Công nghệ mạng viễn thông, thông tin di động và Internet thế hệ mới là chủ đề chính của hội thảo ComNet Vietnam 2001. Phát biểu tại lễ khai mạc, GS.TSKH Đỗ Trung Tá, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam đã bày tỏ hy vọng ComNet sẽ đóng góp cho lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông ở Việt Nam nhiều giải pháp mới trong mục tiêu đi tắt, đón đầu.
ComNet Vietnam là hội thảo quốc tế về mạng và truyền thông, được tổ chức hai năm một lần. Đây là lần thứ hai ComNet Vietnam được tổ chức. Mục tiêu của ComNet nhằm giới thiệu các giải pháp tiên tiến trong lĩnh vực mạng và hạ tầng cơ sở viễn thông, các giải pháp thực hiện cho mạng truyền thông bao gồm viễn thông và các dịch vụ phát thanh truyền hình qua mạng. Có thể nói ComNet là nơi gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm và trình bày các giải pháp mới nhất của các hãng có uy tín trên thế giới. ComNet cũng tạo điều kiện để các nhà đầu tư nước ngoài hiểu biết về thị trường viễn thông Việt Nam.
Về nội dung của hội thảo, ông Đỗ trung Tá cho biết, ComNet rất phù hợp với tình hình phát triển của Việt Nam hiện nay. Tại hội thảo, chúng tôi có tập trung vào vấn đề thứ nhất là ứng dụng của mạng cáp quang và các giải pháp IP trong phát triển các dịch vụ truyền số liệu và Internet. Trong một vài năm tới, tổng lưu lượng các dịch vụ phi thoại sẽ lớn hơn điện thoại rất nhiều, do vậy cần có một tốc độ truyền cao hơn, và phải định hướng nâng cấp mạng lưới của Việt Nam để đáp ứng được các dịch vụ mới.
Nội dung thứ hai được hội thảo đề cập đến là thông tin di động và Internet thế hệ mới, bao gồm có Internet không dây. Trước đây, người tiêu dùng Việt Nam mới chỉ quen với khái niệm truy cập bằng đường dây. Tuy nhiên với điều kiện hiện nay, Việt Nam có thể truy cập vô tuyến. Hệ thống di động của Việt Nam ( hiện đang ở thế hệ hai ) sẽ chuyển lên hệ thống di động GPRS (2,5G) để có thể đảm bảo tốc độ truyền 144Kbp/s, và sau đó sẽ phát triển lên hệ thống di động thế hệ ba (3G) với tốc độ 2Mbp/s. Trong tương lai, Việt Nam sẽ có cả Internet tốc độ cao và Internet di động.
Mạng viễn thông của Việt Nam hiện đang tiếp cận với hệ thống mạng thế hệ mới, do vậy cần có những giải pháp tương thích để vươn tới trình độ toàn cầu mà không hề bỏ đi những thứ đã đầu tư- Ông Tá nói. Một thí dụ điển hình là: từ 10 năm nay VNPT đã có chiến lược cáp quang hoá, mạng cáp quang hiện đã có ở nhiều tỉnh và thành phố lớn và ở một vài huyện đã kéo hết cáp quang. Như vậy, VNPT hoàn toàn có thể tiến tới mạng cáp quang cùng với công nghệ IP, phát triển mạng thế hệ mới mà không có sự tốn kém về mặt kinh phí.
Để phát triển tốt hơn nữa mạng viễn thông trong thời gian tới, ông Tá cho biết: Hiện nay, không chỉ có VNPT mà còn có 4 công ty khai thác viễn thông và 5 công ty cung cấp các dịch vụ Internet, vì vậy các công ty mới này ngày càng phải xem xét các xu hướng phát triển của thế giới để cùng với VNPT tận dụng được lợi thế rất đặc biệt của các nước đi sau để đạt được các công nghệ mới ngang tầm với các nước tiên tiến. Đó chính là vấn đề mà Việt Nam có thể làm được trong phát triển mạng lưới và các dịch vụ mớI, thực hiện thành công mục tiêu đi tắt, đón đầu.
Hy vọng những xu hướng công nghệ và các giải pháp mới được các công ty nước ngoài và VNPT đưa ra tại ComNet Vietnam 2001 sẽ phù hợp với sự phát triển của mạng viễn thông Việt Nam và sẽ đưa công nghệ thông tin và viễn thông Việt Nam hội nhập được với xu hướng phát triển chung của toàn cầu.
(Hải Yến - VASC Orient) |