|
Nhà văn Võ Thị Hảo. |
Võ Thị Hảo, một trong những cây bút viết truyện ngắn nổi bật hiện nay, với những tác phẩm ''đóng đinh'' trong trí nhớ người đọc như Người sót lại của Rừng Cười, Biển cứu rỗi... đã bất ngờ bước sang thể loại tiểu thuyết lịch sử, lâu nay vốn được coi là lãnh địa của các nhà văn nam. Một tháng nữa, tiểu thuyết lịch sử Giàn thiêu, tiểu thuyết đầu tay của chị sẽ ra mắt độc giả.
- Ở Việt Nam, viết tiểu thuyết lịch sử thường là những cây bút nam. Chuyện gì sẽ xảy ra khi một nhà văn nữ nhảy vào cuộc?
- Một số người sẽ để ý kỹ hơn, xem tôi có làm nên cơm cháo gì chăng? Thực ra, viết những câu chuyện của quá khứ, tái hiện một góc khuất của một thời đại nào đó là chuyện hết sức bình thường, bởi vì tất cả đều phải xuất phát từ cảm hứng đương đại và trở về đương đại. Thời còn học đại học, tôi có học về chuyên ngành Hán - Nôm, nên cũng có một chút thuận lợi khi chọn đề tài lịch sử.
- Gần đây, truyện ngắn của chị xuất hiện rất thưa thớt, có phải để dồn sức vào Giàn thiêu?
- Đúng thế. Viết tiểu thuyết thật nhọc nhằn, nhất là khi tôi có quá ít thời gian. Nhiều lúc tôi nghĩ: Chẳng việc gì phải viết. Không viết cũng có chết ai đâu. Làm gì mà khổ thế này? Nhiều khi muốn vứt bỏ tất cả để có được một bữa ngủ rốn trên giường vào ngày nghỉ, quên mọi sự, quên cả văn chương và báo chí. Nhưng viết văn nó cũng là cái số giời đày, nên cứ phải viết. Và viết xong, thấy cũng... đã!
- Chị mất bao nhiêu thời gian cho tiểu thuyết này?
- Tôi không nhớ. Vì chỉ có thể viết nó vào ngày nghỉ cuối tuần. Còn ngày thường, tôi dành hết cho việc làm báo và con cái cũng như bao nghĩa vụ trên đời. Tôi bắt đầu ''giam'' mình trong phòng cả ngày là vào mùng 5 tháng giêng âm lịch năm 2001. Cứ mỗi tuần tự ''giam'' mình như thế, tôi viết được một chương. Viết được khoảng 20 chương thì nghĩ là xong. Sau đấy, sửa đi sửa lại 5 lần, luôn tự hỏi: Liệu mình có làm mất thì giờ của người đọc không? Và kiên quyết gạt bỏ những gì chưa vừa ý. Cuốn Giàn thiêu hiện nay là 25 chương, khác nhiều so với ban đầu.
- Điều gì ở Từ Đạo Hạnh, nhân vật chính của tiểu thuyết đã cuốn hút chị?
- Từ trước, tôi đã nghĩ rằng, nếu viết tiểu thuyết, cuốn đầu tiên sẽ là về... tôi. Trả xong những ''món'' uẩn ức của chính mình, mới rảnh tay để bước sang tiểu thuyết lịch sử. Nhưng rồi một ngày, có một người đến gặp tôi và nói: ''Em hãy viết đi. Nếu không viết, em sẽ đánh mất chính em! Và hãy viết về đề tài này. Nó sinh ra là để dành cho em!''. Đầu tiên, tôi nổi khùng . Nhưng nghĩ lại, thấy mê câu chuyện về một người đã sống qua hai kiếp và kiếp sau chính là sự nổi loạn của chính anh ta chống lại kiếp trước. Đó là một người mang tên Từ Đạo Hạnh.
- Vậy ngòi bút của chị sẽ xuôi theo hay lật lại những gì chính sử đã khẳng định về nhân vật này?
- Giàn thiêu xuất phát từ chính sử, nhưng tôi tuân theo số mệnh của nhân vật, không nghĩ gì đến ''xuôi theo'' hay ''lật lại''.
- Sau Giàn thiêu, chị đã nghĩ đến một tiểu thuyết lịch sử thứ hai chưa?
- Tiếp theo đây là Dạ tiệc quỷ - cuốn tiểu thuyết về đề tài hiện đại, trong đó có nhiều thứ, mà có một đứa là... tôi. Đề từ của tiểu thuyết này là: ''Mỗi người là một món ngon trên bàn tiệc của quỷ. Tôi cũng vậy. Nhưng tôi là một món ngon luôn nhảy ra khỏi bàn tiệc...''. Trả xong món nợ này đã, rồi sẽ lại ''treo một bức tranh khác của mình lên cái đinh lịch sử''. Nhưng dự định này phải kèm theo một câu rào đón như thông lệ ''nếu không có gì thay đổi''.
(Theo Thanh Niên)
|