|
Nhà văn Đoàn Thạch Biền. |
(VietNamNet) - Thực hiện tuyển tập thơ văn cho tuổi mới lớn Áo Trắng; làm "bà đỡ" cho những tập sách đầu tay của các tác giả trẻ, cả hai mảng đó đều làm anh… lõm túi. Nhưng đã 15 năm qua, Áo Trắng vẫn tồn tại và phát hành rộng rãi trong cả nước, sau tủ sách tác giả ở NXB Trẻ, tủ sách "Tác phẩm đầu tay" ở NXB Văn nghệ TP.HCM, anh lại bắt tay vào thực hiện Tủ sách "Văn nghệ trẻ", vẫn lại là những tập sách riêng cho các tác giả mới xuất hiện.
Với giới văn trẻ TP.HCM, Đoàn Thạch Biền như một người anh lớn lại vừa như một người bạn. Anh có thể "ngồi với đám trẻ thoải mái" mà không thấy lạc lõng và xa lạ, đơn giản vì anh hiểu họ. Đoàn Thạch Biền là "nhà văn tuổi mới lớn" vì hầu như các sáng tác thành công của anh đều dành cho lứa tuổi này. Anh thường bảo, hãy yêu, hãy sống hết mình và viết. Yêu để viết về tình yêu của con người chứ không phải viết về cái tình yêu riêng biệt ấy. Cũng như ta uống bia để lấy cảm hứng viết về cuộc sống chứ không phải để mô tả một ly bia…
- Vì sao anh viết văn? Những bước đi đầu tiên trong văn chương của anh như thế nào?
- Tôi viết văn có lẽ vì… dốt toán. Trước 1975 ở miền Nam, vào lớp 10 phải học phân ban, toán, lý, hoá tôi học quá bết, sợ thi rớt nên tôi chọn ban C. Trường TH Phan Châu Trinh - Đà Nẵng thời đó thường in các đặc san mùa xuân, mùa hè. Tôi viết văn thơ đăng trên những đặc san đó. Sau đó tôi vào Sài Gòn học ĐH Văn khoa và bắt đầu viết kịch cho các nhóm kịch sinh viên trình diễn. Nhưng kịch thì gửi các báo không đăng, thế là tôi chuyển qua viết truyện.
- Phải hình dung như thế nào về tác phẩm đầu tay của ĐTB nhỉ?
- Tập truyện đầu tay "Ví dụ ta yêu nhau" xuất bản năm tôi 25 tuổi, quá già so với nhiều tác phẩm đầu tay của các cây bút trẻ bây giờ. Thật lòng, tôi thấy nó gần với nhật ký hơn là truyện vì "cái tôi" lộ rõ quá, nhiều người thật việc thật quá, thiếu đi sự tưởng tượng và hư cấu. Nhưng tôi yêu mến nó, bởi vì đó là những gì chân thật và hồn nhiên mà tôi nghĩ không bao giờ mình có lại được.
- Bạn đọc trung niên có kịch phản chiến “Đếm lá” để nhớ, tuổi thanh niên đọc những tác phẩm sung sức nhất của anh như: “Những ngày tươi đẹp”, “Tình nhỏ làm sao quên”, “Mây bay trong đầu”…Anh có nghĩ rằng mình còn mắc nợ với một lứa bạn đọc trẻ vừa xuất hiện? Truyện “Mùa hè khắc nghiệt” của anh mới in có vẻ “già” so với họ?
- Biết làm sao được, lực bất tòng tâm mà. Người ta có thể kéo dài tuổi trẻ nhưng không thể sống mãi ở tuổi trẻ dù là trong văn chương.
- Là một trong số ít những nhà văn tâm huyết với mảng văn học dành cho tuổi mới lớn, anh nghĩ gì về mảng sách này? Có một dòng văn học tuổi mới lớn (tương tự như VH thiếu nhi) không? Anh có sợ rằng, viết cho đối tượng này không thể có những tác phẩm đạt đỉnh cao như những dòng văn học khác?
- Gần đây, NXB KĐ và NXB Trẻ in khá nhiều tác phẩm trong tủ sách “Tuổi mới lớn”. Thực ra tuổi mới lớn đã được hiểu rộng là tuổi học sinh sinh viên. Tôi nghĩ sẽ có một dòng văn học riêng của tuổi mới lớn vì lứa tuổi này đọc nhiều và viết cũng nhiều. Một tác phẩm đã đạt đỉnh cao thì nó không còn thuộc dòng văn học dành riêng cho lứa tuổi nào. Shakespeare viết vở kịch “Romeo và Juliette”, chuyện tình của đôi trai gái 15, 16 tuổi – tuổi mới lớn đấy chứ, nhưng đâu có ai nói vở kịch đó dành cho tuổi mới lớn. Tôi không sợ được gọi là “nhà văn tuổi mới lớn”, tôi chỉ sợ mình viết một tác phẩm mà cả tuổi mới lớn lẫn tuổi… hết lớn đều chế dở.
- Bạn đọc nhận xét, văn của anh hóm hỉnh và rất… tuổi mới lớn. Nhiều lứa học trò đã chép vào sổ tay những câu như: “Người ta chỉ thực sự khóc một lần trong đời, những lần trước người ta tập khóc còn những lần sau người ta khóc vì thói quen”. Và họ dễ dàng chấp nhận cách xưng hô lạ đời, độc nhất vô nhị của anh: “ông – em”. Phải có bí quyết gì để thâm nhập vào thế giới riêng của họ chứ?
- Từ 1990, tôi cộng tác với NXB Trẻ thực hiện tuyển tập thơ văn Áo Trắng dành cho học sinh, sinh viên. Đọc sáng tác của các bạn trẻ gửi về, tôi hiểu phần nào tâm trạng của họ. Rồi các bạn sinh viên koa Báo khi chưa ra trường đã là đồng nghiệp của tôi nên cách sống, cách nói của các bạn đã giúp tôi hình thành những nhân vật trẻ không xa lạ với cuộc sống hiện nay. Tôi thấy rằng, muốn viết hay về lứa tuổi này, cần phải hiểu được họ muốn gì, mơ ước gì và nhà văn vừa phải đưa cho họ cái mà họ đang tìm nhưng đồng thời cũng cần phải đưa hướng tìm kiếm cho họ. Không ai làm thay được, ngoài sự “hết mình” của nhà văn với đề tài của mình.
- Phải chăng “nhà văn già” luôn có cái nhìn không thiện cảm với các cây bút trẻ?
- Làm gì còn chuyện đó nữa. Một tác phẩm đoạt giải, các báo đài đều giới thiệu ngay, đôi khi tác giả trẻ còn được ưu ái hơn tác giả đã nổi tiếng vì độc giả tò mò muốn biết họ là ai. Còn thiện cảm hay không đối với một tác giả trẻ là do cách sống của người đó chứ không phải do tác phẩm.
- Vậy là trong một bộ phận cây bút trẻ có cách sống… “có vấn đề”. Một cái nhìn thực khách quan, anh thấy văn học trẻ hiện tại như thế nào? Và các cây bút trẻ, họ có những “căn bệnh” gì vậy?
- Văn học trẻ hiện nay rất sinh động, bằng chứng là những người viết trẻ chiếm lĩnh gần hết các mục truyện, thơ trên các báo. Còn giá trị văn học thì luôn đòi hỏi phải có thời gian, ngay tác phẩm của một nhà văn nổi tiếng mới xuất bản cũng đòi hỏi phải có thời gian để thẩm định. Tôi nghĩ Hội Nhà văn VN hàng năm nên có giải thưởng trao cho “Tác phẩm đầu tay”, để các bạn trẻ hăng hái viết nhiều hơn. Các cây viết trẻ hiện cũng mắc những bệnh giống như tụi tôi thời trẻ: Cố viết như người từng trải những việc mà mình chưa trải qua. Lười đọc những tác phẩm của bạn đồng lứa, lười đọc các danh tác nước ngoài. Thậm chí, một số bạn trẻ còn coi mình là quá vĩ đại, là số 1 và họ đã chết ngay khi thành tựu đầu tiên còn chưa thực sự hoàn thành.
- Có một câu hỏi chưa có câu trả lời, rằng con người ta đi qua bao thế hệ mà vẫn mắc những lỗi lầm giống hệt nhau, thế hệ sau giẫm lên lỗi lầm của thế hệ trước. Văn học lại càng đúng như vậy. Là người đi trước, anh “chơi” một cách tự tin với “bọn trẻ” chứ? Anh hy vọng gì ở họ?
- Ai đó đã ví von viết văn với bóng đá, nên khi không còn là cầu thủ tôi sẽ là cổ động viên cho những tài năng trẻ. Tình yêu văn học cũng như bóng đá giúp người ta dễ gần gũi nhau. Vào thời buổi internet cập nhật vào mọi giới như hiện nay, tôi hy vọng các bạn trẻ sẽ có những tác phẩm đạt tầm cỡ quốc tế vì các bạn có nhiều điều kiện tốt và các bạn thông minh. Chỉ mong các bạn giữ được niềm đam mê văn chương lâu dài, chứ đừng bỏ cuộc khi vừa in xong tác phẩm đầu tay.
- Anh nghĩ gì khi những trang báo dành cho văn học ngày càng ít đi, học trò thích đọc truyện tranh, phỏng vấn ca sỹ hơn. Và các cây bút ở lứa tuổi này dường như ít xuất hiện, điều mà chỉ cách đây không lâu đã xuất hiện khá rầm rộ?
- Theo tôi thì đấy là chuyện bình thường. Và biết đâu nhờ vậy mà chũng ta sẽ có nhiều người viết và vẽ truyện tranh giỏi, nhiều ca sỹ hát hay. Công việc viết văn vốn thầm lặng. Không thể dạy nhau viết văn và không nhào nặn được những thần đồng. Không thể năm nào cũng rộ lên những người viết trẻ tài năng. Chúng ta hãy tin tưởng và chờ đợi các tài năng trẻ sẽ xuất hiện, nếu họ… có “duyên”.
- Xin anh một phút, thực tĩnh tâm, anh thấy văn của ĐTB như thế nào? Năm 2003 anh có kịp “trả nợ” bạn đọc tuổi mới lớn tác phẩm nào mới không?
- Văn của ĐTB không có vẻ đẹp “chết người” mà chỉ có chút duyên ngầm. Nhưng theo thời gian, chút duyên ngầm đó cũng lặn mất tiêu. Năm 2003, có lẽ tôi sẽ in truyện vừa “Sắc như mắt Phượng”, dành cho tuổi mới lớn và tập kịch ngắn “Đêm của cỏ”, dành cho tuổi… hết lớn.
- Có vẻ anh thích dùng từ “có lẽ”? Anh không chắc chắn một điều gì bao giờ sao?
- Có lẽ tôi chỉ chắc chắn một điều là những dự tính của tôi thường chưa bao giờ được thực hiện trọn vẹn.
- Xin cảm ơn anh!
- Dương Bình Nguyên (thực hiện)
Đoàn Thạch Biền, sinh năm 1948. Quê quán Nam Định. Học tiểu học ở Hội An, trung học ở Đà Nẵng, đại học ở Sài Gòn. Dạy học ở Bình Thuận, làm nông dân ở Bảo Lộc, làm công nhân ở TPHCM. Hiện làm việc tại báo Người Lao Động TPHCM. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Đã in 6 tập truyện ngắn và 2 truyện dài. Sắp in một tập kịch ngắn. Một số tác phẩm văn học nổi bật: Hình như ta yêu nhau, Tình nhỏ làm sao quên, Mây bay trong đầu, Tôi thương mà em đâu có hay, Những ngày tươi đẹp, Mùa hè nghiệt ngã… |
|