(VietNamNet) - Những năm gần đây, văn đàn xôn xao vì những bài phê bình của nhà thơ Trần Mạnh Hảo. Không vấn đề gì là ông không khua bút luận chiến cả, từ thơ ca, truyện ngắn cho đến sách giáo dục. Những ai được ngòi bút phê bình của ông đụng đến nếu "biết điều" không "nói năng'' gì thì ông viết một bài, còn ai "nhăm nhe" phản bác lại trên báo chí thì ngòi bút phê bình của ông sẽ tổng lực mổ xẻ... Chính vậy mà câu chuyện phê bình của nhà thơ tài hoa này cũng có nhiều điều ly kỳ, mới mẻ...
Lối phê bình của nhà thơ Trần Mạnh Hảo ấn tượng đến mức mà một nhà phê bình trẻ dù có lối viết cũng rất "hoạt" là Phạm Xuân Nguyên phải thừa nhận là "Cãi đến lu loa, cãi đến tự mâu thuẫn, cãi mọi phương diện, với mọi vấn đề, mọi nhà. Thơ ông đọc vẫn còn được nhưng bài của ông viết đọc không nổi. Vắng giọng ông Hảo trên báo chí mới là lạ".
Quả thật, có một thời gian hầu như ngày nào người đọc cũng có thể đọc một bài phê bình mới của nhà thơ Trần Mạnh Hảo. Ông viết khoẻ và hoạt. Nhà phê bình Nguyễn H. nhận xét: "Lối phê bình của Trần Mạnh Hảo dựa trên hiện trường giả, mà hiện trường giả đó do ông Hảo tự tạo ra. Một lần, có vị Giáo sư đáng kính đúc kết rằng văn học Việt Nam tuy chưa có những giá trị "lớn" nhưng không "nhỏ". Trần Mạnh Hảo liền "chộp" lấy điều này và kết tội Giáo sư kia là "dám" bảo văn học Việt Nam là "tầm tầm" (vì không lớn cũng không nhỏ mà). Cuối cùng Giáo sư kia bị một bài phê bình tơi bời vì dám cho rằng văn học Việt Nam chỉ ở dạng ''tầm tầm".
Trần Mạnh Hảo viết nhiều, đặc biệt ông rất hay phê bình các Giáo sư... văn học. Các Giáo sư có trao đổi lại một thì ông sẽ viết thêm mười. Báo chí được dịp đăng thoả thích. Các công trình của Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh được nhà thơ Trần Mạnh Hảo "phê" nhiều nhất. Phỏng vấn Giáo sư, ông cười: "Con cá heo ảo tưởng muốn dìm quả bóng xuống nước, nhưng nào có được, mình không cần trả lời chữ nào thì tay phê bình ấy cũng nhọc lử cò bợ rồi. Đánh mười bài thì sách mình vẫn tái bản đều, lại còn nhận giải thưởng Nhà nước nữa mới quý...".
Tuy vậy, phải công nhận rằng những bài phê bình của Trần Mạnh Hảo rất hợp với... báo chí. Ông không những xoáy vào vấn đề mà còn dùng nhiều cách để "phân tích" nhân cách cá nhân của những tác giả có công trình mà ông đang phê bình. Nhưng có lẽ kiểu phê bình này không còn tác động đến cuộc sống của những tác giả đó nên những bài viết của ông không có tác dụng như ông mong muốn.
Viết nhiều và "dạn" như vậy, có lẽ nhà thơ Trần Mạnh Hảo tin rằng không có ai có thể "tranh luận" với ông về văn học, mỹ học, giáo dục... Tuy nhiên mới đây, nhà tư tưởng, nhà triết học, nhà phê bình, nhà mỹ học, nhà thần học, nhà thơ Nguyễn Hoàng Đức - người vừa có một bài phê bình rất đặc sắc mổ xẻ giá trị thực của Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, đã nói rằng: ''Tôi đã giử lời thách đấu với nhà phê bình Trần Mạnh Hảo, nhưng ông ấy từ chối". Phải chăng chính vì điều này mà nhà thơ Trần Mạnh Hảo chưa viết một bài phê bình nào về tác phẩm của tác giả Nguyễn Hoàng Đức!
|