Tại Hội thảo Banking Vietnam 2002 mới đây do Tập đoàn IDG phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức, những cảnh báo về sự tiếp tục tụt hậu của hệ thống các ngân hàng VN, nếu như hệ thống này vẫn thờ ơ với việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), đã tiếp tục được đưa ra.
Thực tế, mới đầu tháng 5, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức đưa hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng vào hoạt động. Theo ông Nguyễn Văn Giàu, Phó Thống đốc NHNN, hiện nay đã có khoảng 80% nghiệp vụ ngành ngân hàng đã được trợ giúp bởi các giải pháp CNTT. Nhiều sản phẩm mới đã được đưa vào ứng dụng như: hệ thống ngân hàng bán lẻ, hệ thống thông tin tín dụng, thông tin phòng ngừa rủi ro tín dụng. Nhìn về mặt bằng ứng dụng CNTT trong khối doanh nghiệp Việt Nam, không thể phủ nhận rằng ngành ngân hàng, tài chính đang ở vị trí dẫn đầu. Tuy nhiên, chỉ so với các nước cùng khu vực, thì mức ứng dụng này còn quá thấp và các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng vẫn ở mức lạc hậu. Mức ứng dụng này khiến người ta lo ngại cho sự yếu kém và tụt hậu của ngành ngân hàng trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử và hội nhập toàn cầu. Chính vì vậy, việc ứng dụng CNTT để hiện đại hóa các nghiệp vụ ngành ngân hàng, cung cấp nhiều dịch vụ tiện lợi cho khách hàng là nhiệm vụ sống còn trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay.
Thống kê cho thấy, cả nước có khoảng 70 ngân hàng thương mại (NHTM), trong đó có một số NHTM quốc doanh, NHTM cổ phần và một số chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo ông Đào Minh Tuấn, Trưởng Trung tâm tin học Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, nếu đi sâu vào một số nghiệp vụ ngân hàng, đặc biệt là đối với một số NHTM quốc doanh thì sẽ thấy khả năng đáp ứng các yêu cầu trong môi trường cạnh tranh toàn cầu còn rất nhiều hạn chế. Rõ rệt nhất là ở khâu tổ chức xử lÿ nghiệp vụ không định hướng theo khách hàng. Các nghiệp vụ và việc tổ chức thực hiện đều được xây dựng dựa trên các quy định đã có từ hàng chục năm nay. Các khách hàng muốn giao dịch với ngân hàng phải có đầy đủ các điều kiện tối thiểu theo quy định của ngân hàng. Việc khách hàng tìm đến ngân hàng và chờ chực ở đó là điều hiển nhiên. Theo đánh giá chung của các chuyên gia thì sản phẩm dịch vụ ngân hàng của các ngân hàng Việt Nam còn quá nghèo nàn. Lâu nay khách hàng chỉ có một phương thức duy nhất là đến ngân hàng giao dịch, thậm chí phải đến gặp chính cán bộ ngân hàng đã mở tài khoản cho mình để thực hiện giao dịch. Các thủ tục thường phiền hà, qua nhiều khâu và rất tốn thời gian. Trong khi đó, một số ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam lại nhạy bén đưa ra nhiều dịch vụ đa dạng, thuận tiện cho khách hàng.
Cùng quan điểm này, Tiến sĩ Bùi Quang Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty FPT cho rằng hiện trạng của hầu hết các ngân hàng ở Việt Nam hiện nay là hoạt động phân tán. Khách hàng và tài khoản của họ thường được mở riêng biệt tại các chi nhánh. Hạn chế đầu tiên là các khách hàng khó có thể thực hiện việc giao dịch tại các địa bàn khác nhau. Ví dụ như gửi rút tiền nhiều nơi, trong đó có rút tiền từ máy ATM trên địa bàn rộng. Tiếp theo là do việc phân tán ở ngay nội bộ các ngân hàng. Thường mỗi chi nhánh giữ và điều hành một khoản vốn riêng, ngân hàng rất khó tập trung nguồn vốn một cách tối ưu. Điều này, khiến ngay cả việc chuyển tiền nội bộ trong ngân hàng cũng cần một giải pháp phức tạp và tốn kém. Ông Ngọc cho rằng tập trung hóa là một xu hướng tất yếu với các ngân hàng Việt Nam hiện nay. Điều này cần đến một sự cải biến mạnh mẽ ở khâu hiện đại hoá hệ thống ngân hàng để đáp ứng nhu cầu cạnh tranh.
Theo quan điểm của ông Tạ Quang Tiến, Cục trưởng Cục Công nghệ tin học NHNN, thì 6 nhiệm vụ chính của ngành ngân hàng trong chiến lược hiện đại hoá trong thời gian 10 năm tới là:
1. Triển khai dự án hiện đại hoá ngân hàng và hệ thống thanh toán do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Song song đó hoàn thiện hệ thống mạng thông tin ngân hàng rộng khắp từ trung ương đến tất cả các chi nhánh, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu toàn ngành.
2. Ứng dụng CNTT trong tất cả các nghiệp vụ ngân hàng, đặc biệt ưu tiên trong nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thanh toán quốc gia theo hướng tự động hóa, tạo nền tảng kỹ thuật để mở rộng dịch vụ thanh toán trong dân cư và trong toàn xã hội.
3. Hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp lÿ trong các nghiệp vụ ngân hàng.
4. Nhanh chóng tự động hóa hệ thống kế toán khách hàng với các giải pháp tiên tiến; tích cực xúc tiến thương mại điện tử, phát triển các sản phẩm hiện đại như thẻ điện tử, tiền điện tử...
5. Đào tạo đội ngũ cán bộ, kỹ sư CNTT chuyên ngành ngân hàng để thực hiện chuyển giao công nghệ, đủ trình độ sản xuất các phần mềm chuyên dụng cho hoạt động ngân hàng.
6. Ưu tiên đầu tư vốn cho ứng dụng và phát triển CNTT, triển khai có hiệu quả các dự án CNTT từ các nguồn tài trợ trong nước và quốc tế.
Sự nhìn nhận của ông Tiến đã nhận được sự tán đồng của các chuyên gia về ngân hàng trong nước và quốc tế. Tại Hội thảo Banking này, giới lãnh đạo ngân hàng Việt Nam và giới CNTT đã tìm được tiếng nói chung trong việc làm rõ vai trò và vị trí của CNTT đối với ngành ngân hàng, tài chính. Họ đều nhận thấy rằng ứng dụng CNTT vào hiện đại hoá các hoạt động ngân hàng là con đường duy nhất để họ tránh tụt hậu và nâng cao sức cạnh tranh. Thế nhưng, các ngân hàng lại gặp phải một khó khăn rất quen thuộc đối với lĩnh vực ứng dụng CNTT tại Việt Nam, đó là môi trường pháp lÿ còn phức tạp và nặng tính giấy tờ. Đây chính là nguyên nhân khiến các ngân hàng khởi động rất hồ hởi, nhưng lại tiến hành rất chậm chạp. Bài toán làm sao để thúc đẩy nhanh quá trình hiện đại hoá này dường như vẫn chưa có lời giải.
(Hàn Giang - VASC Orient)
|