Motherboard Đài Loan tại Việt Nam
09:11' 30/12/2001 (GMT+7)

Trong số khoảng trên dưới 20 sản phẩm motherboard các loại đang tiêu thụ tại thị trường Việt Nam, bao gồm các sản phẩm made in Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Đài Loan..., chất lượng của motherboard Đài Loan được đánh giá là tốt hơn cả. Tuy nhiên, chúng cũng phải cạnh tranh khốc liệt để tồn tại.

Xu thế sử dụng motherboard (bo mạch chủ) Đài Loan của người tiêu dùng Việt Nam bắt đầu tăng lên đáng kể từ cuối năm 1999. Gigabyte là nhãn hiệu xuất hiện đầu tiên, sau đó là ECS, MSI và Asusteck là nhãn hiệu mới xuất hiện hồi đầu tháng 11/2001. Giá của mỗi loại này hiện đang giữ ở mức cao nhất trong làng bo mạch chủ, khoảng 100 - 170 USD/chiếc (lắp cho Pentium 4). Trong khi đó, các loại cấp dưới khác chỉ dao động trong khoảng 38 - 60USD.

Trong 4 sản phẩm này thì Gigabyte và ECS phân phối mạnh tại thị trường Sài Gòn, Asusteck và MSI được ưa chuộng hơn tại khu vực phía Bắc. Bốn hãng này đều bán hàng thông qua các đại lÿ chính thức tại Việt Nam và hiện đang cạnh tranh rất mạnh trong thị trường máy lắp ráp Việt Nam. Riêng bo mạch chủ MSI đang chiếm khoảng 25% thị phần sản phẩm này tại Việt Nam. MSI và Gigabyte hiện cũng đã được chọn trong các dự án về bảo hiểm, thuế của Bộ Tài chính trong năm 2001.

Asustek Computer, Gigabyte Technology, MSI (Micro-Star International) và ECS (Elitegroup Computer Systems) cũng là bốn nhà sản xuất bo mạch chủ lớn nhất của Đài Loan. Và theo thống kê của giới chuyên môn thì hiện Đài Loan là nơi chiếm 86% thị phần bo mạch chủ trên toàn thế giới.

Trên khắp các thị trường toàn cầu, những nhà sản xuất bo mạch chủ Đài Loan đã bắt đầu chuyển dần mục tiêu kinh doanh của mình sang thị trường OEM (Original Equipments Manufacturers). Đơn đặt hàng của các OEM đối của với sản phẩm của Asustek, Gigabyte và MSI hiện tại chỉ chiếm 20-30% trên tổng doanh thu của những hãng này, nhưng cũng đã phần nào cho thấy mức tăng trưởng đáng kể so với những năm trước 1999. Trong vài chục năm tới, các nhà sản xuất bo mạch chủ hy vọng sẽ đạt được sự tăng trưởng về doanh thu bán hàng chủ yếu là nhờ vào thị trường sản phẩm OEM.

Một số dữ liệu thống kê cho thấy, tháng 10/2001, doanh thu của MSI, Asustek và ECS đều tăng mạnh. Doanh thu của Asustek đạt 9.972 tỷ Đài tệ (khoảng 293 triệu USD), hãng này cũng đã xuất được 1,87 triệu sản phẩm bo mạch chủ. Lượng hàng bán ra tăng cao là nhờ vào số lượng đặt hàng các sản phẩm OEM tăng lên, số lượng này hiện chiếm 40% trên tổng số bán hàng của hãng.

ECS đạt mức doanh thu kỷ lục 3.025 tỷ Đài tệ (89 triệu USD) với tỷ lệ bán bo mạch chủ cho Pentium 4 tăng từ 20% trong tháng 9/2001 lên 30% trong tháng 10/2001. Trong 10 tháng đầu năm, công ty này đã có tổng doanh thu tăng 80% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 24.278 tỷ Đài tệ (714 triệu USD).

Tháng 10/2001, MSI đạt 5.025 tỷ Đài tệ (148 triệu USD) doanh thu. Kết quả khả quan này có được nhờ vào doanh thu bán Card đồ hoạ của hãng. Trong tháng 9/2001, MSI đã bán được 800.000 sản phẩm này, tương đương với 40% tổng lượng hàng bán được của hãng trong 3 quÿ đầu năm.

Theo nguồn tin từ Trung tâm Tin tức Thị trường Đài Loan (MIC), ngành sản xuất motherboard trong nước dự tính sẽ xuất khoảng 80 triệu sản phẩm trong năm nay, trong đó, 4 nhà sản xuất hàng đầu trên ước tính chiếm khoảng 50 triệu sản phẩm, tương ứng thị phần 62-63%. Theo con số này thì mức tăng trưởng hàng năm đạt gần 15%. Sự thống lĩnh của 4 hãng hàng đầu trong ngành công nghiệp này được chứng minh một cách rõ ràng hơn khi nhìn vào mức tăng doanh thu của họ. Trong năm 2000, 4 nhà sản xuất chính này đóng góp 63,9% trong tổng số thu nhập của ngành. Tỷ lệ này tăng lên 72,4% trong 10 tháng đầu năm 2001.

Mặc dù có rất nhiều cơ hội, song sự cạnh tranh khốc liệt và nguy cơ thu được mức lợi nhuận thấp đang chờ đợi các nhà sản xuất motherboard trong cuộc phiêu lưu mới này. Nếu không có một chiến lược marketing hoàn hảo, tiềm năng dồi dào và giải pháp đối phó với những thua lỗ trong thời kỳ đầu thì các hãng khó có thể đạt được thành công như mong đợi.

(Huyền Sâm - VASC Orient)

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi