,
221
4821
60 năm CHXHCNVN
vanhoimoi
/vanhoimoi/
789090
Một người Việt thành công ở thung lũng Silicon
1
Article
null
,

Một người Việt thành công ở thung lũng Silicon

Cập nhật lúc 15:39, Thứ Ba, 25/04/2006 (GMT+7)
,

ĐHBK Hà Nội vừa khai trương phòng lab CNTT trị giá 350 000 USD. Người có công lớn trong việc lập dự án và xin tài trợ là Christopher Hoàng Phạm, một Việt kiều đang giữ chức vụ cao trong Cisco Systems, Mỹ.

Khẳng định tài trí người Việt

Hoàng Phạm cùng gia đình ăn Tết âm lịch

Cũng như bao nhiêu người Việt khác, Hoàng lao vào kiếm sống để có tiền ăn học. Anh cũng đã trải qua các nghề lao động chân tay như bồi bàn, khuân vác, bảo vệ...

Anh theo học ngành điện toán tại đại học San Jose State, được làm việc tại các tập đoàn  công nghệ lớn tại đại bản doanh công nghệ cao của Mỹ,  thung lũng Sillicon và được mời tham gia giảng dạy tại trường đại học nơi anh đã từng học và một số trường đại học khác.

Sau nhiều năm mày mò, cũng đã từng thành lập công ty, cũng đã từng chế tác đủ mọi thứ như phần mềm chống khủng bố, phần mềm nhận dạng qua vân tay... nhưng do những phần mềm đó tung ra không đúng thời điểm nên cũng không gặt hái được thành công như mong muốn.

Anh nói vui: “Tôi đã từng nghĩ và viết ra phần mềm chống khủng bố trước khi tòa tháp đôi của Mỹ bị đánh sập. Rất tiếc tôi đã bán phần mềm đó và cả công ty phần mềm của tôi cho một công ty khác vì mình không có kinh nghiệm thương trường. Chứ nếu không, tôi đã trúng lớn.”

Sau khi làm việc cho một số hãng lớn như Sun Microsystem, Christopher Hoàng Phạm đã “an cư”  tại Cisco System với chức danh Phó giám đốc.

Ngoài ra, anh còn góp sức vào việc thành lập mạng lưới các chuyên gia IT người Việt tại Mỹ. Theo anh, cách làm việc theo mạng lưới có nhiều ưu điểm  như có thể dễ dàng liên hệ, khi nào cần giải quyết vấn đề thì nhóm lại  nhanh chóng, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau từ xa.

Anh là một trong những người đứng ra  tổ chức Hội nghị Khoa học quốc tế lần 6 của người Việt Nam tại Mỹ ở Thung lũng Silicon trong những năm 2005. Hội nghị được tổ chức  ngay trong đại bản doanh của Cisco, nơi có hàng trăm kỹ sư châu Á làm việc và rất nhiều người trong số đó là người Việt Nam.

Christopher  mong muốn mạng lưới này sẽ mở rộng vượt ra người nước Mỹ để những chuyên gia khoa học kỹ thuật của Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới có thể hợp tác với nhau và khẳng định tài trí của người Việt. “Lần tổ chức tiếp theo vào năm 2007, tôi hy vọng có sự tham gia của cả những chuyên gia từ Việt Nam”, anh mong muốn.

Nhận thấy người Việt mình giỏi,nhưng thiếu thực tiễn. Nếu chỉ có download, chỉ phá phần mềm nhỏ thì lãng phí quá. Anh đã đứng ra xin công ty, trang bị phòng lab để giúp sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội có điều kiện thực hành về công nghệ thông tin, nghiên cứu có những hợp tác nghiên cứu Cisco. Anh cũng rất hy vọng có điều kiện giúp đào tạo một đội ngũ chuyên gia kỹ thuật cao để những người này sẽ đào tạo lại cho sinh viên.

20 năm ở Mỹ, vẫn 100% Việt Nam

Năm 2005, Christopher Hoàng Phạm đã được trao giải thưởng kỹ sư người Mỹ gốc chấu Á xuất sắc nhất của năm 2004 (Asian- American Engineer of the Year) do Viện kỹ sư Trung Quốc trao tặng nhân tuần lễ Công nghệ thông tin, ngày hội của giới công nghệ thông tin tại Thung lũng Silicon.

Năm 2004, anh đã đoạt giải thưởng lãnh đạo xuất sắc nhờ sáng lập ra chương trình Beyond the Ordinarry Ways (BOW) cho công nghệ RAS của Cisco. Chương trình đã giúp Cisco tiết kiệm hàng chục triệu USD thất thoát mỗi năm do những lỗi sai sót phần cứng và phần mềm.

BOW được ứng dụng để làm cho hệ thống máy của  Cisco có thể chạy liên tục suốt 365 ngày trong năm và mỗi năm chỉ  được “chết” trong vòng 5 phút. Nó được đưa vào hoạt động từ năm 2000, đến năm 2005, BOW được sử dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới và hoạt động như một “nhóm ảo” (Virtual Team).

Ngoài ra, anh đã có tới hơn 20 giải thưởng khác dành cho nhà lãnh đạo cao cấp trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Sang Mỹ đoàn tụ với gia đình đã đúng 20 năm, Christopher Hoàng Phạm chưa có dịp về thăm đất nước, nhưng con tim anh luôn hướng về Việt Nam. Anh là người hăng hái trong các cuộc quyên góp từ thiện cho bà con bị lũ lụt trong nước, cũng như tích cực tham gia vào công việc của cộng đồng người Việt.

Chính vì vậy, anh đã đoạt được giải thưởng  kỹ sư người Mỹ gốc châu Á xuất sắc nhất năm 2005 (một trong những tiêu chí để được trao giải thưởng ngoài những thành tích xuất sắc trong chuyên môn là phải hoạt động tích cực cho cộng đồng)

Anh cho biết, người Mỹ rất coi trọng các hoạt động cộng đồng. Bởi nếu anh là người có tài, anh phải đem tài năng giúp đỡ cho xã hội. Sau khi đoạt giải, công việc dành cho cộng đồng của anh ngày càng nhiều thêm. Anh tâm sự: “Mệt hơn, nhưng mà vui vì  điều đó có nghĩa là cộng đồng cần tới mình và mình có thể giúp ích được cho nhiều người hơn”. 

Đó cũng chính là tâm nguyện của chàng trai Hoàng năm xưa khi khăn gói lên đường sang Mỹ. Sang Mỹ với biết bao lạ lẫm buổi ban đầu từ ngôn ngữ, văn hoá, nhưng Hoàng nung nấu học thành tài trong vòng 10 năm, trước hết là cho bản thân, sau là để sau này đem những cái mà mình học được về nước.

Christopher Hoàng tâm sự: “20 năm sống ở Mỹ, nhưng tôi vẫn 100% người Việt à, bởi lấy vợ Việt, ăn cơm Việt, sống kiểu Việt và ... thương người Việt.”

Quả thật, tuy bận rộn, nhưng anh vẫn dành thời gian đưa các con đi học tiếng Việt. Ngày Tết cổ truyền, mặc dù vẫn phải đi làm như thường lệ, nhưng anh vẫn dành thời gian cho  cậu con trai láu lỉnh và hai bé gái sinh đôi xinh xắn mặc quần áo dài truyền thống tham dự ngày Tết của cộng đồng người Việt.

Ở trường học tiếng Việt, Christopher tham gia vào ban phụ huynh lớp với công việc đứng điều khiển giao thông ngoài cổng trường để bảo đảm cho các em tan lớp an toàn. Tiếng là công việc chung của ban phụ huynh, nhưng anh thường làm luôn vì những  người kia còn hay về muộn vì bận công việc buôn bán.

Anh hy vọng con cái mình vẫn tiếp tục được duy trì tiếng Việt và văn hoá Việt nên ngày ngày không quản ngại đường xá xa xôi chở con đi học rồi mới vội vã tới công sở.

(Theo Tiền phong)

,
,