Những người biến bùn thành... tiền
Dưới sự dẫn dắt của thạc sĩ Nguyễn Thị Phương Loan, 3 kỹ sư và 3 sinh viên Trường ĐHDL Văn Lang TP.HCM đang nỗ lực biến bùn thải thành… tiền.
Phương Trang, Diệu Hiền và Hồng Quang (từ phải sang) kiểm tra những mẫu gạch đầu tiên làm bằng các chất thu được từ bùn thải |
Đó là Bùi Liên Hương, Nguyễn Hồng Quang (kỹ sư môi trường), Võ Phạm Phương Trang (kỹ sư hóa) và 3 sinh viên Khoa Môi trường: Bạch Thị Lệ Hiền, Trần Thị Lệ Hằng, Nguyễn Thị Xuân Mãi.
Chị Nguyễn Thị Phương Loan- Phó GĐ Trung tâm Công nghệ và quản lý môi trường (Centinma) thuộc ĐHDL Văn Lang tâm sự:
“Mỗi ngày, tại TP.HCM có một lượng bùn thải rất lớn từ các nhà máy và kênh rạch nhưng hầu như đều bỏ đi, vừa gây lãng phí vừa tốn kém, lại nguy hại cho môi trường. Tôi cứ băn khoăn mãi với ý nghĩ, tại sao mình không tận dụng nó để tái sinh, sản xuất ra nhiều sản phẩm hữu ích cho cuộc sống?”.
Dự án “Tái sử dụng bùn thải cho sản xuất công nghiệp và cải tạo đất nông nghiệp” do chị Phương Loan khởi xướng ra đời từ thôi thúc ấy.
Ưu điểm lớn của dự án là tận dụng được các chất có giá trị trong bùn thay vì bỏ đi như trước, đồng thời làm sạch môi trường với chi phí thấp.
Dự án đã được giải thưởng trong cuộc thi “Ngày sáng tạo Việt Nam” năm 2005 do Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức và tài trợ kinh phí thực hiện.
Để biến bùn thành…tiền, nhóm nghiên cứu dùng phương pháp thủy lực và cơ học tách các chất hữu cơ và vô cơ trong bùn. Chất vô cơ (cát) thu được sau đó sẽ sử dụng vào việc làm gạch block và vật liệu san lấp.
Hiện tại nhóm đã thu được 9 loại cát có kích cỡ khác nhau. Phần bùn có chứa hàm lượng hữu cơ sẽ được ép thành bánh làm chất bón cho cây, nước còn lại dùng tưới cây… Riêng các kim loại nặng thu được trong bùn thải công nghiệp sẽ dùng vào việc sản xuất bột màu làm gạch.
Đến nay, những viên gạch block đầu tiên sử dụng các chất thu được từ bùn thải đã ra đời. Nhóm đang tiếp tục nghiên cứu, tính toán tỷ lệ thành phần các chất nhằm tạo ra loại gạch đạt chất lượng tối ưu. Phương Trang cho biết thêm, hiện nhóm đang tiến hành thử nghiệm độ bền chặt trong kết cấu, chịu lực và khả năng chống rò rỉ của gạch.
Theo chị Phương Loan, lợi ích từ việc tận dùng bùn thải làm gạch rất lớn, cả về ý nghĩa kinh tế lẫn môi trường. Sản phẩm gạch làm bằng các chất thu được từ bùn thải rẻ hơn bình thường khoảng 5-10%. Các đơn vị tham gia xử lý môi trường còn thu được một khoản kinh phí lớn từ việc bán bùn vô cơ làm chất bón. Các doanh nghiệp sẽ giảm khoảng 50-60% chi phí xử lý bùn thải, tức từ 4-5 triệu đồng xuống còn khoảng 2 triệu đồng/tấn.
Lợi ích lớn hơn cả là loại trừ được nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, đồng thời giải được bài toán về diện tích đất chôn lấp, nhất là trong điều kiện đô thị hóa nhanh chóng như hiện nay tại các thành phố lớn.
Nhận thấy những lợi ích to lớn của dự án, Cty CP Môi trường Việt - Úc không những hỗ trợ nhóm nghiên cứu trong việc hoàn thiện việc nghiên cứu, sản xuất thử mà còn chấp nhận tiếp nhận chuyển giao công nghệ này để ứng dụng rộng rãi ở TP.HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương.
(Theo Tiền phong)