“Cả giận mất khôn” và logich “hàng tôm hàng cá”!
12:41' 18/06/2003 (GMT+7)

(Trả lời bài Ông Nguyễn Hoà “ăn ốc nói mò” của Phạm Thị Thu Hiền - VietNamNet 15:47’ ngày 13.6.2003)

Cách đây hai ngày tôi đã có trong tay một bản photocopy bài Ông Nguyễn Hoà “ăn ốc nói mò” và sau khi đọc xong, tôi chỉ coi đó là sản phẩm của một lần cô giáo “cả giận mất khôn”. Nhưng hôm nay (17/6) tình cờ vào VietNamNet thấy bài viết mang phong cách “anh chàng ở làng Vũ Đại” của cô, nên tôi viết bài này để thưa lại với cô, dẫu có thể ngay lúc này biết đâu cô lại chẳng đang miệt mài tại một “lò luyện thi” nào đó ngay giữa lòng Hà Nội thì sao (?!).

Để mở đầu, tôi thành thật xin lỗi cô giáo Thu Hiền vì họ tên Nguyễn Hoà của tôi đã làm cho cô phải nhọc lòng phân vân không biết tôi là “con gái” hay “con trai”, và qua đây cũng xin lưu ý cô giáo: khi đã đặt ra nghi vấn không biết người đối thoại “có phải là con trai không” thì không ai lại đi gọi người ta là “ông” cả. Tại sao lại như vậy thì tôi tin một cô giáo dạy văn ở một trường Chuyên nổi tiếng như trường Trung học phổ thông (THPT) Lam Sơn lại không có khả năng tự giải thích. Nhưng thôi, đó là chuyện ngoài lề, vì điều tôi muốn thưa với cô giáo trong phần mở đầu bài này là cách đây hai ngày tôi đã có trong tay một bản photocopy bài Ông Nguyễn Hoà “ăn ốc nói mò” và sau khi đọc xong, tôi chỉ coi đó là sản phẩm của một lần cô giáo “cả giận mất khôn” (giống như cô giáo gì ở Miền Trung vừa bắt học trò “liếm ghế” vậy!). Nhưng hôm nay (17.6.2003) tình cờ vào VietNamNet thấy bài viết mang phong cách “anh chàng ở làng Vũ Đại” của cô đã được đăng tải, nên tuy còn băn khoăn “liệu ở trường THPT Chuyên Lam Sơn có một cô giáo dạy văn tên là Phạm Thị Thu Hiền thật hay không?” tôi vẫn viết bài này để thưa lại với cô, dẫu có thể ngay lúc này biết đâu cô lại chẳng đang miệt mài tại một “lò luyện thi” nào đó ngay giữa lòng Hà Nội thì sao (?!).

Thưa cô giáo, quả thật tôi rất lấy làm cảm kích về việc hai điều băn khoăn của tôi trình bày trong bài Bình giảng tác phẩm văn chương và những bài văn mẫu (Báo Văn nghệ Trẻ số 23, ra ngày 8/6/2003) lại được cô giáo quan tâm và dành cho những nhận xét ưu ái theo tinh thần “hàng tôm hàng cá” và với một thứ “logich trẻ con” như vậy. Tuy nhiên trước hết lại xin bàn về điều cô khẳng định: “Tôi thấy hai điều băn khoăn của ông Hoà chẳng có căn cứ nào cả. Tôi cho là ông Hoà chỉ “nghe hơi nồi chõ” ở đâu đó, rồi tự đặt ra các tình huống và cứ thế la lên những điều mình tự bịa ra. Đó là thủ thuật viết gần đây của một số người, trong đó ông Nguyễn Hoà là khá tiêu biểu”. Đoạn văn trên cho thấy cô giáo rất tự tin, y hệt như khí thế của chàng Don Kihote trước chiếc cối xay gió. Nó còn cho thấy cô giáo đọc bài vở tôi viết cũng nhiều và kỹ đến mức có thể đanh thép khái quát về chúng, đến mức có thể quả quyết tôi là người tiêu biểu cho những tác giả chuyên “bịa và la”, để từ đó vu cáo tôi một cách tuỳ tiện mà tảng lờ một thực tế: nếu tôi “bịa” có hệ thống như thế thì chắc chắn báo chí đã tẩy chay bài vở của tôi và những con người tôi từng nhắc đến trong các bài viết của mình (những GS TS “đạo văn”, những GS TS viết lăng nhăng…) chắc chắn sẽ không chịu ngồi yên và họ đâu cần phải nhờ đến cô mau mắn phát hiện. Tôi nghĩ một cô giáo dạy văn (rộng hơn là những người dạy văn) muốn phân tích một văn bản bao giờ cũng phải đọc kỹ để xem người ta nói gì. Nhưng tôi thấy trong lúc “cả giận” cô giáo đã “mất khôn” nên không bình tĩnh để đọc cho kỹ (hay năng lực cô giáo cũng chỉ đến vậy?). Xin dẫn vài ví dụ:

1. Trong bài Bình giảng tác phẩm văn chương và những bài văn mẫu tôi viết: “… có điều gì đó hơi băn khoăn khi chỉ thấy các tác giả có chức danh GS, PGS hoặc học vị TS mới có khả năng thiết kế chương trình, biên soạn sách giáo khoa môn văn và chỉ có họ mới có thể bình giảng tác phẩm văn chương để sử dụng trong nhà trường”, nhưng cô giáo lại đi “dạy khôn” tôi rằng: “Thứ nhất, làm chương trình, viết sách giáo khoa và sách tham khảo trong nhà trường không chỉ có các GS, PGS, TS như ông nói. Tôi chỉ cần nêu ra cuốn Giảng văn chọn lọc văn học Việt Nam mà các ông đang phê phán thì đã thấy có hàng loạt các vị có phải là GS, PGS hay TS gì đâu… Thứ hai chẳng có ai quy định “chỉ có họ mới có thể bình giảng tác phẩm văn chương để sử dụng trong nhà trường” như ông Hoà nghĩ. Tôi xin mách ông Hoà một tin: NXB Giáo dục đang kêu gọi thi viết sách tham khảo cho chương trình mới đấy…”. Theo tôi trong trường hợp này cô giáo cần kiểm tra lại thị lực của mình để rà soát kĩ xem “thứ nhất” có bao giờ tôi bàn tới cuốn Giảng văn chọn lọc văn học Việt Nam hay không và “thứ hai” là việc “thiết kế chương trình, biên soạn sách giáo khoa môn văn và chỉ có họ mới có thể bình giảng tác phẩm văn chương để sử dụng trong nhà trường” thì có dính dáng gì tới chuyện thi viết sách tham khảo. Nếu là một người cầu thị, biết lo lắng cho sự nghiệp “trồng người” thì hẳn cô giáo phải lấy làm buồn lòng khi thấy NXB Giáo dục phải mở cuộc thi viết sách tham khảo chứ!

2. Tôi băn khoăn “khi thấy một hội đồng biên soạn sách giáo khoa môn văn được tổ chức theo lối “đào kép mới” liệu có khả năng phát triển, làm mới những gì mà mấy chục năm nay đối với họ đã trở nên khuôn sáo và rồi đây sản phẩm do họ làm ra có rơi vào tình trạng “cốc mới bia cũ” (xin lưu ý: trong nguyên bản là “bổn cũ soạn lại” và Văn nghệ Trẻ biên tập thành “cốc mới bia cũ” - NH) hay không?” là tôi đưa ra một câu hỏi, nhưng không biết do “thẩm văn” và suy nghĩ thế nào cô giáo lại quay ra bắt bẻ nó bằng một thứ ngôn ngữ hùng hồn có kèm theo cả các văn bản nữa thì buồn cười thật. Chẳng lẽ tôi không có quyền đưa ra một câu hỏi chăng, hay đây là do thói quen của cô giáo trên bục giảng. Thế mới biết cái sân trường THPT Lam Sơn cũng hẹp lắm, cô giáo nhỉ!

3. Cô giáo Thu Hiền còn bắt bẻ tôi thế này mới vui chứ: “Trong đoạn kết bài ông Hoà vừa nêu, tôi cũng thể hiểu được vì sao từ chỗ cho rằng “chỉ có các GS, TS ở trường đại học có quyền viết sách giáo khoa, sách tham khảo” ông Hoà lại suy luận “Vậy chẳng lẽ các thầy cô dạy văn ở trường phổ thông (những người trực tiếp giảng dạy và hiểu rõ học sinh cần gì, khả năng ra sao…) chỉ là cái “loa” phát thanh, chỉ là cái cassette của các giảng viên đại học ư?”. Việc thiết kế chương trình và viết sách giáo khoa, sách tham khảo với việc giảng dạy cụ thể của chúng tôi chỉ có tác dụng ủng hộ lẫn nhau chứ có chống nhau gì đâu. Chẳng có sách nào bắt chúng tôi phải theo y nguyên cả”! Ô hay, ý tưởng về việc giáo viên các trường phổ thông - “những người trực tiếp giảng dạy và hiểu rõ học sinh cần gì, khả năng ra sao…”, được tham gia soạn sách giáo khoa thì có gì là đáng phê phán và giáo viên không dạy y nguyên như sách thì sách soạn ra để làm gì. Dạy ở trường Chuyên nên cô giáo Hiền có thể không chỉ dạy theo sách, nhưng tình trạng các giáo viên chấm thi tốt nghiệp THPT, chấm thi đại học phải loay hoay không biết nên chấm điểm thầy mình, chấm điểm bạn mình, hay chấm điểm học sinh học thuộc lòng các bài văn mẫu để chép nguyên xi trong bài làm… lại cho thấy cái việc không sách nào bắt “phải theo y nguyên” cũng chỉ là một thứ “tự tán tụng” chứ có mang ý nghĩa gì đâu!

4. Tự tin như đã thủ sẵn chân lý trong túi, từ cái sân trường bé nhỏ nhìn lên thấy bầu trời chỉ nhỉnh hơn sân trường một chút, cô giáo Hiền viết tiếp: “Trong bài viết của mình, ngoài những điểm “nghe lỏm, nói dựa” như trên, ông Hoà còn mâu thuẫn với chính mình trong cách lập luận “đổ tội” cho dạy học văn hiện nay. Đoạn giữa bài ông viết: “Tôi tin Bộ Giáo dục và Đào tạo không có ý tưởng dạy - học môn văn tương tự như dạy các môn toán lý hoá …, nhưng hiện tại thì dường như việc dạy - học môn văn lại đang rơi vào tình trạng ngược lại, nghĩa là người ta đang biến việc học văn thành việc học thuộc lòng những “công thức văn chương” được rút ra từ các bài văn mẫu”… Nhưng ngay đoạn sau, ông Hoà lại viết: “Thật kỳ quặc, trong khi ở môn toán người ta khuyễn khích HS (xin lỗi cô giáo, tôi viết là “học sinh” hẳn hoi chứ không coi các em chỉ xứng đáng với hai chữ viết tắt HS như cô đâu, và nếu muốn viết tắt thì trước đó cô phải tiến hành một thao tác gì đó đã chứ - NH) tìm tòi những lời giải hay cho một đề toán, thì ở môn văn người ta lại tập cho HS thói quen học vẹt…”. Rõ ràng ở trên ông có ý phê môn toán chỉ là môn học thuộc các công thức, thì ngay ở dưới ông lại ca ngợi dạy học môn toán là khuyến khích HS tìm tòi những lời giải hay. Xem ra cái cách của ông là cứ nói phứa ra, đổ tội hết cho dạy học môn văn còn các môn khác thì thế nào cũng được”. Với đoạn văn trên đây của cô giáo, tôi buộc phải phân tích kỹ một chút để giúp cô giáo tự thấy ngượng ngùng vì mình đã “Euréka” ra một điều mà mình không hiểu.

Thưa cô! Bởi toán học là bộ môn khoa học chính xác nên học sinh phải học thuộc lòng những công thức, những định lý, những định nghĩa…, song khi vận dụng vào giải các bài toán thì người ta lại khuyến khích sự sáng tạo sao cho học sinh có thể tìm ra lời giải hay nhất, ngắn nhất… Trong khi đó văn học lại không giống như toán học, và cô giáo hẳn biết: không thể đưa ra một định nghĩa duy nhất đúng về truyện ngắn hoặc một định nghĩa duy nhất đúng về thơ, cũng không thể đưa ra một phương pháp duy nhất đúng để phân tích tác phẩm văn học. Tương tự như thế, một bài bình giảng dù hay đến đâu cũng chỉ là một cách tiếp cận tác phẩm. Từ sự gợi mở của một (nhiều) định nghĩa về thể loại, từ sự gợi mở của một (nhiều) bài bình giảng, từ cảm xúc của chính mình… học sinh sẽ đi xa hơn, sẽ làm cho sự khám phá tác phẩm ngày càng sâu sắc hơn. Nếu học sinh chỉ nhập tâm một định nghĩa về truyện ngắn, một định nghĩa về thơ, hoặc học thuộc lòng một bài bình giảng tác phẩm văn chương… là “bức tử” văn học, là làm thui chột năng lực cảm thụ thẩm mỹ của học sinh. Tôi tin mình viết không có gì là mâu thuẫn, chỉ hơi bị buồn thay cho sự hời hợt của cô giáo. Lại nghĩ, khi đã tự tin thái quá người ta dễ đẩy mình vào những tình huống bi hài mà nếu ai đó “biết mình biết người” sẽ không mắc phải!

5. Trong toàn bộ bài viết Ông Nguyễn Hoà “ăn ốc nói mò”, cô giáo Thu Hiền luôn ngầm tỏ ra là người dạy văn nghiêm chỉnh, không máy móc, rập khuôn… mà điển hình là cái món không “y nguyên” như đã dẫn ở trên. Nhưng qua cung cách cô nhầm lẫn giảng đường với diễn đàn báo chí, qua cung cách cô “dạy” tôi phải viết như thế nào cho “sạch nước cản” thì lại thấy cô máy móc, rập khuôn đến kỳ quái. Cô viết: “Tôi phải nhắc ông không có môn nào là môn toán lý hoá, nghĩa là giữa tên các môn đó phải có dấu phảy”. Kinh thật, chắc cô tự coi mình là “cô” của thiên hạ nên với ai cô cũng có thể dạy dỗ. Chẳng lẽ cô không nhìn thấy tôi viết: “các môn toán lý hoá” chứ đâu có viết “môn toán lý hoá”!

Đoạn sau đây mới diễn tả đầy đủ sự sắc sảo vô duyên của cô Phạm Thị Thu Hiền - người tự hào vì được đứng trên bục giảng để dạy cho học sinh những công thức ngữ pháp “bất biến”. Cô viết: “Đây là một câu văn của ông Hoà: “Một bài phân tích, bình giảng tác phẩm văn chương được đăng trên báo chí có thể không được dư luận chú ý, song một bài phân tích, bình giảng tác phẩm văn chương được viết nhằm mục đích trau dồi hiểu biết và rèn luyện năng lực cảm thụ văn chương cho học sinh thì sẽ được dư luận quan tâm bởi nó phải đáp ứng những đòi hỏi về tính chuẩn xác ở cấp độ cao, nó phải vượt qua sự tán thưởng theo lối thù tạc “mẹ hát con khen hay” của nhóm người biên soạn để nhận được sự đồng thuận của số đông và luôn phải được nhìn nhận như một tài liệu tham khảo, có ý nghĩa hướng dẫn, gợi mở, chứ không thể trở thành những đơn vị kiến thức cơ bản”. Tôi chưa nói việc dùng từ và các liên từ lập luận trong câu văn trên của ông Hoà nhiều chỗ thiếu chính xác. Chỉ thấy về diễn đạt thì cũng đủ thấy khó ai có câu văn dài kỷ lục và tăm tối như thế (140 chữ, nếu máy tính của tôi đếm không nhầm). Tôi đã nêu câu văn này như một bài tập sửa lỗi diễn đạt trong giờ tiếng Việt và một học sinh của tôi đã sửa lại như sau: “Một bài phân tích, bình giảng tác phẩm văn chương đăng trên báo có thể không được dư luận quan tâm. Nhưng cũng bài phân tích, bình giảng ấy nếu viết nhằm mục đích cung cấp những hiểu biết và rèn luyện năng lực cảm thụ cho học sinh thì sẽ được dư luận chú ý. Vì thế các bài viết này cần phải chuẩn mực. Không nên tán thưởng theo kiểu “mẹ hát con khen hay” mà phải biết lắng nghe ý kiến của số đông. Chỉ nên xem đó như một tài liệu tham khảo, có ý nghĩa hướng dẫn, gợi mở, chứ không nên coi là những tài liệu mẫu bắt buộc”. Đoạn văn viết lại này chỉ còn 115 chữ và được chia làm năm câu chứ không phải một câu như của ông Hoà”.

Thú thật với cô giáo Hiền là tôi chưa thấy ở đâu người ta dạy viết một câu văn có bao nhiêu từ là tối đa, tôi cũng không hiểu thế nào là “các liên từ lập luận”, ở đây tôi chỉ thấy sau khi “cô” chấm câu giúp tôi (xin nhấn mạnh - NH) thì ý tứ của tôi xiêu vẹo hết cả, đang là “văn tôi” nó lại biến thành “văn cô” mất rồi! Viết văn máy móc như cô thì có lẽ mấy trăm nhà văn xứ ta đến phải bỏ nghề mất thôi. Tuy nhiên điều đáng nói là một cô giáo (và ai cũng vậy thôi) thì không nên đi viết một cách “gian xảo” và nếu cô không may bị “đứt dây thần kinh xấu hổ” thì tôi thấy thật đáng lo ngại cho việc dạy - học văn ở trường THPT Lam Sơn. Tôi nói là “gian xảo” bởi: Thứ nhất, cô cần tu sửa lại máy tính vì đoạn văn của tôi do cô dẫn lại gồm 139 “từ” chứ không phải 140 “chữ” như cô nói, cô không phân biệt nổi thế nào là “từ” và thế nào là “chữ” hay sao? Thứ hai, bài Bình giảng tác phẩm văn chương và những bài văn mẫu của tôi in trên báo Văn nghệ Trẻ ra ngày 8.6.2003 tức chủ nhật, còn bài Ông Nguyễn Hoà “ăn ốc nói mò” được cô viết vào ngày 10.6.2003 tức thứ ba, nhưng cô đã kịp “nêu cho học sinh” thì thật đáng ngờ. Cố tình “hạ nhục” người đối thoại bằng cách đưa “học sinh” chấm câu, cô đã vô tình không tính đến ngày tháng. Dựng lên một tình huống giả để “hạ nhục” người đối thoại phải chăng không phải là “gian xảo” và liệu điều đó có xứng đáng với phẩm chất của một người đứng trên bục giảng không, thưa cô?

6. Về việc các GS TS có thật sự là “am hiểu ngoại ngữ và có trình độ chuyên môn cao” như cô quả quyết hay không xin mời cô giáo đọc bài 1/3 giáo sư, phó giáo sư “xứng đáng” được miễn nhiệm chức danh của GS Hoàng Tụy (VietNamNet, 17:55’ ngày 19.5.2003), tôi xin không bàn nữa. Chỉ xin nói thêm rằng để phê phán bài viết của tôi, cô giáo Hiền còn sử dụng nhiều thủ pháp mà bất kỳ một người trưởng thành nào cũng không bao giờ sử dụng. Thật kỳ quái khi thấy cô giáo viết những điều đại loại như: “Xin mời ông cứ việc viết sách bình văn mà bán để kiếm lời. Xin mời ông đi dạy ôn thi như chúng tôi đang làm thử xem có hưởng được chút “màu mỡ” nào như ông tưởng hay không”, hoặc “Tôi nghĩ chỉ cần ông Hoà giỏi ngoại ngữ thì bộ Đại học và Đào tạo nên mời ông ấy vào để thiết kế chương trình và biên soạn sách giáo khoa mới cho môn văn”… Viết như thế thì có khác gì đám con trẻ vẫn bảo nhau: “ấy giỏi thì đi mà làm!” và tất cả sẽ lộn tùng phèo nếu người phê phán nạn phá rừng thì đi mà giữ rừng, người phê phán nạn ma tuý thì đi mà bắt ma tuý, người phê phán thơ thì đi mà làm thơ…!!!.

Tôi buộc lòng phải viết một bài dài dòng như thế này vì không muốn viết bài thứ hai, dù sau đây cô giáo Phạm Thị Thu Hiền có viết gì chăng nữa. Để kết thúc, chỉ xin mạo muội nhắn tới cô giáo rằng trước khi đặt bút hãy cân nhắc cho kỹ càng và cần xác lập một tâm thế ổn định. Và nếu có điều kiện, tôi khuyên cô nên tìm hiểu tại sao giáo lý nhà Phật lại coi Tham - Sân - Si là “Tam độc” đối với con người?!

Nguyễn Hòa

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
“Cả giận mất khôn” và logich “hàng tôm hàng cá”! (18/06/2003)
Franz Faber - người đầu tiên dịch Truyện Kiều sang tiếng Đức (17/06/2003)
ông Nguyễn Hoà “ăn ốc nói mò” (13/06/2003)
Hồi ký của Hillary Clinton bán chạy như tôm tươi (12/06/2003)
Dịch giả Kato Sakae: "Cần những tác phẩm mọi dân tộc đều chia sẻ được" (10/06/2003)
Chuyện về những cây bút phê bình văn học trẻ (06/06/2003)
Dịch giả Đoàn Tử Huyến ''muốn tạo ra một sân chơi" (04/06/2003)
Ông Trần Mạnh Hảo nên đọc kỹ Nguyễn Tuân (03/06/2003)
Cách tân thơ là một giấc mơ... (30/05/2003)
Hy vọng văn học trẻ có những tác phẩm tầm cỡ quốc tế (30/05/2003)
Thật khó tin, nhưng đó là trả lời của NXB Văn học! (29/05/2003)
NXB ''sơ xuất'' vì không biết Nguyễn Ngọc Ngạn là ai (?!) (22/05/2003)
NXB Văn học "luộc" truyện ma của Nguyễn Ngọc Ngạn? (22/05/2003)
Ngày sinh sen nở thay Người (19/05/2003)
Trần Đình Hiến: Khốn khổ vì Mạc Ngôn! (14/05/2003)
Tro ve dau trang