành động cụ thể nhằm tạo điều kiện phát triển thương mại; nhất trí phát triển hơn nữa các chính sách thương mại nhằm thúc đẩy sự phát triển ''kinh tế mới''; các quan chức APEC sẽ trao đổi thông tin về vấn đề này trong năm tới và xem xét các mục tiêu phát triển có liên quan đến chiến lược thương mại APEC tại hội nghị cấp bộ trưởng năm 2002 ở Mexico; thúc đẩy việc thông qua những chính sách thương mại phù hợp nền kinh tế mới; triển khai các nguyên tắc thuận lợi hóa thương mại; thông qua các nguyên tắc về tính minh bạch; tăng cường các nỗ lực hợp tác kinh tế - kỹ thuật Ecotech và xây dựng năng lực.
Các nhà lãnh đạo APEC nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy mạnh mẽ và bảo đảm việc thực hiện có hiệu quả các sáng kiến Ecotech, đặc biệt là những vấn đề mang tính liên ngành như xây dựng năng lực con người, đồng thời, khuyến khích việc đưa những ưu tiên đối với các doanh nghiệp vừa, nhỏ và cực nhỏ vào tất cả các chương trình nghị sự của APEC.
Lãnh đạo APEC kêu gọi tất cả các thành viên tự nguyện tham gia quá trình này cần tăng cường quan hệ với các tổ chức tài chính song phương, đa phương và tư nhân nhằm tránh trùng lặp trong khi thực hiện các chương trình xây dựng năng lực; chỉ thị cho các bộ trưởng và quan chức cấp cao đẩy mạnh các hoạt động Ecotech và báo cáo về tiến triển trong lĩnh vực này tại Hội nghị Bộ trưởng APEC năm 2002.
Hội nghị cũng đi đến một số thỏa thuận như: Tạo thuận lợi hơn nữa trong buôn bán nội khối và góp phần thúc đẩy vòng đàm phán mới trong Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). APEC đã từng chủ trương thực hiện tự do hóa thương mại nội khối vào năm 2010 (đối với các nền kinh tế phát triển) và vào năm 2020 (đối với các nền kinh tế đang phát triển). Hội nghị lần này đã thỏa thuận cơ chế ''đi đầu'' trong việc thực hiện mục tiêu trên, tức là nền kinh tế nào muốn đi nhanh hơn trong quá trình tự do hóa thì có thể đi đầu để khuyến khích các nền kinh tế khác làm theo.
Thực tế, APEC bao gồm các nền kinh tế có trình độ phát triển khác nhau. Trong khi đó, cả quá trình toàn cầu hóa lẫn sự ra đời của kinh tế mới đều có thể đào sâu hơn nữa hố ngăn cách giữa các nền kinh tế thành viên. Không chú trọng giải quyết vấn đề này thì khó có sự phát triển bền vững. Để khắc phục thách thức ấy, Hội nghị đã dành mối quan tâm rất cao cho vấn đề xây dựng năng lực, đào tạo con người, nhất là hợp tác, hỗ trợ các nền kinh tế có trình độ phát triển thấp hơn trong lĩnh vực trọng yếu này. Theo hướng đó hội nghị hoan nghênh việc xây dựng một Chương trình APEC về giáo dục. Trả lời câu hỏi: ''Việt Nam đã tranh thủ được gì qua sự hợp tác trong APEC và đã đóng góp gì cho Hội nghị?''. Bộ trưởng Thương mại Vũ Khoan, thành viên đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị APEC, cho biết: ''Việc Việt Nam tham gia APEC đã đem lại lợi ích vô hình nhưng cực kỳ quan trọng, đó là môi trường quốc tế thuận lợi hơn, vị thế quốc tế được nâng cao, từ đó có điều kiện mở rộng và đa dạng hóa thị trường, tranh thủ thêm vốn và công nghệ để phát triển. Không phải ngẫu nhiên mà tốc độ tăng trưởng buôn bán giữa Việt Nam với các nước này thuộc loại cao nhất trong số bạn hàng của Việt Nam.
Sự hợp tác trong khuôn khổ APEC giúp Việt Nam đổi mới một số cơ chế chính sách thương mại cho phù hợp luật lệ chung, tranh thủ được sự trợ giúp trong việc đào tạo nhân lực như vừa qua đã tổ chức được các lớp tập huấn về khuôn khổ pháp lÿ cho thương mại điện tử.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển nguồn nhân lực trước những thách thức mới do quá trình toàn cầu hóa và kinh tế mới đặt ra, tại Hội nghị Thượng Hải, Việt Nam đã đề ra sáng kiến về đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực được hội nghị ủng hộ, nêu vấn đề về đơn giản hóa thủ tục kết nạp thành viên mới vào WTO được nhiều nước tán thành. Các nền kinh tế đều lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ việc Việt Nam gia nhập WTO và đồng ÿ để Việt Nam cùng những nước đang đàm phán gia nhập WTO được tham gia vòng đàm phán mới''.
(Theo Nhân dân, Thanh niên, Lao động, TTXVN) |