Đó là câu trả lời của ông Hà Thân - Giám đốc công ty Lạc Việt với phóng viên VASC Orient khi được hỏi về nguyên nhân công ty Lạc Việt không tham gia vào Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm Việt Nam (VINASA).
- Vào ngày 27/4 tới, VINASA sẽ có buổi lễ ra mắt chính thức tại Hà Nội với sự góp mặt của trên 40 doanh nghiệp phần mềm, nhưng chúng tôi được biết Lạc Việt sẽ không tham gia. Vì sao vậy?
- Lạc Việt sẽ tham gia vào Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm khi thấy lợi ích thực sự cho mình và cho đất nước.
- Ông cho rằng các doanh nghiệp sẽ không được hưởng lợi ích khi tham gia vào Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm?
- Tôi cho rằng hiện nay những lợi ích cơ bản của các doanh nghiệp sản xuất phần mềm vẫn chưa được các bên liên quan giải quyết. Thứ nhất, chính sách về Internet vẫn còn đóng cửa, chỉ có vài port được mở cho đến thời điểm này. Giá cước vẫn quá cao, ngay cả so với Lào và Campuchia. Thứ hai là vấn đề bản quyền phần mềm. Có một nghịch lÿ là các cơ quan hữu quan của Nhà nước và ngay cả doanh nghiệp đề xướng ra Hiệp hội Phần mềm cũng vi phạm trắng trợn bản quyền phần mềm. Thứ ba là cơ chế khoa học công nghệ mập mờ và bị thao túng dẫn đến đưa ra những tiêu chuẩn kỳ lạ như TCVN 6909 (tham khảo thêm thông tin tại đây). Thứ tư là Nhà nước vẫn ưu đãi vô lÿ doanh nghiệp quốc doanh như tài trợ tín dụng ưu đãi, ưu tiên dự án, cho tiền làm phần mềm... Ngoài ra, nhân dân còn nghèo mà đi phung phí tiền vào xây dựng cơ bản và mua thiết bị cho các công viên phần mềm.
- Vậy thì các doanh nghiệp không cần phải tham gia vào một tổ chức nào mà nên đứng độc lập?
- Doanh nghiệp sản xuất phần mềm chỉ nên tham gia vào một tổ chức nào mà ích nước, lợi nhà.
- Ÿ của ông là?
- Tại sao Hội Tin học, bao gồm cả phần cứng và phần mềm, đã chưa làm tốt việc thúc đẩy nền công nghiệp phần mềm Việt Nam? Tại sao không cải tiến Hội Tin học để thành lập một tổ chức khác? Các doanh nghiệp chỉ nên tham gia vào một tổ chức khi mà không quá phụ thuộc vào Nhà nước. Hiện nay, các tổ chức như Hội Tin học chẳng hạn vẫn do người của doanh nghiệp nhà nước điều hành. Các suất mời đi nước ngoài, nhận tiền tài trợ đều phân bổ chưa hợp lÿ và chưa được công khai. Thực tế, Hiệp hội phần mềm ở các nước phát triển như Mỹ, Singapore không đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển phần mềm tại các nước này. Nền công nghệ thông tin qua Multimedia Corridor của Malaysia đến nay rất thành công là do cái tâm, cái tài của lãnh đạo quốc gia. Liệu Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm có uy tín hơn Hội Tin học để giải quyết những vấn đề lợi ích cơ bản nêu trên không?
Dường như Hiệp hội không định hướng để đáp ứng các lợi ích của các doanh nghiệp sản xuất phần mềm như đã nói ở trên. Có lẽ Hiệp hội được thành lập để có đối tác nhận tài trợ, nhận dự án của nước ngoài thay vì Hội Tin học chăng? Hay Hiệp hội cần có đầu mối quản lÿ doanh nghiệp sản xuất phần mềm?
- Vậy thì làm thế nào để các doanh nghiệp trong Hiệp hội không có sự mâu thuẫn về quyền lợi?
- Thứ nhất, Hiệp hội phải đặt ra mục tiêu là phải luôn phục vụ lợi ích hội viên và khách hàng. Thứ hai, người đứng đầu Hiệp hội phải công bằng, nhiệt tâm, am hiểu về công nghệ phần mềm, độc lập đối với quyền lợi của một hội viên cụ thể, dám nói thẳng nói thật với bất cứ ai. Thứ ba, phải có cơ chế truyền thông nhanh chóng và công khai về quyền lợi như tiền tài trợ, dự án, các suất mời đi nước ngoài.
Các thành viên trong Hiệp hội nên tôn trọng quyền lợi của nhau, đối xử với nhau mang tính chất bạn bè, vui vẻ, nhẹ nhàng. Hiệp hội cũng không nên mang tính chất cơ cấu nhà nước. Tôi xin nhắc lại là nếu có tổ chức nhẹ nhàng, vui vẻ, thiết thực thì Lạc Việt sẵn sàng tham gia.
(Đăng Khoa - VASC Orient thực hiện) |