Dịch giả Đoàn Tử Huyến ''muốn tạo ra một sân chơi"
06:59' 04/06/2003 (GMT+7)

(VietNamNet) - Trong thời gian qua, Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây, một tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực văn hoá, đã có những hoạt động gây được sự chú ý của dư luận xã hội. VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Đoàn Tử Huyến, Phó Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Trung tâm Đông Tây.

- Câu hỏi tò mò đầu tiên: gần đây Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây của ông có tổ chức xuất bản được cuốn sách nào đáng chú ý không?

- Theo tôi thì có mấy cuốn: gần đây nhất là Tuyển tập tác phẩm của F. Kafka, một trong những nhà văn lớn nhất thế giới thế kỉ XX. Trước đây truyện của Kafka cũng đã được giới thiệu rải rác ở Việt Nam, nay chúng tôi tập hợp lại, tổ chức dịch thêm một số tác phẩm, biên tập, kết cấu thành một công trình (có cả Phụ lục, Thư mục nghiên cứu) tuy chưa thật hoàn chỉnh nhưng tôi nghĩ là có ích, nhất là nghe nói sắp tới tác phẩm của Kafka được đưa vào dạy trong chương trình nhà trường. Ngoài ra còn Tuyển tập tác phẩm Bunhin (Nga), Cuộc sống không ở đây (tiểu thuyết của M. Kundera, nhà văn Pháp gốc Sec), Truyện ngắn đương đại Nga, Cổ kim tiếu sử (Phùng Mộng Long, Trung Quốc).

- Thế còn sách trong nước?

- Chúng tôi ít làm sách văn học trong nước, chỉ thiên về khảo cứu. Đầu năm có Annam chí lược của Lê Tắc, một cuốn sử rất quan trọng của nước ta; Mục lục phân tích Nam phong tạp chí, của Nguyễn Khắc Xuyên. Có một cuốn chúng tôi làm cũng khá công phu là Một cõi Trịnh Công Sơn, tập hợp hầu hết những bài viết, có nhiều công trình nghiên cứu kỹ lưỡng, sâu sắc về Trịnh Công Sơn, không đơn thuần là một cá nhân nhạc sĩ mà là một hiện tượng âm nhạc, hiện tượng xã hội Việt Nam nửa cuối thế kỉ XX.

- Xin ông cho biết vài nét về quá trình hình thành và hoạt động của Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây.

- Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây đã tồn tại được 4 năm. Nhìn lại mới biết đã là một quãng thời gian tương đối dài, mà việc muốn làm, cần làm, có thể làm còn nhiều lắm, mỗi ngày một nhiều thêm, bất tận. Tôi ước ao Trung tâm sẽ hoạt động bền bỉ, như một tổ chức xã hội, hữu ích, nhưng không biết sẽ ra sao, liệu lực có tòng tâm, điều kiện khách, chủ quan có cho phép?

Việc hình thành Trung tâm nhìn bề ngoài có vẻ đơn giản. Trong cuộc họp sáng lập viên lần đầu tiên tôi đã nói đùa là nó cũng hợp quy luật trời đất: Thái cực sinh Lưỡng nghi, Lưỡng nghi sinh Tứ tượng, Tứ tượng sinh Bát quái, Bát quái biến hoá vô cùng... Tôi và ông Phạm Đức Dương thường cùng uống bia với nhau, ông Dương lúc đó vừa thành lập Hội Nghiên cứu Khoa học Đông Nam Á, nói với tôi là làm sao có được một Trung tâm với tên là Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây. Chúng tôi tìm cách gặp ông Hoàng Thúy Toàn - Phó Giám đốc NXB Văn học sắp nghỉ hưu, chị Hoàng Thị Vinh đang muốn rời Tạp chí Văn học nước ngoài, thế là thành Tứ tượng. Chúng tôi vận động thêm nhiều người và cuối cùng có thêm ba sáng lập viên nữa là các ông Lê Nhân, Vũ Thế Khôi và Trần Đức Mậu. Ông Thuý Toàn làm Giám đốc, chị Hoàng Thị Vinh làm Phó Giám đốc, tôi làm Chủ tịch Hội đồng Khoa học, ông Phạm Đức Dương là Chủ tịch danh dự. Nhà nước cho phép hoạt động, thế là thành Trung tâm.

- Chức năng hoạt động chính của Trung tâm Đông Tây là gì, có phải là kinh doanh sách không?

- Chức năng hoạt động của Trung tâm chúng tôi là góp phần thực hiện việc giao lưu, truyền bá các giá trị văn hoá phương Đông và phương Tây, giữa Việt Nam và nước ngoài. Tổ chức xuất bản sách là một trong những hoạt động đó và trong thời kỳ đầu sau khi được thành lập là hoạt động chính. Nói kinh doanh sách vừa đúng vừa chưa đúng. Đúng là vì làm ra sách chúng tôi phải tìm cách bán để thu hồi vốn và các chi phí khác; còn chưa đúng là vì kinh doanh với nghĩa tìm mọi cách để kiếm được nhiều lãi thì không phải là định hướng của Trung tâm. Nhiều bộ sách Trung tâm làm thực tế là rất khó bán, và biết trước như vậy nhưng chúng tôi vẫn cứ làm và làm kỹ vì đó là những giá trị, chẳng hạn như bộ sách 10 tập Phan Bội Châu toàn tập hay Thiên Nam ngữ lục, Tuyển tập tác phẩm Vũ Tông Phan, Faust (Goethe), Lâu đài (Kafka),... Mặt khác, chúng tôi cố gắng làm kỹ, không để những sai sót không đáng có, nên làm chậm, mất thời cơ (điều tối kị trong kinh doanh). Có khi chúng tôi đang biên tập, chuẩn bị in thì cũng cuốn sách đó người đã in và bán rồi, thế là đành bỏ, hoặc lùi lại, chờ dịp... Nhưng nói cho cùng cái gì cũng có giá của nó, có cái mất và có cái được. Chúng tôi tin và hy vọng sách của Trung tâm Đông Tây được bạn đọc đánh giá đúng mức, tạo được uy tín nhất định và có chỗ đứng dài lâu.

- Nghe nói Trung tâm Đông Tây có một Thư viện khá lớn, cơ chế phục vụ thế nào, chúng tôi có thể đến sử dụng được không?

- Xin mời. Lớn thì chưa thể gọi là lớn được. Chúng tôi huy động sách, báo, tiếng Việt và tiếng nước ngoài, nào góp, nào xin, nào mua để tạo lập thành một thư viện cho mọi người sử dụng. Các cộng tác viên có thể đem sách báo của mình góp vào đấy để người khác cũng có thể dùng, nhưng sách vẫn là của riêng người ấy, khi nào muốn có thể lấy về.

Về phục vụ, nội bộ là chính - nhân viên, cộng tác viên, bạn bè, nhưng cũng có nhiều sinh viên, cán bộ biết tìm đến chỗ chúng tôi. Sau này thuận tiện (đủ số lượng, có kinh phí, địa điểm) lập được một Thư viện công cộng lớn là lý tưởng.

- Khó khăn lớn nhất của Trung tâm ông hiện nay là gì?

- Tiền.

- Nhưng ông vừa nói là ông không kinh doanh, vậy ông cần tiền để làm gì và bao nhiêu thì đủ?

- Tôi không nói là chúng tôi không kinh doanh. Tôi rất muốn kinh doanh, nhưng là theo cách và bằng "mặt hàng" của chúng tôi - tức là những ấn phẩm, công trình có giá trị văn hoá, học thuật cao như Phan Bội Châu toàn tập (chúng tôi đã phát hành), Lê Quý Đôn toàn tập, (chúng tôi rất muốn biên soạn, xuất bản) Thuỷ kinh chú sớ, (chúng tôi sắp phát hành). Nhưng loại sách này giá thành cao, bán đắt, lại ít người đọc...

- Thì ông kinh doanh loại sách bán chạy ấy?

- Chúng tôi không từ chối, nhưng vẫn phải đảm bảo mức độ "văn hoá" nhất định. Với chúng tôi loại như thế hiếm gặp lắm, thi thoảng được vài cuốn, như Bố già, Trịnh Công Sơn, Bách khoa phụ nữ trẻ... Còn kinh doanh đại trà loại sách rẻ tiền, "bán chạy", thì không phải là mục đích chính của Trung tâm: để làm việc đó chúng tôi không cần đến Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây, chỉ nên để một cá nhân, như tôi làm thôi là đủ.

Trở lại câu hỏi trên của chị, cần tiền để làm gì? Đơn giản thôi: để mua bản quyền sách dịch; để tổ chức biên soạn, khảo cứu, dịch những sách quý (thiên hạ bao nhiêu sách quý, chẳng hạn tôi ao ước dịch bộ Tiểu sử song song của Plutarque thời Hy La cổ đại đã mười mấy năm rồi mà vẫn chịu); để trả lương nhân viên không phải 500 -600 nghìn như hiện nay mà cao gấp rưỡi, gấp đôi; để thuê, mua, hoặc xin cấp đất xây dựng trụ sở đàng hoàng, dài lâu...

Bao nhiêu ư? Bao nhiêu cũng ... vừa. Việc làm không thiếu, có nhiều (tiền) thì làm (được) nhiều (việc). Tất nhiên là trong điều kiện cuối cùng vẫn bảo toàn được vốn, và sinh lãi nữa - có thế mới tồn tại được.

- Chẳng lẽ chỉ có một khó khăn đó thôi sao?

- Một khó khăn lớn của chúng tôi là người làm (được) việc. Trung tâm thiếu người quản lí. Nói thực, người thực sự có năng lực thì tự họ làm riêng, hoặc là đã làm nơi khác thường là có thu nhập cao. Chúng tôi là văn nghệ sĩ, không rành quản lí, lương bổng thấp khó thu hút được người giỏi. Đó là lãnh đạo. Nhân viên cũng vậy, đội ngũ nhân viên hầu hết mới ra trường, đến với chúng tôi lương thấp nên nhiều người phải làm thêm, nhiều người từng trải ít lâu xin đi nơi khác có điều kiện hơn... Một số người có tâm huyết, yêu nghề, mong muốn được làm việc, đóng góp với Trung tâm; nhưng sự say mê đó, có cả sự hy sinh nữa, nhiều khi khó chống lại những thôi thúc khác, đời thường và quyết liệt hơn. Bao giờ cũng vậy...

Có tiền (nhiều) là có thể giải quyết vấn đề: thu hút người giỏi về, có điều kiện đào tạo và giữ cán bộ trẻ. Chúng tôi chưa làm được điều đó nên phải tự... gắng sức và trông chờ thời cơ, may rủi, và tình cảm vậy.

- Có tên là Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây, các ông có quan hệ hợp tác quốc tế như thế nào?

- Chúng tôi đã thiết lập và giữ quan hệ với một số bè bạn, các tổ chức văn hoá nước ngoài, phối hợp với họ đã và sẽ cho ra những công trình dịch thuật, khảo cứu (như Nghiên cứu so sánh Tiễn đăng tân thoại và Truyền kì mạn lục của giáo sư Trần ích Nguyên (Đài Loan); Faust của Goethe; Và Việt Nam và... của Erich Fried, Tuyển tập tác phẩm D.Buzzati (Italia), Mệnh giời bắt thế của Hoàng thân Đan Mạch Henri de Monpezat...) Tại Trung tâm đã diễn ra nhiều buổi trao đổi học thuật, văn hoá với các học giả, văn nghệ sĩ nước ngoài. Tiềm năng của Trung tâm trong lĩnh vực này khá lớn, hy vọng trong thời gian tới chúng tôi sẽ làm được nhiều hơn.

- Cám ơn ông và xin được hỏi câu hỏi tò mò cuối cùng: ông có thể giới thiệu với bạn đọc vài cuốn sách đáng lưu ý của Trung tâm ông sẽ phát hành trong thời gian tới?

- Có thể kể một số cuốn như: bộ Văn học hậu hiện đại thế giới (gồm 2 tập: Những vấn đề lí luận và Truyện ngắn hậu hiện đại thế giới); Thuỷ kinh chú sớ do Bắc Nguỵ Lịch Đạo Nguyên chú, Dân Quốc Dương Thủ Kính và Hùng Hội Trinh sớ, Nguyễn Bá Mão dịch; Cổ kim tiếu sử của Phùng Mộng Long, Lê Văn Đình dịch; Luận giải về văn học và triết học của Phạm Quỳnh; Phan Khôi, tác phẩm đăng báo (nhiều tập, đã phát hành tập 1928)... Sách bán chạy chị em quan tâm chắc có Bách khoa sức khoẻ đàn ông!

  • Trần Hoàng Thiên Kim (thực hiện)
Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Ông Trần Mạnh Hảo nên đọc kỹ Nguyễn Tuân (03/06/2003)
Cách tân thơ là một giấc mơ... (30/05/2003)
Hy vọng văn học trẻ có những tác phẩm tầm cỡ quốc tế (30/05/2003)
Thật khó tin, nhưng đó là trả lời của NXB Văn học! (29/05/2003)
NXB ''sơ xuất'' vì không biết Nguyễn Ngọc Ngạn là ai (?!) (22/05/2003)
NXB Văn học "luộc" truyện ma của Nguyễn Ngọc Ngạn? (22/05/2003)
Ngày sinh sen nở thay Người (19/05/2003)
Trần Đình Hiến: Khốn khổ vì Mạc Ngôn! (14/05/2003)
Phan Huyền Thư: "Tôi sẽ nói bằng giọng của chính mình!" (09/05/2003)
''Viết hàng triệu bài thơ vẫn không thể nói hết sự vĩ đại của Người'' (08/05/2003)
Thơ ca Việt Nam đã đến phiên ''đổi gác''? (07/05/2003)
Nhà văn Lê Văn Thảo: ''Tài trợ còn mang tính đại trà'' (29/04/2003)
Nguyễn Đình Thi - nóng bỏng chất ''người Hà Nội'' (19/04/2003)
Về bài Thăng Long thành hoài cổ của vua Thành Thái (17/04/2003)
Ông Nguyễn Cừ: Giá sách quá cao do phí phát hành! (08/04/2003)
Tro ve dau trang