''Thơ ca tạo một thế giới bên cạnh chúng ta...''
(VietNamNet) - Ngay từ khi còn là cán bộ kĩ thuật trên công trường thuỷ điện Hoà Bình, Dương Kiều Minh đã một mình trèo lên những ngọn đồi cao nhất vùng hồ. Anh về xuôi, và tập Củi lửa ra đời, gây ngỡ ngàng cho biết bao bạn văn. Bao năm qua, dù hiện giữ cương vị Quyền Chủ tịch Hội VH-NT Hà Tây, con người kín đáo ấy vẫn ngơ ngác trước văn minh kĩ thuật, và quyết liệt khi nói về thơ.
- Nhìn vào thực trạng thơ ca in báo, in sách, hoặc đoạt giải ở các cuộc thi, anh có thấy một khoảng cách nào không giữa thơ của các nhà thơ chuyên nghiệp và loại thơ ''nghiệp dư'' mà ta vẫn gọi vui là ''thơ phường xã''?
- Thứ nhất thoáng nhìn qua nhiều chỗ thấy khó phân biệt. Đương nhiên điều không chỉ tôi, mà đa số công nhận rằng, sàn thơ những năm gần đây đã được điều chỉnh nâng cao hơn trước đây. Thơ đa dạng phong phú hơn, đã đành, thơ còn biểu hiện ở trình độ nghệ thuật cao siêu như đa chiều, đa thanh, đa hình thức.
Tuy nhiên có những tác giả làm thơ cao siêu chỉ với mục đích là muốn người khác thấy mình có vẻ cao siêu. Nhiều nhà thơ chạy theo danh tiếng bằng mọi cách làm thơ mình khác đi. Theo tôi đó là bộc lộ một trong những tiêu cực của việc tìm tòi sáng tạo thi ca.
Trở lại câu hỏi, có nhiều thơ của các CLB tại làng quê nhiều khi đọc và bắt gặp những trăn trở mang độ sâu sắc và rung động chân thành hơn những bài thơ đăng đàng hoàng trên báo trung ương. Nhiều bài thơ trên các báo trung ương (có không ít những tác giả thơ đã quen biết) khi đọc cứ nghĩ là bản in nhầm tên tác giả, bởi những bài thơ này không khác thơ ở các tập do các CLB hưu trí tự xuất bản.
- Thơ ca đương đại của chúng ta tiếp thu được những gì từ thơ ca thế giới?
- Theo thiển nghĩ của tôi, thơ Việt Nam cách đây không dưới 10 thế kỉ đã có sự tiếp thu tinh hoa thơ ca thế giới. Thơ ca đương đại của nước ta tiếp thu tinh hoa thơ ca thế giới, biểu hiện rõ ở hai mặt sau. Một là tích cực: tiếp thu về kĩ thuật thơ, với các hình thức nghệ thuật đa dạng, nhiều chiều. Điều lớn nhất là tiếp thu một tinh thần, một cái nhìn bao trùm thế giới. Từ đấy cho thấy, trên thế gian này, không chỉ có những con người sinh ra, lớn lên mang quốc tịch Việt Nam mới có hy vọng, khổ đau, luôn khát khao vươn đến một thế giới hoà đồng, mà con người trên khắp hành tinh đều mang những nỗi niềm như vậy.
Một nhà thơ Xô Viết đã nói: ''Muốn nhanh chóng chinh phục vũ trụ, cần đào tạo những nhà thơ ngay từ trường phổ thông''. Thơ ca tạo ra một thế giới vô cùng phong phú và hấp dẫn bên cạnh thế giới chúng ta đang sống. Thế giới thi ca như một thứ môi trường sinh thái làm cân bằng lại đời sống tinh thần của nhân loại.
Hai, về mặt tiêu cực: xuất phát từ sự nóng vội, biểu hiện mình, mong nhanh chóng có thành công, nhiều nhà thơ đã tự làm mình méo mó đi, hoặc giả méo mó, để đặt vừa với cái hình thức thi ca hiện đại của thế giới. Ở một chừng mực nhất định, những sự nóng vội khiên cưỡng này đã gây ô nhiễm phần nào bầu không khí thi ca của chúng ta.
- Có phải Việt Nam là nước chưa có một nền văn hoá đồ sộ nên chúng ta chưa có những tác phẩm đủ điều kiện xét trao giải ở những giải thưởng văn học lớn như Giải Nobel?
- Điều đó không đúng! Theo tôi cái để văn học của chúng ta chưa lớn ngang tầm thế giới là bởi những nhà văn còn vướng những căn tính sau. Một, sự mặc cảm hoặc sự sĩ diện thái quá. Hai, sự sớm tự thoả mãn. Nhà thơ chưa sinh ra thì một vĩ nhân khổng lồ đã ra đời trước nhà thơ đó. Ba, chưa ai vượt qua được giới hạn của những điều tiếng, của miếng cơm manh áo, của danh vọng tiền tài... Không có sự kiên nhẫn lớn lao của những người dám vượt qua ngọn núi lớn, dòng sông sâu, các nhà văn chúng ta mới thực hiện kì tích này trong tâm tưởng, chưa bao giờ thực hiện trong đời thực. Dù đời thực có nghiệt ngã, có phơi bày sự thất bại ngay ra đó, thì muốn có tác phẩm lớn đều phải nhảy xuống dòng sông đó, hoặc bắt đầu bám vào vách đá cheo leo mà lặng lẽ leo lên.
- Là người đang làm công tác quản lí VH-NT, trước sự yếu kém về chất lượng của những tập sách thơ, anh thử đưa ra những điều kiện nên có cho các tác giả muốn in sách thơ?
- Việc xuất bản các tác phẩm văn học mà để lọt những tác phẩm có giá trị nghệ thuật thấp đến với công chúng, lỗi này không thuộc về những người viết ra nó, mà do trình độ của bộ máy nơi biên tập để tác phẩm đó ra đời. Giải pháp nên tập trung vào việc kiện toàn cơ quan đó. Các tác phẩm VH-NT, nếu không mang nội dung xấu, thì rất nên được ra đời càng nhiều càng tốt trước công chúng. Tác phẩm xuất sắc vẫn là xuất sắc dù một trăm năm sau mới được nhận ra.
- Xin cám ơn nhà thơ!
-
Nguyễn Phúc (thực hiện)