Những nỗi lo nhỏ đằng sau cơ hội lớn
Ở các cuộc hội thảo lớn về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) của Việt Nam hay tại các sự kiện khai trương và động thổ các nhà máy sản xuất của các công ty nước ngoài gần đây, hầu hết lãnh đạo cơ quan ngoại giao nhiều nước đều đánh giá rằng thời điểm này là cơ hội tốt nhất của Việt Nam để thu hút nguồn vốn FDI. Tuy nhiên, một số vấn đề phát sinh gần đây tưởng chừng rất nhỏ nhưng đang là nỗi lo ngại của nhiều nhà đầu tư.
Sự chuẩn bị về nguồn nhân lực để thu hút các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực này Việt Nam nói chung, theo các doanh nghiệp, là quá yếu |
Đình công
Theo các công ty tư vấn đầu tư, hàng loạt vụ đình công diễn ra liên tục trên địa bàn TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai và một số tỉnh, thành khác ở phía Bắc từ cuối năm ngoái đến tháng rồi đã làm không ít nhà đầu tư lo ngại và chùn bước trong kế hoạch mở rộng đầu tư. Những nhà đầu tư mới đến cũng dè chừng và chậm cho triển khai dự án để thăm dò tình hình. Sự việc này đã trở thành vấn đề nóng mà ngay cả các nhà ngoại giao khi gặp gỡ với lãnh đạo của TPHCM và các tỉnh, thành có liên quan đều phải đặt câu hỏi và lưu ý rằng nếu chính quyền không có biện pháp giải quyết sớm thì nó sẽ trở thành rào cản rất lớn trong việc thu hút FDI của Việt Nam.
Ông Kyoshiro Ichikawa, chuyên gia cao cấp của Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong một cuộc hội thảo “Để thu hút nguồn vốn FDI” diễn ra tại TPHCM gần đây cũng có nhận định tương tự. Theo ông, thời gian này là thời cơ rất tốt để Việt Nam thu hút nguồn vốn từ các doanh nghiệp Nhật và các nước khác. Thế nhưng, những vụ đình công xảy ra ở nhiều công ty và kéo dài nhiều ngày trong thời gian qua đã làm không ít doanh nghiệp lo ngại.
Các vụ đình công hiện đã tạm lắng. Lãnh đạo các tỉnh, thành có liên quan cũng có những buổi gặp gỡ trực tiếp với nhiều nhà ngoại giao và nhà đầu tư để trao đổi và đưa ra hướng giải quyết nhằm giảm bớt lo lắng của nhà đầu tư. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư vẫn hoài nghi về khả năng xảy ra các vụ đình công khác bởi theo họ một khi chính sách về tiền lương của người lao động chưa được thỏa đáng và đời sống vật chất, tinh thần của người công nhân chưa được chăm lo đúng mức, vẫn còn đó mối lo đình công
Thiếu nguồn nhân lực ổn định
Cũng liên quan đến người lao động, một số doanh nghiệp FDI có dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao gần đây hết sức lo ngại trong việc tuyển dụng nhân lực có tay nghề. Tình hình này xảy ra nhiều nhất là ở TPHCM - nơi được xem là địa phương tiêu biểu cho bước khởi đầu thu hút công nghệ nguồn và công nghệ cao của Việt Nam hiện nay. Sự chuẩn bị về nguồn nhân lực để thu hút các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực này của TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung, theo các doanh nghiệp, là quá yếu.
Ông Trần Ngọc Cang, Giám đốc điều hành Công ty Thiết kế Renesas Việt Nam có trụ sở tại khu chế xuất Tân Thuận, cho biết cách đây hơn hai năm khi công ty mẹ ở Nhật có chủ trương đầu tư vào Việt Nam, ông được điều từ Renesas ở Mỹ về để lo phần tuyển dụng lao động. Theo ông, dự án của Renesas là thiết kế những vi mạch trong IC (mạch tích hợp) và các phần mềm chuyên dụng để cài đặt cho IC - là những lĩnh vực còn rất mới ở Việt Nam. Do đó, ngay từ đầu, công ty đã tiếp xúc trực tiếp với trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHKHTN) và Đại học Kỹ thuật TPHCM để giải quyết nguồn nhân lực cho công ty.
Tuy nhiên, đến nay cả hai trường này vẫn không đáp ứng kịp thời và công ty gặp rất nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng lao động. Ông Cang cho biết, nhu cầu của công ty là cần 500 kỹ sư để phục vụ cho hoạt động của công ty trong giai đoạn đầu, nhưng trong hai năm qua công ty chỉ tuyển dụng được 60 người từ 1.000 sinh viên mới ra trường nộp hồ sơ. Những kỹ sư trúng tuyển còn phải đào tạo lại ít nhất là từ ba đến sáu tháng mới có thể làm được việc. “Hạn chế lớn nhất của sinh viên mới ra trường hiện nay là không có chuyên môn sâu và trình độ ngoại ngữ thì yếu”, ông Cang nói.
Thiếu sót này, theo bà Đồng Thị Bích Thủy, Phó hiệu trưởng trường ĐHKHTN, là do nhà trường đã không đón đầu được nhu cầu thực tế từ phía công ty; mặt khác, nhà trường cũng không có đội ngũ giảng viên và phòng thí nghiệm phục vụ cho những môn học liên quan đến sản phẩm công nghiệp kỹ thuật cao. Điều này cũng xảy ra tương tự ở Đại học Kỹ thuật TPHCM và nhiều trường đại học khác trên cả nước.
Đứng trước thực tế đó, lãnh đạo TPHCM và các nhà đầu tư tiêu biểu cho các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao là Intel, Renesas và Nidec Sankyo cùng nhiều trường đại học lớn của thành phố mới đây đã phải cùng ngồi lại với nhau để tìm biện pháp tháo gỡ.
Và nhiều nỗi lo khác
Một lo ngại khác của nhà đầu tư là luật lệ Việt Nam vẫn hay thay đổi và khó tiên đoán. Cụ thể việc quy định khuyến khích các doanh nghiệp FDI đăng ký lại theo Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư mới sẽ có hiệu lực từ đầu tháng 7 này, theo nhiều nhà đầu tư, đang là một rào cản cho việc thu hút nguồn vốn FDI mới. Các công ty tư vấn đầu tư nước ngoài cho biết, trong thời gian gần đây nhiều dự án đầu tư chậm lại để đến sau tháng 7-2006 mới vào đầu tư vì ngại nếu bây giờ họ nhận giấy phép đầu tư theo Luật Đầu tư nước ngoài thì chỉ vài tháng sau lại phải đi đăng ký lại, thêm phiền phức.
Vụ PMU 18 mặc dù không ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều doanh nghiệp FDI, nhưng nó lại trở thành đề tài thời sự về tình trạng tham nhũng của Việt Nam đối với các nhà đầu tư FDI mới. Mặt khác, nạn tham nhũng tràn lan tại nhiều cơ quan thực thi pháp luật làm tăng chi phí kinh doanh và gây ra những rủi ro khó lường.
Một vấn đề khác đang được nhiều doanh nghiệp FDI quan tâm là chính sách thuế ưu đãi cho doanh nghiệp FDI sản xuất xuất khẩu trước đây sẽ như thế nào? Theo quy định trước đây, doanh nghiệp FDI đầu tư sản xuất với tỷ lệ xuất khẩu trên 80% thì được hưởng thuế suất thu nhập ưu đãi 10% cho toàn thời gian dự án. Tuy nhiên trong thời gian tới, khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thì ưu đãi này sẽ không còn được áp dụng nữa. Theo các nhà đầu tư, mặc dù điều này nằm ngoài kế hoạch, nhưng nếu cách xử lý của Chính phủ không thỏa đáng thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường đầu tư chung của Việt Nam, bởi hiện có vài trăm doanh nghiệp FDI, thậm chí là cả ngàn doanh nghiệp, đang nhận được ưu đãi về thuế này trên dưới mười năm qua.
(Theo Thời báo KTSG)