(VietNamNet) - Câu hỏi trên khiến nhiều phụ huynh học sinh, các nhà quản lý giáo dục và xuất bản đều phân vân, bởi một thực trạng là sách viết cho thiếu nhi hiện nay vừa thừa, vừa thiếu. Thử nhìn vào sách thiếu nhi đang được bày bán ta sẽ thấy. Nhiều đầu sách thu hút các độc giả nhí lại là truyện tranh của nước ngoài, và không ít cuốn mang tính bạo lực. Còn các sách của các tác giả Việt Nam? Chỉ như một vài ''hạt cát giữa sa mạc mênh mông'', nhưng không phải ''hạt cát'' nào cũng sáng !
|
Sách là nhu cầu thiết yếu của trẻ em, nhưng chúng đã được đáp ứng tới đâu? |
Trẻ em chiếm tới 40% dân số cả nước. Từ lâu, công tác giáo dục, chăm sóc về vật chất và tinh thần cho những chủ nhân tương lai của đất nước luôn được coi là vấn đề quan trọng hàng đầu trong chiến lược phát triển con người. Nhu cầu đọc là thiết yếu đối với các em. Vì vậy, để cho ra đời một sản phẩm phục vụ các độc giả nhí vừa mang tính giáo dục vừa lý thú là điều không hề đơn giản cho các nhà xuất bản.
Trên thực tế, mảng sách thiếu nhi hiện nay còn quá nhiều truyện tranh nước ngoài mang tính bạo lực. Sách viết cho trẻ em của Việt Nam chỉ chiếm trên 15%. Sách nước ngoài, nhất là truyện tranh Nhật Bản đã thực sự chiếm lĩnh thị trường truyện tranh bấy lâu nay. Nhà xuất bản Kim Đồng và Nhà xuất bản Trẻ là hai ''nguồn'' truyện tranh thiếu nhi đang dẫn đầu.
Trước đây, các truyện tranh nhiều kỳ như ''Đôrêmôn'', ''Bảy viên ngọc rồng''... dù đã được in với số lượng lớn nhưng nhà xuất bản Kim Đồng vẫn phải tái bản nhiều lần. Tranh truyện Nhật Bản xuất hiện ở hầu hết các nhà sách lớn như Trung tâm sách Việt Nam, Nhà sách Tiền Phong hay bất cứ điểm cho thuê truyện nào.
Theo các nhà xuất bản, ưu điểm lớn nhất của truyện tranh là có một phương thức truyền cảm độc đáo, là sự kết hợp hài hoà giữa ngôn từ và hình vẽ. Chính vì lẽ đó, truyện tranh luôn được các độc giả nhí yêu thích và truyện tranh bao giờ cũng bán chạy hơn các thể loại khác. Tuy nhiên, do chạy theo thị hiếu, nhiều nhà xuất bản đã... ''đẻ'' một cách xô bồ. Ra đời một loạt những ''tác phẩm'' với đầy rẫy hình vẽ nhằng nhịt, nội dung toàn những cảnh đấm đá, chết chóc man rợ... Hầu hết các cuốn truyện tranh đều được in bìa cứng, màu đẹp cuốn hút trẻ em nhưng bên trong lại nhoè nhoẹt, loang lổ hai màu đen trắng, cắt xẻ ngang dọc theo... ''hành động'' của nhân vật như ''Cậu bé siêu năng lực'', ''Siêu quậy Sumio'', ''Dấu ấn rồng thiêng'', ''Nijna Hactory'', ''Thám tử lừng danh Conan'', ''Teppi''...v..v...
Ngoài truyện tranh nước ngoài, mảng sách cho thiếu nhi còn có những thể loại khác như truyện cổ tích Việt Nam, truyện cổ tích thế giới, sách văn học... Một biên tập viên ở Nhà xuất bản Văn học cho rằng, đối với truyện viết cho lứa tuổi thiếu nhi, cần có kết cấu truyện khác với đối tượng là người lớn. Nhưng thực tế, trong một số truyện cổ tích thế giới và các nước, khi tuyển chọn và dịch các tác giả đã không chú ý đến đối tượng độc giả là thiếu nhi nên cứ dịch gần như nguyên bản, kể cả một số chi tiết quá sâu vào quan hệ tình cảm lứa đôi.
Các tác phẩm văn học Việt Nam dành cho thiếu nhi từ lâu nay vẫn được coi là quá ''nghèo nàn''. Quanh đi quẩn lại vẫn chỉ là một số truyện cổ tích quen thuộc, phần lớn đã được trích giảng trong các sách giáo khoa. Những tác phẩm văn xuôi hiện đại viết cho thiếu nhi vẫn còn quá ít, hay nói đúng hơn nhà xuất bản làm công việc... tái bản nhiều lần để ''hoàn thành nhiệm vụ''!
Nhiều bậc cha mẹ, nhiều nhà văn, người làm xuất bản tâm huyết cho rằng muốn cho các em có ''kho tàng tri thức'' bổ ích thì chỉ có cách các cơ quan chức năng ''cố gắng'' và kiên quyết loại trừ những tác phẩm thiếu lành mạnh. Cùng với nó là việc chỉnh lý, biên soạn lại những tác phẩm có nội dung chưa phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi. Những tác phẩm văn học trong nước cần được bổ sung về thể loại cũng như số lượng, chất lượng.
Sách cho thiếu nhi ''thừa'' hay ''thiếu'' ? Điều này phụ thuộc rất nhiều vào các ''đầu bếp'', những nhà xuất bản.
|