(VietNamNet) - Phan Huyền Thư là một người nhạy cảm, thơ của chị ngắn gọn nhưng mang đầy âm hưởng của tình yêu và cuộc sống. Phan Huyền Thư đã tạo ra một phong cách riêng và với những vần thơ chỉ của riêng chị. Qua VietNamNet, chị muốn chia sẻ quan điểm sáng tác và những mong muốn bình thường nhất của một nhà thơ nữ.
|
Phan Huyền Thư |
- Sau khi xuất bản tập "Nằm nghiêng", có một vài dư luận không hay lắm về nó, điều đó có ảnh hưởng đến chị nhiều không?
- Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu như tất cả các bài viết về Nằm nghiêng đều là khen cả. Đôi khi, sự chê bai cũng giúp cho mình hiểu được mức độ mà người khác có thể cảm nhận về tác phẩm của mình như thế nào, theo cách nào, theo chiều hướng nào... Thực ra chỉ có hai bài là có ý chưa ưng thuận với tôi. Trong đó, tôi có cảm nhận rất rõ ràng về sự chân tình và ác ý kèm theo (đương nhiên) là cả trình độ của mỗi tác giả. Chẳng có gì có thể gây ảnh hưởng đến tác phẩm của tôi ngoài tình yêu và cuộc sống, ảnh hưởng đến tôi chỉ dừng ở cấp độ một bài phê bình (thậm chí chỉ là một bài báo).
- Chị là một trong số những người làm thơ ít chữ, ẩn chữ, liệu có quá sớm không khi những người làm thơ trẻ như chị vận dụng những nguyên tắc khúc chiết, ngắn gọn, đôi dòng thơ chỉ còn lại một chữ để chở cảm xúc của mình? Chị có sợ người đọc sẽ không hiểu những điều chị nói không?
- Tôi không có ý đồ vận dụng nguyên tắc nào cho thơ cả. Viết là một phản xạ quá ư thầm kín. Nếu suy nghĩ và rung động của tôi ngắn gọn và giản dị y như sự viết của tôi thì tại sao tôi lại không trung thực với điều đó mà phải đồ sộ, diễn giải cồng kềnh chữ nghĩa trong thơ làm gì? Hơn nữa, tôi không có quan niệm rằng chữ nghĩa chỉ là phương tiện chuyên chở cảm xúc của nhà thơ. Hãy công bằng hơn với ngôn ngữ và hãy biết im lặng để lắng nghe được âm và điệu của từ ngữ. Bạn cảm thấy thế nào nếu tự nhiên phát hiện ra ý nghĩa của một từ lại hay hơn cả hình dung của mình trước sự việc mình định mô tả? Tiếng Việt quá hay và quá phong phú. Đôi khi, bạn chỉ cần bỏ bớt tính chất luyến láy của ngôn ngữ, bạn đã thấy được sự âm vang tự thân của một từ. Tôi chỉ sợ chính mình sẽ không hiểu nổi những điều mình nói. Trên thực tế đã có nhiều người thao thao... trong thơ khiến cho người đọc cảm thấy là chính người viết đang không hiểu mình viết gì, muốn diễn đạt điều gì.
- Có một thực tế là kiểu thơ của chị (và một số người nữa ở Việt Nam) đã được nói đến rất nhiều ở nước ngoài từ những thế kỷ trước. Chị có bị ảnh hưởng bởi ai không?
- Tôi yêu thơ của Nguyễn Bính, Quang Dũng, Phùng Cung, Lê Đạt, Ngô Kha và đặc biệt là Trần Dần... (chưa kể đến thơ thiền và các áng cổ văn, Hán văn... hay các tác giả nước ngoài). Thực ra là tôi yêu tất cả những cái hay, cái đẹp của ngôn từ. Tôi sẽ rất hạnh phúc nếu như mình cảm nhận được những tinh tuý của nghệ thuật thi ca. Tôi chưa bao giờ cố tình bắt chước giọng điệu của ai nhưng có học tập được tinh thần lao động (và rung động) nghiêm túc của các bậc tiền bối. Là thi sĩ thì phải có tinh thần thơ. Tôi chưa bao giờ nghĩ thơ là một cuộc chơi, tôi nghĩ thơ là một cuộc... đời. Nhà thơ Trần Dần có câu: "Nhân cách của nhà văn chính là ở Văn cách của anh ta". Nếu tôi là người thực tài tôi sẽ tạo ra được giọng điệu riêng. Còn nếu tôi là người tự trọng, tôi sẽ nói bằng giọng của chính mình.
- Chị có ý định tạo cho mình, hay cùng một số người sẽ tạo ra một trào lưu văn thơ mới trong giới trẻ hay không?
- Tôi xin khẳng định ngay: chưa bao giờ tôi dám nghĩ là mình làm thơ mà không dùng cách biểu đạt theo lối truyền thống cả! Khi còn học cấp 1, tôi cũng đã từng làm bích báo bằng thơ lục bát. Đến thời sinh viên, tôi cũng đã từng viết những bài thơ tình uỷ mị, sướt mướt... Ngay trong tập Nằm nghiêng của tôi, lời đề từ duy nhất là câu: "...Nằm nghiêng lạnh/hơi lạnh cũ..". Điều khiến cho mọi người có một cảm giác mới mẻ trong thơ của những người viết trẻ như tôi chính là dấu ấn của cuộc sống, của hoàn cảnh xã hội, của con người trong thời điểm mới... những dấu ấn ấy ảnh hưởng trực tiếp đến suy nghĩ và cảm nhận của mỗi thế hệ đấy chứ!
Tôi và những bạn viết trẻ khác không quyết định được việc mình có tạo ra được một trào lưu văn chương nào hay không. Quyết định việc này chính là thái độ tiếp nhận của xã hội. Đặc biệt là sự tiếp nhận vô cùng quan trọng của giới văn chương.
- Chị có muốn ai đó sẽ làm thơ theo "phiên bản" của mình không?
- Không. Tôi muốn ai đó vì yêu thơ tôi mà viết ra những vần thơ của họ. Cũng nhiều người cho rằng tôi làm thơ ảnh hưởng nặng tinh thần kiệm chữ của Lê Đạt. Bắt chước hay ảnh hưởng hay là giễu nhại... cũng đều cần phải xuất phát từ tiêu chuẩn viết đúng chính tả, không sai ngữ pháp thì mới làm được (tuy nhiên, thơ vẫn có những cấu trúc nằm ngoài qui luật ngữ pháp). Bạn nghĩ mà xem, nếu tôi yêu thơ Lê Đạt để mà tôi viết sẽ khác tôi yêu thơ Tố Hữu để mà tôi viết chứ, phải vậy không? Với thơ, tôi quan niệm thế này: "Cố tình nói lại là không nói, làm lại chính là không làm gì, bắt chước là không tạo ra".
- Được biết ngoài làm thơ, chị còn viết văn, văn của chị cũng có sự "cách tân" chứ?
- Với văn bản văn xuôi, tôi quan niệm thế này: một là có văn, hai là có chuyện. Các nhà văn Việt Nam phần lớn là chỉ mạnh một trong hai yếu tố trên. Người nào đạt được sự nhuần nhuyễn của cả hai yếu tố sẽ chinh phục được công chúng và thời gian. Tôi cho rằng chuyện là của đời sống, văn là của riêng mình nên tôi nghiêng về văn. Chừng nào tôi không tạo ra được những hình ảnh, nhạc điệu, những cảm xúc trong các câu văn, tôi sẽ không dại gì ngồi viết lại những câu chuyện suông mà thực tế vốn rất phong phú, sinh động hơn khi người ta tường thuật bằng miệng. Theo chủ quan của riêng tôi, những biện pháp nhằm cách tân văn xuôi hiện nay đang nằm ở nghệ thuật cấu trúc văn bản. Nhưng điều lớn lao nhất vẫn là sự rung động của nhà văn.
- Dự định sắp tới của chị là gì?
- Tôi vẫn đang viết. Dự định của tôi là cố gắng sao cho mình đừng vô cảm nhưng cũng đừng quá dễ tổn thương. Thực ra, đấy không phải là dự định mà chỉ là những mong muốn nhằm kéo dài sự viết. Tôi sẽ đi tiếp con đường văn chương mà mình đã chọn.
- Cảm ơn chị về cuộc đối thoại này !
|