Cuối năm, kinh doanh giải trí hốt bạc?
(VietNamNet) - Những ngày cuối năm là cơ hội kinh doanh của nhiều ngành nghề, đặc biệt đây là cơ hội kinh doanh hồi hộp nhất của năm trong lĩnh vực giải trí.
Băng đĩa hốt hụi chót
Trong xu thế né tránh băng đĩa lậu để bảo toàn đồng vốn, các hãng băng đĩa rất e dè đầu tư chương trình riêng. Đa phần, các hãng xem việc chia phần trăm phát hành băng đĩa cho ca sĩ như một nguồn thu trọng yếu. Trong năm 2004 vừa qua, những dịp lễ hội như ngày Quốc tế thiếu nhi, ngày Phụ nữ VN, Giáng sinh, Lễ tình nhân... cũng bị các hãng bỏ trống trận địa, để cho băng đĩa lậu "xào nấu" hàng cũ. Cuối cùng, tất cả các hãng đều tập trung làm chương trình xuân để hy vọng vào dịp mua sắm tưng bừng cuối năm.
Năm nay, album xuân của Sài Gòn audio với chủ đề Khúc nhạc ngày xuân được phát hành sớm nhất, tập hợp những ca khúc xuân nổi tiếng trong suốt hơn nửa thế kỷ nhạc Việt. Từ Nụ cười sơn cước (Tô Hải), Ô mê ly (Văn Phụng), Mộng chiều xuân (Ngọc Bích), Xuân họp mặt (Phạm Đình Chương)... đến những ca khúc rất mới gần đây. Với ưu thế phát hành sớm nên Khúc nhạc ngày xuân nhanh chóng tiêu thụ được hơn 2.000 đĩa. Mức tiêu thụ này được xem như "an toàn" trong tình hình băng đĩa sao chép đến chóng mặt.
Hơn 2 tuần sau khi Sài Gòn audio phát hành đĩa xuân, các hãng khác mới bắt đầu vào cuộc. Phương Nam Film phát hành Xuân ca với những bài ca mùa xuân rộn ràng, tưng bừng như Thiên đường mùa xuân (Mỹ Tâm), Lì xì nhé (Trio 666), Xuân ca (Đoan Trang)... Mùa xuân anh và em (Kim Lợi), Xuân Kỷ niệm 1,2,3 (Hãng phim truyện và Trường Thanh music), Bất chợt mùa xuân gõ cửa (Nhạc sĩ Quỳnh Hợp), Em đã thấy mùa xuân chưa (Lạc Vũ), Khúc xuân ca (Tùng studio)...
Khi các hãng đã phát hành xong nhạc xuân và chuẩn bị nghỉ Tết thì TTBN Rạng Đông mới vội vã tung ra CD - DVD Hát ru mùa xuân 4 và VCD hài Sui gia chúc Tết. Chương trình Hát ru mùa xuân 4 được đầu tư khoảng 750 triệu đồng và được TTBN Rạng Đông xác định nhảy vào cuộc phản công lại những băng đĩa xuân từ hải ngoại tràn về. Đến ngày cuối cùng của năm, con số thu về của Hát ru mùa xuân 4 đã bước lên 6.000 đĩa, xem như thắng lợi bất ngờ trong thời gian quá ngắn.
Trong đợt cạnh tranh gần giáp Tết của băng đĩa, chỉ có ca sĩ Đan Trường dám giới thiệu vol. 13 và album live show Mãi mãi một tình yêu vào 25 Tết. Vì sợ gần Tết không ai mua đĩa nên bầu sô Hoàng Tuấn không in nhiều đĩa, ai ngờ 8.000 bản đầu tiên chưa đầy một tuần đã hết vèo. Cho dù các đại lý hối thúc đặt thêm đĩa, Đan Trường cũng đành bó tay chịu thua vì Tết đã đến rồi chẳng thể nào in thêm đĩa, đành chờ ra Tết vậy.
Cơn sốt Khi đàn ông có bầu đã đến
Thật ra, khi bộ phim Khi đàn ông có bầu được chọn là phim chiếu đầu tiên trong dịp Tết, ông bầu Phước Sang lo nhiều hơn vui. Vì trong giới phát hành phim và bầu sô ca nhạc đều biết rằng những ngày cuối năm, ai cũng lo đi mua sắm, chẳng quan tâm đến phim ảnh hoặc ca nhạc. Phim được ra rạp vào 30 Tết là Nữ tướng cướp mới thật sự chọn được thời điểm "vàng".
Vì sợ ưu thế trở thành yếu thế trong mùa Tết, bộ phim Khi đàn ông có bầu đã lập tức có hẳn một kế hoạch quảng cáo ngốn hơn 1 tỉ đồng, được tính toán đến từng chi tiết. Ngoài việc treo tràn ngập bandron, phát tờ rơi đầy các ngã tư và quảng cáo trên truyền hình, các ông "bầu" trong phim còn xuất hiện giữa đời thường, len lỏi vào các chợ kêu gọi bà con đi xem. Ngày 4/4/2005 (tức 26 Tết), phim Khi đàn ông có bầu khởi chiếu thì chỉ trong 3 ngày đầu tiên đã bán được 40.000 vé, thu về khoảng 1,3 tỉ đồng. Con số này phá vỡ quan niệm về thời gian "rạp chết" trong những ngày cuối năm.
Nếu đi lên từ vạch xuất phát 3 ngày đạt 1,3 tỉ đồng này, ông bầu Phước Sang dự tính sẽ thu về hơn chục triệu đồng nữa trong 3 ngày Tết đầu năm.
-
Thanh Chung