Giải Nobel cho văn chương Việt Nam? Vừa khóc vừa buồn cười vừa mơ mộng!
10:46' 15/02/2003 (GMT+7)

(VietNamNet) - Giải thưởng Nobel văn chương trao cho nhà văn của cộng đồng nào, cộng đồng đó sẽ có được niềm tự hào, hãnh diện về ngôn ngữ của mình. Điều này sẽ khiến ngôn ngữ phát triển mạnh hơn và khiến cho những kẻ vọng ngoại tin rằng, ngôn ngữ mẹ đẻ của mình cũng có thể chứa đựng những tư tưởng minh triết nhất của nhân loại.

Giải thưởng Nobel

Người Việt từng từ chối giải Nobel

Trong đời sống hiện đại, Giải thưởng Nobel trao hàng năm cho các nhà văn, nhà khoa học, nhà hoạt động xã hội, là giải thưởng có uy tín nhất và tác động vào dư luận thế giới mạnh mẽ nhất. Vinh quang mà giải thưởng mang lại không chỉ dành cho cá nhân người đoạt giải mà còn làm vẻ vang cộng đồng của người đó. Trong các giải thưởng Nobel thì giải thưởng dành cho văn chương được đón đợi nhiều nhất. Xét về mặt giá trị văn thực sự, Giải thưởng này không nói lên điều gì. Bằng chứng nhỏ là dù thế kỷ hai mươi có hơn một trăm nhà văn đoạt giải, nhưng các cuộc điều tra về sách văn học của nhiều tổ chức khác nhau cho thấy, trong một trăm cuốn sách hay nhất của nhân loại, chỉ có bốn hoặc năm cuốn của các tác gỉa đoạt gỉai Nobel văn chương.

Như vậy, không hẳn đoạt giải Nobel văn chương mà có thể thẳng tiến vào ngôi đền thiêng bất tử như L. Tolstoi, J. Joyce,... những thiên tài không nhận giải thưởng Nobel văn chương. Tuy nhiên, xét về giá trị xã hội, nó có một giá trị vô cùng lớn. Giải thưởng Nobel văn chương trao cho nhà văn của cộng đồng nào, cộng đồng đó sẽ có được niềm tự hào, hãnh diện về ngôn ngữ của mình. Điều này sẽ khiến ngôn ngữ phát triển mạnh hơn và khiến cho những kẻ vọng ngoại tin rằng, ngôn ngữ mẹ đẻ của mình cũng có thể chứa đựng những tư tưởng minh triết nhất của nhân loại.

Theo tổ chức UNESCO, trên thế giới ngôn ngữ nào có khoảng gần trăm triệu người sử dụng liên tục thì ngôn ngữ đó là ngôn ngữ lớn, đặc biệt cần phải phát triển mạnh hơn. Dân số Việt Nam có khoảng hơn tám mươi triệu người cùng với vài triệu người Việt sinh sống ở nước ngoài. Như vậy tiếng Việt có một vị thế quan trọng trong đời sống xã hội nhân loại. Hơn nữa trong bốn nền văn hoá truyền thống lớn của các dân tộc sinh sống ở Châu Á, ba nền văn hoá kia đã sinh ra các tác phẩm đoạt giải Nobel văn chương là Ấn Độ, Nhật Bản và Trung Quốc. Như vậy theo vòng quay của thời gian và của... giải thưởng, chúng ta có thể dần cảm nhận được sức nặng đang tới từ tấm huy chương Nobel trong tiếng Việt. Tuy nhiên, có thêm một nền tảng khá vững chắc cho niềm tin ấy lại chính là sự việc người Việt Nam đã từng từ chối không nhận giải thưởng Nobel. Sau khi ký hiệp định bắt buộc quân Mỹ phi rút khỏi Miền Nam năm 1973, đồng chí Lê Đức Thọ và ngoại trưởng Mỹ Kissinger được uỷ ban xét giải thưởng Nobel Hoà Bình đồng xét trao giải thưởng. Nhưng nhà nước ta đã kiên quyết chối từ. Hoà bình chúng ta giành được là do mồ hôi xưng máu của hàng triệu đồng bào. Quân Mỹ buộc phải rút chạy khỏi Miền Nam vì thua trận chứ đâu vì tài ngoại giao của Kissinger. Chính phủ Mỹ muốn qua giải thưởng này để che dấu sự thất bại và tội ác của mình. Chính sự khước từ này đã làm cho toàn thế giới hiểu thêm về sự mạnh mẽ, bất khuất của tinh thần Việt. Tinh thần này cũng là thứ rượu được ủ trong Tiếng Việt lâu năm và đã đến lúc cả thế giới phải ngây ngất vì nó!


Những giấc mơ không vỗ cánh

Giải thưởng Nobel văn chương bắt đầu trao vào năm đầu của thế kỷ hai mươi với một nhà thơ Pháp. Đó cũng có thể gọi là thời điểm bắt đầu cho sự phát triển của nền văn học hiện đại Việt Nam với chữ Quốc ngữ ngày nay. Tiếng Việt phát triển mạnh mẽ và thu được những thành tựu trong văn học. Các nhà văn viết sách và bắt đầu mơ xa xôi về những thư mời từ Viện Hàn Lâm Thuỵ Điển, nơi trao giải Nobel. Tuy nhiên, Giải thưởng không trao cho một bài thơ hay, một tiểu thuyết hay, một vở kịch hay...mà trao cho toàn bộ hệ thống sáng tác của một tác giả. Chính điều này bỗng nhiên trở nên thành vật cản rất khó chịu đối với các nhà văn Việt Nam. Họ có thể viết một tác phẩm gây cho bạn đọc chú ý đến. Nhưng ngay lập tức và mãi mãi, người đọc mỏi cổ chờ đọc tác phẩm tiếp theo của nhà văn đó. Thay vì tiếp tục làm việc, nhà văn chạy đến tất cả các nơi để thu hoạch vinh quang từ cuốn sách đầu tiên và tất nhiên kết quả thường là một câu nịnh vô bổ nào đó. Hoặc giả dưới áp lực viết lách, họ đành phải cho ra những tác phẩm nhợt nhạt mà gọi bằng thể loại gì cũng được. Tuy vậy, giấc mơ Nobel văn chương vẫn thường trực trong dầu họ. Một nhà văn trẻ sưu tầm tất cả các tác phẩm văn chương đoạt giải Nobel đã dịch ra tiếng Việt. Anh ta đọc và ngộ ra một điều rất khủng khiếp là”Tưởng gì, chứ tôi viết còn hay hơn”. Quả là anh ta có làm việc và in nhiều tiểu thuyết. Hiện tại anh ta vẫn đang làm việc và bạn đọc có ai phát hiện được anh ta trong đời sống văn học thì xin báo lại.!..Nhưng có lẽ giấc mơ không tưởng ấy lại được những người Việt sinh sống ở nước ngoài...mơ nhiều nhất.

Chúng ta có một dòng văn học Việt nam hiện đại ở nước ngoài không? Điều này còn phải xét lại tận gốc ý nghĩa và những giá trị mà những tác phẩm tiếng Việt được xuất bản tại nước ngoài. Do giải Nobel văn chương có tác động xã hội lớn nên nhiều nhóm Việt Kiều cũng khao khát có một nhà văn hải ngoại...đoạt giải này. Tuy nhiên hầu như những gì mà họ viết ra rồi tự chuyển sang ngôn ngữ khác đều không gây được tiếng vang nào. Loại trừ những mơ ước nhưng phi thực tế như vậy, một vài nhóm Việt kiều cũng muốn dùng uy của giải thưởng này để làm những việc khác. Trên một số tờ báo tiếng Việt ở nước ngoài trước đây đây có một vài ý kiến đề cử Ng...... vào giải Nobel văn chưng. Ng.. là người có viết những khúc tạp văn ngắn và chất lượng của nó khiến cho chính một nhà văn có uy tín ở hải ngoại thốt lên rằng:”Thật hổ thẹn khi đề cử Ng vào giải Nobel văn chương. Đó là cách tốt nhất để làm bẩn tiếng Việt”. Cuối cùng như chúng ta đã thấy, thời gian không cần trả lời và nếu không có bài báo này thì hầu như không ai còn nhắc đến tên nhà văn này. Khi sống tách hẳn khỏi nền văn hoá sinh ra Cha Mẹ mình, nhà văn rất khó có thể tạo nên những tác phẩm lớn thực sự. Cho dù họ có tấm lòng chân thành đến mấy thì họ cũng chỉ tạo ra những dòng cảm xúc nhớ quê xa. Tư tưởng và cái Đẹp không thể bắt rễ và nẩy nở ở những tâm hồn không thường xuyên được nuôi dưỡng bằng chính dòng sữa đã sinh ra tâm hồn đó. Chúng ta không nên lấy các nhà văn Nga sống ở nước ngoài như Bunin, Brodsky.... làm ví dụ được vì họ trước khi buộc phải sống xa quê hương, họ đã là nhà văn thiên tài được xã hội thừa nhận. Hơn nữa, do sống trong một thế giới ngôn ngữ hoàn toàn khác với cách biểu cảm, tư duy của tiếng Việt nên nhà văn không thể phát triển và làm giầu Tiếng Việt của mình thêm được. Nếu có tấm lòng chân thành, tài năng văn chương thực sự thì cố gắng lắm nhà văn hải ngoại đó cũng chỉ giữ lại được trong tác phẩm của mình cung cách sử dụng tiếng Việt như hồi còn sống ở trong nước. Mà ngôn ngữ cứ mười năm lại có những thay đổi rõ nét, loại bớt những từ không thông dụng, thêm vào các từ mới... thành ra ngôn ngữ của nhà văn đó vẫn lỗi thời so với ngôn ngữ tiếng Việt hiện đại. Để hiểu rõ về đời sống tiếng Việt trong các cộng đồng người Việt ở nước ngoài chỉ xin nêu một ví dụ nhỏ là: Trong bộ sánh Tiếng Việt dành cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 xuất bản ở California, bài tập đọc mở đầu có viết về cảm giác của các em học sinh lần đầu đến trường là:”Hôm nay là buổi đầu tiên đến trường, lòng em cảm thấy rất hoang mang”. Từ cảm giác “hồi hộp” chuyển thành cảm giác “hoang mang” cũng đủ nói lên tất cả.


Theo những dự đoán trong thế kỷ hai mươi

Những năm trước đây, một số nhà văn, nhà phê bình cho rằng nếu Nguyễn Tuân còn sống thêm mươi năm nữa (vì giải Nobel chỉ trao cho người còn sống) thì rất có thể ông sẽ đoạt giải Nobel văn chương. Tuy vậy chúng ta phải hiểu rõ rằng, giải Nobel văn chương trao cho cả sự nghiệp văn học với những tư tưởng nhân văn không chỉ vượt trội lên so với các nhà văn trong nước mà còn so với tinh thần của toàn nhân loại hiện đại. Chính vậy nên dù với những tập truyện ngắn và bút ký tài hoa như vậy, Nguyễn Tuân khó lòng có thể giành được giải thưởng này. Nhưng có một nhà văn khác nếu còn sống lâu hơn thiên phận của mình, rất có thể sẽ nhận được vinh dự từ giải thưởng này. Đó là Nam Cao với những tập truyện ngắn đặc sắc và tiểu thuyết “Sống mòn” hoàn hảo Tư tưởng của Nam Cao thống nhất, thông suốt trong tất cả các trước tác kỳ lạ của mình, cùng với một thứ tiếng Việt đầy minh tuệ. Đây chính là nhà văn có thể tiêu biểu cho cả thời đại của mình. Ngoài Nam Cao, chúng ta cũng cần phải nhắc đến một nhà tiểu thuyết tài danh bạc mệnh là Vũ Trọng Phụng...

Nửa cuối thế kỷ hai mươi, khi quan hệ văn hoá giữa các nước được phát triển, những tác phẩm văn học Việt Nam hiện đại tìm được nhiều dịch giả hơn để có cơ hội xuất bản bằng thứ ngôn ngữ khác. Uỷ ban xét giải thưởng Nobel văn chương của Viện hàn lâm Thuỵ Điển quy định các tác phẩm được lựa chọn xét giải phải được dịch ra một trong năm thứ tiếng là tiếng Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Thuỵ Điển để ban giám khảo đọc được. Những tác phẩm văn học hiện đại, chủ yếu là tiểu thuyết và truyện ngắn được dịch khá nhiều. Có nhà văn được dịch đến ba bốn cuốn tiểu thuyết... Nhưng do cuộc chiến tranh Việt Nam có ảnh hưởng quá lớn trên thế giới nên độc giả muốn qua văn học để đoán được ý nghĩa xã hội trong đó. Đó là một trong lý do khiến tiểu thuyết và truyện ngắn được dịch nhiều. Và đó cũng lại là hạn chế lớn trong cách chọn dịch và cách cảm thụ của độc giả nước ngoài. Họ chọn dịch những tác phẩm có vấn đề thiên về những khía cạnh xã hội chứ không thực sự là những “giá trị cá nhân”, nền tảng nhân văn đích thực. Do đó, chỉ cần thời gian ngắn sẽ khiến các tác phẩm đó trở nên lỗi thời ngay chính trong đời sống văn học Việt Nam hiện đại chứ chưa nói đến sự giao lưu với văn học thế giới. Thời gian đã xoá hết những dự đoán chân thành nhất, ngây thơ nhất và ngông cuồng nhất.

Lời kết

Như đã nói, việc trao giải thưởng Nobel văn chương ngoài mục đích tôn vinh cá nhân nhà văn còn có mục đích quan trọng không kém(đôi khi còn lớn hơn cả những mục đích văn chương) là tạo dộng lực phát triển ngôn ngữ xã hội đó. Chính vậy mà ngoài tiêu chí văn chương ra, giải thưởng còn tuân theo vòng quay (không thường xuyên) phân giải thưởng ra các vùng của năm châu lục. Cho nên rất có thể văn chương Việt Nam sẽ được tìm hiểu, lựa chọn đầu tiên khi vòng quay giải thưởng trở lại với Châu Á. Giải thưởng sẽ đựợc trao cho nhà văn, nhà viết kịch, nhà thơ nào làm cho tiếng Việt trở nên lộng lẫy, kỳ diệu và minh triết hơn nữa trong các tác phẩm của mình. Và để làm được điều đó thì nhà văn chỉ có thể uống nguồn sữa ngọt tinh thần từ cội nguồn dân tộc mình. Bất kể một tư tưởng vọng ngoại nào, một tưởng tượng phù du nào cũng ngay lập tức làm hỏng tiếng Việt vì ngôn ngữ chỉ có thể toả sáng bằng chính dòng sữa đã sinh ra nó. Một tác phẩm văn xuôi đích thực, đồ sộ chỉ có thể có được khi dòng văn học sử dụng ngôn ngữ ấy đã tôi luyện được vài trăm năm. Dòng văn chương hiện đại sử dụng chữ Quốc Ngữ mới được hơn một trăm năm nên theo quy luật bất biến của tinh thần và của sự phát triển của ngôn ngữ thì chúng ta chưa thể có được một thiên tiểu thuyết đồ sộ ngay được. Vậy công việc sẽ dồn lên trái tim của các nhà viết kịch hay các nhà thơ!

  • Nguyễn Quyến
Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Mark Winegardner sẽ viết tiếp ''The Godfather'' (10/02/2003)