Một loạt những tranh chấp gay gắt trên hồ sơ pháp lÿ cùng mối ''hận thù truyền kiếp'' đã khiến cho Microsoft và Sun Microsystems trở thành tâm điểm của mọi sự chú ÿ vào lúc này. Và với sự khởi đầu của công nghệ .NET, một bầu không khí căng thẳng mới lại bao trùm.
Bất chấp cuộc chiến không khoan nhượng giữa Java (Sun) và .NET (Microsoft), nhiều nhà phân tích vẫn tin vào sức sống và khả năng tồn tại của Java. Theo Deborah Hess, một nhà phân tích cao cấp của Gartner, thì độ chắc chắn và khả năng kiểm soát đã được kiểm chứng của Java sẽ giúp cho ngôn ngữ lập trình này tiến xa và trụ lại được trên ''mặt trận'' công nghệ cao. ''Sở dĩ Java có sức thu hút mạnh mẽ đối với người sử dụng là vì đây là ngôn ngữ đầu tiên sử dụng công nghệ hướng đối tượng và có khả năng hoạt động trên nhiều nền (platform)''.
Cạnh tranh với .NET
Trong phiên tòa chống độc quyền, Jonathan Schwartz, Trưởng phòng chiến lược của Sun Microsystems, đã cáo buộc Microsoft rằng hãng này đã sử dụng địa vị thống trị về Windows và trình duyệt Internet Explorer để quảng bá cho các dịch vụ .NET, cũng như hạn chế Java trong việc cạnh tranh công bằng.
Tuy nhiên, các số liệu điều tra thị trường lại phản ánh một cục diện khác, theo đó dường như Java không phải là kẻ chiến bại, ít nhất là cho đến hiện nay. Cuộc điều tra mới đây của Gartner cho biết, có tới 80% số doanh nghiệp trả lời rằng đã xếp Java vào danh mục đầu tư của mình, và một bộ phận không nhỏ tỏ thái độ sẵn lòng xem xét tới khả năng sử dụng ngôn ngữ này để phát triển các ứng dụng quan trọng ở quy mô doanh nghiệp và toàn cầu. Nhà phân tích cao cấp Rob Perry của Yankee Group tin rằng J2EE (Java 2 Platform Enterprise Edition) sẽ xâm nhập được vào thị trường doanh nghiệp một cách nhanh chóng, đồng thời sự bất lực không thể che giấu của các sản phẩm Microsoft trong việc đáp ứng các chuẩn kinh doanh cũng sẽ làm lợi không ít cho Java, đặc biệt là trên nền UNIX.
Khi tương thích là chìa khóa
Theo bà Deborah Hess thì sự hạn chế của .NET là ở chỗ dịch vụ này chỉ tương thích với các ứng dụng Windows mà thôi. Và chính điều này đã trở thành ưu thế hàng đầu của Java trong cuộc cạnh tranh gay gắt. ''Java có khả năng làm việc với mã nguồn của tất cả các loại ngôn ngữ khác nhau, và nó hoạt động được trên tất cả các nền (platform). Ngược lại, .NET vẫn chỉ là một công nghệ Windows thuần túy. Không ai lại đi sử dụng Windows trên nền UNIX hay máy chủ trung tâm zOS và OS390 cả''.
Tuy nhiên, các nhà phân tích vẫn hy vọng rằng với việc tung ra các sản phẩm và công cụ lập trình bổ trợ cho .NET trong vòng 3-4 tháng nữa, công nghệ của Microsoft sẽ trở nên phổ biến hơn. Hiện vẫn chưa có hãng nào tỏ ra ưu thế vượt trội. Cả Java lẫn .NET đều có thể tìm thấy chỗ đứng của mình trên thị trường.
Các nhà phân tích cũng không hề lo ngại về chuyện Java bị ''đá'' khỏi Windows XP. ''Nếu Microsoft không muốn ai dùng sản phẩm của họ, thì mọi người sẽ chuyển sang sử dụng các chương trình của IBM. Chuyện chẳng có gì to tát cả''.
.NET và chiến lược nền
Tuy nhiên, Gordon Benett, nhà phân tích cao cấp về hạ tầng Internet thuộc Aberdeen Group lại cho rằng, Java chỉ là một ngôn ngữ lập trình linh hoạt thuần túy mà Sun tìm mọi cách để đưa vào trong một nền tích hợp mà thôi. ''.NET thì khác. Đó là một cơ cấu phát triển đa ngôn ngữ, một kiến trúc liên thông (interoperability) dựa trên ngôn ngữ XML. Nó là một chiến lược nền chứ không phải là một ngôn ngữ''.
Tác dụng của kiện tụng
''Hy vọng lớn nhất của cộng đồng Java là 'đi được' vào trái tim và tâm trí của người sử dụng, nhưng đó không thể gọi là cạnh tranh được. Đó là một chiến lược tôi không thể ủng hộ'', Benett nói thêm.
Tháng trước, Sun lại nộp hồ sơ khiếu kiện thế độc quyền của Microsoft. Lần này là để kiếm tìm một trát lệnh của tòa án yêu cầu Microsoft phải đưa ứng dụng Java vào trong Windows XP.
Tuy nhiên, người sử dụng chẳng mấy quan tâm đến cuộc chiến của Microsoft và Sun. Mọi người sẽ tự quyết định xem cái nào đáp ứng yêu cầu của mình một cách tốt nhất.
Và cuối cùng thì bà Deborah Hess bình luận rằng, sẽ chẳng ai thực sự có lợi trong mấy chuyện kiện cáo này cả, ngoại trừ các luật sư
(Cầm Thi - Theo E-Commerce Times) |