Cần phải hiểu đúng bài thơ "Tràng Giang"
11:21' 05/07/2003 (GMT+7)

Bài thơ "Tràng Giang" in trong tập "Lửa thiêng" là một trong những kiệt tác của nhà thơ Huy Cận. Bài thơ này vừa xuất hiện đã được đưa ngay vào sách giáo khoa từ trước 1945, đến nay vẫn đang còn học trong chương trình "Văn học 11" tập 1 do Bộ GD&ĐT ấn hành thông qua NXB GD. GSTS Trần Đình Sử đã bình giảng bài thơ này làm mẫu để học sinh trung học thi tốt nghiệp, thi đại học và cao đẳng, in trong cuốn "GIẢNG VĂN CHỌN LỌC VĂN HỌC VIỆT NAM - VĂN HỌC HIỆN ĐẠI", NXB Đại học Quốc gia Hà Nội -2001. Nhận thấy bài bình giảng "Tràng Giang" trên còn có nhiều điều chưa chuẩn xác, chúng tôi xin phép được trao đổi với ông Trần Đình Sử, ngõ hầu mong các vị thức giả trong nước chỉ giáo.

Chẳng cần phải "giải mã" bằng các thao tác phân tích sâu xa gì, chỉ cần bất cứ ai có trình độ sơ cấp, nếu đã đọc "Tràng Giang", đều thấy bài thơ này tác giả mượn cảnh sông nước đìu hiu buổi chiều để không chỉ ca ngợi vẻ đẹp của quê hương, mà chính là muốn bày tỏ nỗi sầu, nỗi cô đơn của con người trước vũ trụ. Ông Trần Đình Sử đã nhìn thấy phần nhô lên của tảng băng - thơ "Tràng Giang" và phân tích được điều này. Nhưng cái phần chìm của tảng băng - thơ "Tràng Giang", rất tiếc, ông chưa tìm ra cách gọi tên! Chung quy cũng bởi ông đã hiểu chưa đúng nghĩa đen của nhiều câu thơ trong "Tràng Giang". Chúng tôi xin dẫn giải, chứng minh.

Giảng nghĩa đen câu thơ "Con thuyền xuôi mái nước song song", ông Sử viết: "Ở đây con thuyền buông mái chèo xuôi dòng (xuôi mái) theo dòng nước nhưng thuyền và nước chỉ "song song" với nhau, chứ không gắn bó gì với nhau". Khi "thuyền" và "nước" đang trong cảnh "xuôi chèo mát mái" (xuôi chèo) chảy song song nhau trong một tư thế gắn bó, hòa hợp, êm ấm, thơ mộng, sao dám bảo "chúng không gắn bó gì với nhau"? Trong ngữ cảnh câu thơ "Con thuyền xuôi mái nước song song", "thuyền" và "nước" đã là đôi uyên ương thắm thiết; nên ngay câu sau, mới xuất hiện nỗi "sầu trăm ngả" của "nước" khi xa bạn tình bởi việc "thuyền về": "Thuyền về nước lại sầu trăm ngả"! Việc ông Sử bảo "thuyền" và ''nước" "không gắn bó gì với nhau", trong khi thực sự chúng yêu nhau vô cùng nên càng đau đớn khi chia ly, là hiểu sai hoàn toàn nghĩa đen câu thơ.

Khi giảng nghĩa đen hai câu: "Nắng xuống, trời lên sâu chót vót/ Sông dài, trời rộng, bến cô liêu" người bình thơ viết: "Hai dòng cuối càng tô đậm thêm cảm giác lạc lõng: nắng xuống, trời lên không chỉ gợi ra khung cảnh nắng chiều, mà bản thân hai hướng lên xuống, như không ăn nhập với nhau, và sông dài, trời rộng càng tăng thêm cái vắng vẻ của bến sông. Cô liêu là vắng vẻ. Trong hai dòng này nhà thơ đã đem đặt bên nhau những yếu tố vốn không có gì là buồn để tạo nên một cảnh buồn. Giữa các yếu tố đó đều có đặt dấu phẩy (,)".

Ta thử đọc lại câu thơ: "Nắng xuống, trời lên sâu chót vót" để xem lời giải nghĩa của ông Sử là "Bản thân hai hướng lên xuống, như không ăn nhập với nhau" có đúng không? Nhìn bề ngoài, có vẻ "nắng xuống, trời lên" như "không ăn nhập với nhau" thật. Nhưng ngẫm một chút, mới thấy "nắng xuống" để "trời lên" là biện chứng của nhau, là hai mặt của một thực thể "chiều"! Nó giống như hai đầu của cái bập bênh tạo hóa: "nắng xuống" thu cái chói gắt về giấu vào hoàng hôn để chiều dịu lại, xa thêm, làm thinh không cao hơn thành hun hút: "trời lên". Có phải trong hai dòng cuối của khổ thơ thứ hai, Huy Cận "đã đem đặt bên nhau những yếu tố vốn không có gì là buồn để tạo nên một cảnh buồn" hay không? Về điều này, ông Sử đã lầm. "Nắng xuống" để hoàng hôn, cho một ngày sắp tắt vốn sẵn một nỗi buồn chiều. Xưa nay, thơ văn thường mượn buổi chiều, buổi "nắng xuống" mà bày tỏ nỗi buồn của con người đó sao? "Trời lên sâu chót vót" cũng tạo một cảm giác buồn. Xuân Diệu từng viết: "Hôm nay trời nhẹ lên cao/ Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn". Trong thiên nhiên phàm cái gì cao quá, sâu quá, dài quá, rộng quá, lớn quá...đều mang đến cho con người cảm giác buồn. Thế thì cả ba nhịp ngắt, ba yếu tố sông, trời, bến của câu thơ: "Sông dài, trời rộng, bến cô liêu" mỗi nhịp đều là ký hiệu của một nỗi buồn riêng. Bến "cô liêu" được ông Sử giải nghĩa là vắng vẻ là chưa hoàn toàn đúng. Nghĩa từ điển của "cô liêu" là lẻ loi, hoang vắng. Đã vừa lẻ loi, vừa hoang vắng thì buồn quá đi chứ. Tóm lại, trong năm yếu tố, năm nhịp thơ được Huy Cận dùng dấu phẩy (,) để chia ra thành năm mảnh, mảnh nào cũng man mác buồn. Cộng năm mảnh buồn nhỏ lại, hai câu thơ trên mới biểu thị một nỗi buồn lớn hơn. Việc ông Sử giải thích các nghĩa đen hai câu thơ cuối của khổ thơ thứ hai bài "Tràng Giang" như trên, chứng tỏ ông chưa hiểu nổi khổ thơ này.

Ta hãy nghe ông Sử giải nghĩa khổ thơ thứ ba: "Khổ thứ ba vẫn tiếp tục mạch cảm xúc về sự hờ hững, mất hết liên lạc giữa các sự vật: "Bèo dạt về đâu hàng nối hàng/ Mênh mông không một chuyến đò ngang/ Không cầu gợi chút niềm thân mật/ Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng". Vẫn các sự vật đặt bên nhau: bèo hàng nối hàng, bờ xanh tiếp bãi vàng, hai bờ sông mênh mông không cầu, không đò ngang, tạo thành một thế giới không liên hệ..." "...Mọi vật thì vẫn có, nhưng không vật nào có ý tìm nhau, đến với nhau, cần đến nhau..." Đọc thoáng qua khổ thơ thứ ba, cảm giác đầu mang lại cho chúng ta chừng như ủng hộ kết luận về "một thế giới không liên hệ" của ông Trần Đình Sử. Nhưng đọc lại khổ thơ không chỉ bằng mắt mà bằng tâm hồn, bằng chiều sâu của tư tưởng, tình cảm, mới thấy ông Sử hiểu thơ Huy Cận như trên là chưa đúng. Các sự vật trong khổ thơ thứ ba tưởng "hờ hững" mà thực ra không chút hững hờ. Ngay cả những đám "bèo dạt" "hàng nối hàng" kia cũng hừng hực một nhiệt tình, một hăm hở đi tìm vô định: "Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng". Bản chất của bèo, nghề nghiệp của bèo là trôi dạt, là cuộc hành hương tìm cái không đâu vô bờ bến. Bèo chỉ buồn vì nỗi hững hờ không được trôi dạt, không được lang thang. Nó có cái vui được vừa đi vừa nở hoa, vừa đi vừa tụ lại rồi tan tác, hợp hợp tan tan là đam mê và lẽ sống của kiếp bèo. Nay, nhờ tình thơ Huy Cận, bèo lại được họp thành làng, thành xã, được tập thể hóa mà trôi, mà vun vút, hăm hở, "hàng nối hàng'' vui như hội, có đâu lại ''hững hờ", "mất hết liên lạc với nhau", "không tìm nhau, đến với nhau, cần đến nhau" như lời bình vô cảm của ông Trần Đình Sử? Ngay cả sự "không cầu", "không đò" qua sông tăng thêm chiều dài rộng, chiều sâu khôn cùng, giúp không gian tịch lặng càng thêm tịch lặng, chính là để tạo "máng cỏ'' cho hồn thơ giáng thế trong trắc ẩn nồng nàn tạo vật, tuyệt nhiên cảnh đượm tình này không chút "hững hờ". "Bờ xanh tiếp bãi vàng" về bề ngoài, có vẻ lặng lẽ, nhưng trong chiều sâu bờ thẳm kia là động vang của huy hoàng "xanh" tiếp rực rỡ "vàng", tạo cho âm hưởng bên trong cất tiếng nói trữ tình nồng ấm. Mọi sự vật trong khổ thơ đều được nối với nhau bằng "cầu" bằng "đò" không nhìn thấy là hồn thơ, tình thơ Huy Cận bảng lảng, nồng nàn khắp nơi. Chính Trịnh Công Sơn, qua ca khúc của mình, chừng như đã giúp ta bình khổ thơ thứ ba của Huy Cận một cách thật hay: "Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau". Chính nỗi bơ vơ của dòng "Tràng Giang" không cầu, không đò kia đã núp vào cái bơ vơ của hồn Huy Cận mà hết nỗi bơ vơ ngay khi nhận ra "Bờ xanh tiếp bãi vàng" thân mật.

Những khái quát của ông Trần Đình Sử về "Tràng Giang" ví như: "Nay Huy Cận một mình đối diện với khung cảnh vô tình..." là hết sức sai. Cảnh vật thiên nhiên nếu không có con người thì đều là cảnh vật vô cảm, vô tình cả. Nhưng cảnh vật trong "Tràng Giang" đâu còn là cảnh vật thuần tuý tự nhiên. Nó là cảnh vật đã được Huy Cận hoá, thơ hóa, hồn vía hoá nên là cảnh vật đẫm tình người. Nguyễn Du đã viết rất rõ về điều này như sau: "Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu/ Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ". Bảo cảnh vật trong bài thơ "Tràng Giang" đều là cảnh vật vô tình như ông Sử trên không chỉ không hiểu được Huy Cận, mà còn không thể nào đọc được thơ nói chung. Ông Trần Đình Sử tiếp tục phát triển cái nhận xét sai lầm về thơ Huy Cận nói riêng và về thơ nói chung bằng cách viết như sau: "Cái buồn như toát ra từ cấu tạo của thế giới, từ cái đẹp thiếu tình người, từ sự mất liên lạc có tính phổ quát gây ra". Bảo cảnh vật, bảo nỗi buồn trong bài thơ "Tràng Giang" sinh ra từ "cái đẹp thiếu tình người", "từ sự mất liên lạc" của thế giới như ông Sử viết trên là cách tốt nhất để giết chết hồn thơ Huy Cận vậy...

  • Trần Mạnh Hảo
    TP.HCM 9/6/2003

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Nhà văn Võ Thị Hảo với Giàn thiêu (03/07/2003)
''Thơ ca tạo một thế giới bên cạnh chúng ta...'' (03/07/2003)
Thực tế buồn về văn học Việt Nam được dịch ở Pháp (02/07/2003)
"Tôi thấy Hồ Xuân Hương đã bị oan!'' (01/07/2003)
''Một thiên nằm mộng'' - đánh thức những điều giấu kín (30/06/2003)
Thơ xứ ta lắm chuyện... (27/06/2003)
Tác giả Harry Potter giao lưu với độc giả "nhí" (27/06/2003)
Các nhà sách ở TP.HCM: Cần thay đổi phương thức hoạt động (26/06/2003)
Về "đầu máy" nào đây cho "cỗ xe phê bình văn học"? (26/06/2003)
Sách cho thiếu nhi - thiếu hay thừa ? (25/06/2003)
Vài mẩu chuyện về nhà thơ Trần Mạnh Hảo viết phê bình? (19/06/2003)
“Cả giận mất khôn” và logich “hàng tôm hàng cá”! (18/06/2003)
“Cả giận mất khôn” và logich “hàng tôm hàng cá”! (18/06/2003)
Franz Faber - người đầu tiên dịch Truyện Kiều sang tiếng Đức (17/06/2003)
ông Nguyễn Hoà “ăn ốc nói mò” (13/06/2003)
Tro ve dau trang