MMS - máy in tiền của các hãng điện thoại di động?
14:56' 17/06/2002 (GMT+7)
Triển lãm Viễn thông lớn nhất châu Á - CommunicAsia 2002 đang diễn ra tại Singapore với sự ''lên ngôi'' của công nghệ MMS (Dịch vụ Nhắn tin Đa phương tiện - Multimedia Messaging Service), bởi các hãng viễn thông và các nhà sản xuất phần mềm hy vọng MMS sẽ là một thắng lợi rực rỡ tiếp theo thành công phi thường của SMS (Dịch vụ Nhắn tin Ngắn - Short Messaging Service).

Công nghệ MMS cho phép truyền ảnh màu, hình động, âm thanh và thậm chí cả video, chứ không giống như SMS - tuy đã trở thành một chiếc máy in tiền cho ngành điện thoại di động - nhưng chỉ truyền được chữ và những hình ảnh thô sơ. Hơn nữa, MMS có thể được thực hiện trên các hệ thống không dây hiện có, thậm chí trước khi các hãng điện thoại tung ra nền phần cứng và phần mềm hệ thống thế hệ 3 (3G) đắt giá, mà thời điểm khai trương đã bị bao phủ bởi những khó khăn tài chính.

Khu vực châu Á - Thái Bình Dương dự kiến sẽ là chiến trường chính trong ngành kinh doanh điện thoại di động trong vòng vài năm tới, khi doanh số bán điện thoại di động giảm dần ở các thị trường phát triển hơn như Bắc Mỹ và châu Âu. Theo công ty Pyramid Research có trụ sở tại Mỹ chuyên nghiên cứu về viễn thông, khu vực châu Á sẽ chiếm 45% toàn bộ các thuê bao điện thoại di động trên thế giới vào năm 2006.

Singapore Telecommunications Ltd., một trong những công ty viễn thông lớn nhất châu Á, tin rằng ''bước nhảy vọt sắp tới trong thông tin di động sẽ là MMS''. Francis Huan, người phát ngôn của công ty cho biết, với dịch vụ này, người sử dụng không chỉ nhận được giá chứng khoán dạng chữ mà cả đồ thị và biểu đồ. Tuy nhiên, các công ty chế tạo cần có các loại điện thoại với các màn hình lớn và giá cả phải chăng. Ngoài các màn hình màu, một số máy điện thoại di động mới sẽ có sẵn camera, cho phép người sử dụng gửi ảnh chụp ngay.

Các đoạn phim ngắn và quảng cáo cũng có thể được chuyển qua MMS, tạo ra những cơ hội thương mại lớn hơn, nhưng giống như SMS, nhân tố cá nhân sẽ rất quan trọng. ''Phần lớn các tin nhắn MMS sẽ là giữa khách hàng với nhau, vì người sử dụng tạo ra nội dung riêng của mình và gửi cho bạn bè hoặc người thân như một tin nhắn cá nhân'', công ty CMG Data Solutions, đang hợp tác với các công ty chế tạo và các hãng viễn thông trong việc phát triển MMS, nhận định. Một quan chức của CMG nói, một tin nhắn MMS sẽ là ''một tin nhắn cá nhân với giá trị tình cảm cao'', nhưng xét về chi phí thì khách hàng chỉ muốn trả cước tương đương với cước tin nhắn SMS bình thường.

Có lẽ trong một thời gian, SMS sẽ vẫn tiếp tục tồn tại song song với MMS, nhưng các chuyên gia dự đoán sẽ có một ''giai đoạn chuyển tiếp kéo dài'' trong đó những máy điện thoại chỉ có khả năng SMS sẽ hoạt động với vai trò hỗ trợ trong khi để người sử dụng làm quen với công nghệ mới. Ví dụ: SMS có thể được sử dụng để thông báo cho người dùng về loại hình tin nhắn mới - MMS. Trong các thị trường do SMS chi phối như Philippines, nơi mỗi ngày có hơn 150 triệu tin nhắn SMS, việc sử dụng MMS có thể chậm hơn do máy điện thoại di động được sử dụng tại đây đã lỗi thời.

Hãng nghiên cứu Pyramid Research cho rằng, MMS giống như SMS, ban đầu sẽ được quảng cáo như một dịch vụ ''đơn giản và rẻ tiền'', và ''khi các thuê bao đã trở nên quen thuộc với dịch vụ này thì các hãng điện thoại có thể bổ sung các ứng dụng phức tạp hơn''.

(Bảo Ngọc - Theo News.com)

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi