Kịch bản phim 1000 năm Thăng Long có bị bỏ quên?
(VietNamNet) - 17 kịch bản phim truyện lịch sử đang nằm yên trong ngăn kéo gần 5 tháng nay, phải chăng chúng bị lãng quên sau khi trao giải? Không, chúng đang được "cân, đo, đong, đếm..." xem kịch bản nào "nặng ký" nhất để chọn đưa vào sản xuất. Còn các tác giả của chúng thì sao? Chắc có người lo, kẻ mừng!
Cầu Chính Bắc bắc qua hộ thành hào vào cửa Chính Bắc thành Hà Nội (Ảnh chụp năm 1884) |
Lễ trao giải kịch bản phim lịch sử |
Như vậy, vấn đề đặt ra nếu Ban chỉ đạo không tin tưởng vào "trí tuệ" và sự "công tâm" của các thành viên trong Ban giám khảo thì mời họ thẩm định làm gì? Không những thế, họ đã vô tình làm mất đi niềm tin của công chúng vào giải thưởng tại cuộc thi? Nhưng dù sao Hà Nội vẫn phải có một bộ phim lịch sử để đời, chọn kịch bản nào, đạo diễn ra sao, thiết kế trường quay, bối cảnh...gì không còn là sự lo lắng của những người trong nghề nữa, nó đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của công chúng.
Nhà văn Nguyễn Quang Lập - tác giả kịch bản "Lý Thường Kiệt" (giải B) dòng đầu tư trực tiếp |
- Cảm giác của anh thế nào khi cho đến thời điểm này Hà Nội vẫn chưa có quyết định chọn kịch bản nào đưa vào sản xuất?Nhà văn Nguyễn Quang Lập: Tôi rất nóng ruột vì thời gian ngày một trôi nhanh. Nếu lấy năm 2010 làm mốc phải hoàn thành phim thì từ nay đến lúc đó một khối công việc khổng lồ cần phải làm như: thiết kế bối cảnh, trang phục, đạo cụ,, xây dựng trường quay... Cả một núi việc cần phải hoàn tất trước khi bấm máy. Để làm được một bộ phim lịch sử hoàn chỉnh phải mất ớt nhất từ 5 đến 7 năm. Giống như Nguyễn Quang Thân, tôi để ngỏ sự chọn lựa cho các nhà sản xuất mà không có ý kiến gì chen ngang làm phân tâm người ta. Tất nhiên nếu được chọn kịch bản của mình thì ai mà không sướng. - Nếu họ lại chọn một kịch bản nào đó không nằm trong khung giải A, B thì sao? - Nhà văn Nguyễn Quang Lập: Tôi tin không có chuyện đó. Đó là chuyện hão huyền |
Dẫu sao đây cũng là thời điểm "nhạy cảm" của Hà Nội, của những người trực tiếp viết kịch bản nhất là khi nhà biên kịch Nguyễn Thiên Phúc - tác giả "Thái Tổ Lý Công Uẩn" (giải B, giải cao thứ hai sau "Hội thề" của Nguyễn Quang Thân) khẳng định trên báo chí rằng "kịch bản của tôi có đủ hai tiêu chí: ăn khách và nghệ thuật" thì dường như sự "nhạy cảm" đó đã lên đến đỉnh điểm. Sau đây là ý kiến của nhà văn Nguyễn Quang Thân:
Nhà văn Nguyễn Quang Thân |
Nhà văn Nguyễn Quang Thân: Với tư cách là một nhà văn có kinh nghiệm viết kịch bản tôi đã đóng góp cho 1000 năm Thăng Long - Hà Nội một kịch bản lịch sử tử tế, xứng đáng với một bộ phim lịch sử tử tể. Sự định giá đó đã được khẳng định bởi cái giải A của Ban chỉ đạo lễ kỷ niệm với một Hội đồng chấm giải chính thức, có thẩm quyền do Ban chính Ban chỉ đạo lễ kỷ niệm cử ra.
Tôi cho rằng công việc của tôi đến đây là xong, tôi cảm thấy nhẹ nhõm với lương tâm mình, với Hà Nội tôi yêu mến. Tôi cũng nghĩ, giai đoạn đầu tiên để làm một bộ phim đã được hoàn tất một cách cẩn trọng và có tính pháp lý.
Còn bây giờ nếu người ta muốn chọn kịch bản nào khác để dựng phim nghĩa là phủ nhận thẩm định của Hội đồng chấm giải, cũng có nghĩa biến cuộc thi với bao tâm huyết của các nhà văn, các nhà viết kịch bản cả nước đã tham gia cuộc thi thành một trò đùa thì cần có giải thích và đối thoại cho minh bạch, tránh chuyện lập ra ban này ban nọ với những tập thể đáng tin cậy chỉ để cho vui rồi cuối cùng lại có một ai đó quyết định vội vã trong hậu trường với những lý do chỉ có Trời biết.
Những quyết định như thế khó tránh được sai lầm đáng tiếc. Chỉ muốn nhắc những người có trách nhiệm điều này: làm một phim lịch sử cho ngày kỷ niệm 1000 năm Thăng Long không phải là một “dự án” thông thường, không phải một cuộc đấu thầu thông thường, không nên để những “luật lệ” của dự án thông thường có thể làm hỏng một tác phẩm nghệ thuật mà nhân dân đang kỳ vọng vào các nhà điện ảnh có tâm huyết với lịch sử và nghệ thuật thứ bảy sẽ được chiếu trong ngày kỷ niệm.
Các nhà sản xuất chỉ là người được chọn để thực hiện một kịch bản nào đó được Ban chỉ đạo ( và có thể cấp cao hơn vì số tiền đầu tư rất lớn) chọn trên cơ sở hội đồng chấm giải chứ không thể nghe theo nhà sản xuất cắt chân cho vừa giày để làm ra một bộ phim chỉ có họ và đạo diễn cho là hay còn nhân dân thì quay lưng lại.
Chúng ta sẽ phải đối mặt với một trách nhiệm rất lớn, bởi số tiền của người đóng thuế lên đến hàng triệu USD và UBND Hà Nội, Uỷ ban kỷ niệm 1000 năm Thăng Long quốc gia sẽ chịu trách nhiệm trước lịch sử, trước nhân dân để làm sao có được một bộ phim tương xứng với sự mong đợi. Chúng ta đã có quá nhiều kinh nghiệm với những “dự án” có nhiều tiền và xin bảo trọng với những “chuyện thường ngày ở huyện” vẫn xẩy ra trong những dự án tương tự. Nếu làm một phim lịch sử tốn kém nhưng “buồn cười” kiểu chụp giựt như Hoàng Lê Nhất thống chí trước đây thì không làm còn hơn.
-
Trần Mạnh Hào
-
Ảnh: Nguyễn Đình Toán